Các trang search Việt đang tìm chỗ đứng

Cuối tuần qua, ông Lê Mạnh Hà, giám đốc sở Thông tin truyền thông TP.HCM đề nghị trong những quy định về internet sắp tới mà bộ Thông tin truyền thông đang biên soạn, nên mở theo hướng bình đẳng, không phân biệt nước ngoài hay trong nước. Trong khi đó, các công cụ tìm kiếm của Việt Nam chỉ có thế mạnh trong một số lĩnh vực nhỏ như âm nhạc, blog...

Chưa kịp “làm nóng” sau lễ công bố chính thức vào tháng 5-2008, công ty phát triển công nghệ Nguyễn Hoàng đã phải rút 100% vốn đầu tư khỏi website tìm kiếm monava.vn.

Chết yểu

Theo cam kết, Nguyễn Hoàng bỏ vào nửa triệu USD để “xây dựng website này trở thành một công cụ tìm kiếm dữ liệu hàng đầu Việt Nam, giành lấy hàng triệu khách hàng nội địa có nhu cầu dùng công cụ tìm kiếm từ tay Google, Yahoo”, như tuyên bố của giám đốc công ty.

Còn Nguyễn Quang Huy, giám đốc dự án Monava cũng khá hùng hồn khi nói: “Chỉ mới chạy thử nghiệm chưa được năm tháng, nhưng đến nay (ngày công bố chính thức – PV) đã có trên 220.000 khách hàng thường xuyên với khoảng hai triệu lượt truy cập/ngày”.

Nguyên nhân của việc rút vốn không được Nguyễn Hoàng giải thích. Theo một nguồn tin riêng, đối tác của Nguyễn Hoàng đã không trung thực trong việc xây dựng và phát triển website này theo như hợp đồng đã ký.

Tìm trong giới hạn

Chủ nhân các website tìm kiếm dữ liệu cũng thi nhau công bố sự góp mặt của các nhà đầu tư mạo hiểm nước ngoài. Trong bốn năm qua, chỉ trong lĩnh vực tìm kiếm, có bốn website đưa vào hoạt động là xalo.vn, baamboo.vn, socbay.vn và zing.vn.

Khi truy cập vào các website tìm kiếm do người Việt làm chủ, người dùng thường chỉ nhận được thông tin có trong các website trong nước với số lượng và nội dung cũng khá hạn chế. Theo nhận xét của một chuyên gia về web, có thể các công cụ tìm kiếm Việt đã “link” sẵn với một số website. Như vậy, khi gõ bất kỳ từ khoá nào, công cụ search đó chỉ loay hoay tìm kiếm trong phạm vi những website đã liên kết sẵn trước đó. “Cũng có thể họ đã mượn “đường” của các công cụ như Yahoo hay Google để tìm kiếm, sau đó hiển thị thông tin trên giao diện của mình”, một chuyên gia nói.

Ông Nguyễn Hồng Trường, giám đốc phát triển kinh doanh và công nghệ của IDG Ventures Vietnam giải thích: “Nhiều công cụ tìm kiếm của Việt Nam đã được nhúng vào các website Việt Nam để chia sẻ nguồn tài nguyên giữa các website với nhau. Các công cụ này có thế mạnh tìm kiếm thông tin những lĩnh vực như âm nhạc, hình ảnh, video, blog, rao vặt…”.

Bà Đường Thu Hương, giám đốc đối ngoại của IDG Ventures Vietnam cho biết đã hoàn tất giai đoạn 1 đầu tư vào các website Việt với vốn đầu tư 100 triệu USD cho 35 dự án. Theo bà Hương, trong kế hoạch phát triển, IDG Ventures Vietnam tiếp tục đầu tư khoảng 200 triệu USD vào những dự án mới và bổ sung thêm vốn cho những dự án lớn của giai đoạn 1, trong đó có cả những dự án về công cụ tìm kiếm.

Mãi mãi “một ước mơ”

Vào những địa chỉ trên, người dùng sẽ thấy hiện ra giao diện của một cổng thông tin, trong đó chức năng tìm kiếm chỉ là một trong những chức năng phụ. Để xứng đáng là một công cụ “search” đúng nghĩa, có lẽ không biết đến bao giờ. Ông Lê Mạnh Hà chia sẻ: “Cần tôn trọng những khao khát của các bạn trẻ khi muốn làm được điều gì đó cho cộng đồng, cụ thể là công cụ tìm kiếm Việt. Nhưng có lẽ năng lực, hạ tầng, vốn đầu tư, chiến lược phát triển chưa đủ mạnh nên khó làm điều gì đó lớn hơn”.

Ông Nguyễn Văn Hiền (iNet Solutions) thẳng thắn nói: “Nếu làm như Yahoo hay Google thì đừng nên làm. Không tự ti nhưng phải nhìn thẳng vấn đề: không bao giờ ta có thể đuổi kịp họ. Phải làm khác, may ra mới có cơ hội tồn tại và phát triển. Nếu chức năng tìm kiếm chỉ là một chức năng phụ trong một website thông thường thì chẳng có vấn đề gì để bàn”.

Ông Trường nói rằng không thể khuyên các nhà đầu tư website nên chuyển hướng đầu tư sang những lĩnh vực khác chỉ để tránh đối đầu với các đại gia như Yahoo, Google! Dù có sức mạnh trên thị trường toàn cầu, nhưng Yahoo và Google đã gặp cạnh tranh đáng kể của các “search engine địa phương” như trong trường hợp của Baidu (Trung Quốc), Naver (Hàn Quốc), Yandex (Nga). Qua tìm hiểu, để “đánh bại” Google tại thị trường Trung Quốc, Baidu đã xây dựng một kho dữ liệu đồ sộ về những gì thuộc Trung Quốc. Như vậy, người trong nước muốn tìm thông tin của tổ quốc mình, chỉ vào Baidu là đầy đủ. Còn ở Việt Nam đã có những gì?

(Theo SGTT)



Bình luận

  • TTCN (1)
Nemo Nguyen  21665

Các search engine đều phải dựa trên rất nhiều giải thuật phức tạp từ index, đánh giá, phân tích... đa phần được xây dựng quan quá trình "nghiên cứu khoa học" lâu năm. Search engine đâu đơn giản như những ứng dụng web khác...

Bao giờ VN có lực lượng nghiên cứu trình độ cao trong lĩnh vực này (chắc còn lâu lắm) thì may ra mới có 1 search engine trung bình. Còn không thì cứ phát triển tốt các dạng meta-search dựa trên "công sức" của Google, Yahoo... là tốt nhất vì hiện tại chúng ta ko có đủ "khả năng" (trình độ và tiền bạc) như các nước phát triển.