Lễ kí kết diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị triển khai đề án “Xây dựng Mỹ Tho thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020”, dưới sự chứng khiến của ông Trần Thanh Đức – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang, cùng nhiều cán bộ ban ngành từ cấp xã, huyện, thành phố, tỉnh.
Phát triển chính quyền điện tử là một trong những nội dung được tỉnh Tiền Giang chú trọng trong việc xây dựng mô hình Đô thị thông minh bên cạnh các tiêu chí khác như camera giám sát, giao thông thông minh, giáo dục thông minh, du lịch thông minh…
Hiện nay, người dân Tỉnh Tiền Giang có thể truy cập vào Zalo chính thức của tỉnh Tiền Giang tại địa chỉ zalo.me/hcctiengiang hoặc tìm kiếm với từ khóa “Cổng Hành chính công tỉnh Tiền Giang”. Các dịch vụ hiện tại gồm tra cứu hồ sơ bằng mã biên nhận hoặc mã QR, và cập nhật tin tức mới nhất về tình hình kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, chính sách mới trên địa bàn tỉnh…Trong tương lai, khi Tiền Giang hoàn thành các dịch vụ khác của Đề án đô thị thông minh như du lịch thông minh, camera thông minh, giao thông thông minh, giáo dục thông minh, bản đồ xe bus, tra cứu các điểm ngập mặn… sẽ tiếp tục tích hợp lên Zalo để phục vụ người dân.
Theo chia sẻ của Tiến sĩ Trần Thanh Đức - Phó chủ tịch tỉnh Tiền Giang, hi vọng đề án đô thị thông minh sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cũng như xây dựng một chính quyền phục vụ người dân.
Việc xây dựng mô hình Thành phố thông minh cũng đặt ra thách thức về khả năng theo kịp tốc độ phát triển công nghệ của người dân. Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Văn Dũng – giám đốc sở TTTT tỉnh Tiền Giang cho rằng hệ thống CNTT của Việt Nam đang rất phát triển và đặc biệt là khả năng kết nối hạ tầng băng thông rộng và người dân có sở hữu điện thoại, đặc biệt là smartphone ngày càng nhiều nên khả năng tương tác với chính quyền và khai thác hệ thống thông tin mang lại cho lợi ích người dân là hoàn toàn khả thi. Bên cạnh đó, việc kí kết với Zalo – một ứng dụng có đông người sử dụng cũng không nằm ngoài mong muốn thông qua Zalo mang đến người dân những tiện ích mà chính quyền hướng đến.
“Mô hình Đô thị thông minh nhằm giúp người dân có thể tương tác với chính quyền và tiếp cận các thông tin chính xác do vậy, mô hình này sẽ hướng đến việc từng hộ gia đình, cá nhân có thể thừa hưởng thành quả của đô thị thông minh để không ai có thể bị bỏ lại phía sau trong làn sóng CMCN 4.0”. – Ông Dũng cho biết thêm.
Box: Tại hội thảo quốc tế "Phát triển công nghiệp thông minh - Smart Industry World 2017” ngày 5/12, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thế giới hôm nay đang chứng kiến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, điều này đã tạo ra những thách thức to lớn đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Không nằm ngoài xu thế, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm xây dựng các cơ chế chính sách phát triển công nghiệp thông minh, thúc đẩy Công nghiệp 4.0 như việc ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg chỉ ra các định hướng giúp Việt Nam tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có giải pháp về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin. Trên cơ sở đó, theo đánh giá của Thủ tướng, các Bộ, ngành, địa phương đã bước đầu ứng dụng CNTT vào công tác cải cách hành chính và quản lí nhà nước ở từng bộ, ngành và địa phương. Đa số các dịch vụ công hiện nay đã chuyển sang trực tuyến (88%), trong đó hơn 10% đã ở mức độ 3 và 4.
Bình luận