Khi mọi người bắt đầu quan tâm hơn đến việc tạo ra những bức hình có tính nghệ thuật cao thay vì chỉ đơn giản là áp dụng các bộ lọc màu sắc như trước đó, để nâng cao sự chú ý vào những bức ảnh, chế độ chụp chân dung (Portrait) đã được khai sinh trên smartphone.

Bắt chước các ống kính khẩu độ nhanh được tìm thấy trên các máy ảnh SLR hiện đại, chế độ này về cơ bản làm mờ nền trong ảnh để mọi ánh mắt tập trung vào chủ thể phía trước. Smartphone trước đây có thể sử dụng thủ thuật phần mềm để tạo ra hiệu ứng này. Tuy nhiên, nó không thể tạo ra những hình ảnh đẹp như với máy ảnh SLR.

Chính vì vậy, sự xuất hiện của Portrait Mode thực sự có khả năng tạo ra ảnh nền mờ tuyệt đẹp, mặc dù không thể bằng máy ảnh SLR nhưng ít nhiều nó cũng giúp thu hẹp một khoảng cách nhất định. Điều này dựa vào sự kết hợp của thuật toán phần mềm kết hợp với ống kính phụ, thay vì chỉ đơn giản là phụ thuộc vào phần mềm như trước đây.

Ảnh
iPhone 7 Plus đã mở ra xu hướng chụp ảnh chân dung cho người sử dụng.

Nắm bắt được nhu cầu chụp ảnh nghệ thuật của người tiêu dùng, các nhà sản xuất smartphone hiện nay hầu hết tập trung vào việc đưa ống kính phụ vào ống kính chính ở mặt sau của smartphone. Đó là sự kết hợp của ống kính thường với ống kính zoom. Ví dụ như thiết lập trên iPhone 8 Plus hoặc X, hay Galaxy S9, Note 8 cũng như nhiều sản phẩm khác.

Với thiết lập của mình, mỗi điện thoại đều có thể cung cấp hình ảnh hiệu ứng nền mờ tuyệt vời trong chế độ chụp Portrait Mode và nhận các đánh giá cao đến từ nhiều trang công nghệ uy tín, bao gồm cả đánh giá của trang web chuyên nhận xét chất lượng ảnh chụp bằng camera uy tín DxOMark. Đối với cộng đồng ưa thích chụp ảnh khoe lên mạng, ảnh chụp ở Portrait Mode luôn tạo được sự chú ý khi mọi con mắt được tập trung vào đối tượng được chụp ở chế độ sắc nét.

Ảnh
Không chỉ smartphone cao cấp, nhiều sản phẩm tầm trung và thậm chí giá rẻ cũng đi kèm Portrait Mode.

Năm 2016, cộng đồng mới chỉ bắt đầu chú ý đến Portrait Mode có trên iPhone 7 Plus. Một năm sau đó, làn sóng thiết bị với camera kép hỗ trợ Portrait Mode thực sự nở rộ với hàng chục điện thoại xuất hiện. Không chỉ các thiết bị cao cấp mà ngay cả những thiết bị tầm trung cũng được khoác trên mình chế độ này. Tuy chưa thực sự nổi bật để có thể so sánh với các thiết bị cao cấp nhưng nhìn chung kết quả đều rất được người dùng ủng hộ. Thậm chí, một số smartphone tầm trung còn đi kèm 4 camera hỗ trợ Portrait Mode ở cả mặt trước và mặt sau (mỗi mặt 2 camera).

Dĩ nhiên không nhất thiết smartphone phải có camera kép mới có thể mang đến trải nghiệm chụp ảnh Portrait Mode hoàn hảo. Bằng chứng là Google Pixel 2 chỉ có camera đơn nhưng đã mang đến tính cách mạng về chụp ảnh di động nhờ các thuật toán xử lí hình ảnh đáng kinh ngạc của Apple. Mọi người có thể cho rằng phần cứng như quang học và cảm biến hình ảnh chất lượng cao là những thứ duy nhất có thể nâng cao chất lượng hình ảnh, tuy nhiên Google cho thấy rất nhiều thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) được áp dụng sẽ dẫn đến độ sắc nét và nâng cao hiệu suất chụp ảnh thiếu sáng.

Ảnh
Google Pixel 2 được trang bị thuật toán AI giúp nâng cao chất lượng ảnh chụp chân dung.

Khi cấu hình phần cứng không còn lại điều nhiều người dùng quan tâm đến smartphone, các nhà sản xuất điện thoại đang tập trung cải thiện trải nghiệm của người dùng với camera chính là yếu tố hàng đầu để phân biệt với các đối thủ. Và Portrait Mode đang là yếu tố then chốt mà nhiều người tiêu dùng quan tâm trước khi rút hầu bao để mua điện thoại.

Theo Thanh Niên.




Bình luận

  • TTCN (0)