Ngay cả người sáng lập WhatsApp - công ty được Facebook mua lại vào năm 2014 với giá 19 tỉ USD - là Brian Acton cũng đã đăng tweet với thông điệp “It is time #DeleteFacebook” trên Twitter. Sau khi bán WhatsApp, Action vẫn tiếp tục sử dụng Facebook cho đến năm 2017 nhưng kể từ đó đã đầu tư 50 triệu USD vào Signal - một ứng dụng nhắn tin cạnh tranh trực tiếp với Messenger của Facebook.
Facebook tuyên bố đã đình chỉ các tài khoản của công ty dữ liệu Cambridge Analytica, giáo sư tâm lí học Aleksandr Kogan của trường đại học Cambridge và người tố cáo thông tin vụ rò rỉ Christopher Wylie.
Kogan đã tạo ra một ứng dụng gọi là “thisisyourdigitallife” chỉ có 270.000 người dùng tải về nhưng Kogan đã có thể khai thác lỗ hổng trong Facebook và truy cập vào dữ liệu của 50 triệu người dùng. Theo Facebook, Kogan sau đó đã bán dữ liệu cho Cambridge Analytica và vào năm 2015, Kogan và Cambridge Analytica được yêu cầu xóa dữ liệu. Facebook cho biết Kogan đã lừa dối công ty và không xóa dữ liệu khi được yêu cầu.
Nhiều giờ sau khi thông báo của Facebook được đăng tải, Wylie đã gửi thông tin đến một số trang báo nói rằng ông và Kogan có thể lấy thông tin tài khoản Facebook. Luật sư Wylie cho biết Facebook sau đó đã tuyên bố công khai đình chỉ tài khoản của thân chủ ông.
Trong khi cả Cambridge Analytica và Facebook vẫn đang tranh cãi chủ đề thì một làn sóng người dùng trang mạng xã hội lớn nhất thế giới này đang bắt đầu gia nhập vào chủ đề trên Reddit gọi là #DeleteFacebook với hơn 7.000 ý kiến được đưa ra kêu gọi tẩy chay Facebook.
Rõ ràng sự cố của Facebook đang đe dọa đến lượng người dùng tham gia trang mạng này, đặc biệt trong bối cảnh công ty đã mất đi 1 triệu người dùng Mỹ truy cập hàng ngày trong quý 4/2017. Ngoài ra Facebook cũng đã phải đối mặt với những câu hỏi liên quan đến việc thiếu sự giám sát cho phép thông tin sai lệch lan truyền trong cuộc bầu cử Mỹ vào năm 2016.
Theo Dân Việt.
Bình luận