Ý tưởng của người dùng có thể thuộc bất kỳ lĩnh vực nào. Các ý tưởng sẽ được chọn lựa theo 5 tiêu chí chủ yếu sau đây: “Reach” (Tầm ảnh hưởng), “Depth” (Tác động sâu rộng), “Attainability” (Dễ triển khai), “Efficiency” (Hiệu quả) và “Longevity (Có sức sống lâu dài).
Google khẳng định tất cả các ý tưởng dù lớn hay nhỏ, dù có liên hệ với công nghệ thông tin hay không… đều có thể tham dự cuộc thi, miễn là nó phải có những tác động tích cực đối với thế giới này.
Ví dụ như ý tưởng mà hãng này đang theo đuổi là gắn thiết bị WI-FI lên những chiếc xe buýt công cộng, nhằm giúp người dùng có thể gửi nhận email ngay cả khi xe buýt đi vào vùng chưa có đường truyền Internet.
Hoặc ví dụ về xe chở nước Hippo. Được phát triển tại châu Phi, xe chở nước Hippo là một thiết bị chứa nước có hình dạng như một chiếc thùng, được gắn với một tay cầm, có khả năng chứa 90 lít nước. Quan trọng nhất là người sử dụng có thể đẩy chiếc xe một cách dễ dàng giống như xe cút kít, giúp dân làng ở châu Phi dễ dàng vận chuyển nước sạch về nhà từ điểm lấy nước khá xa. Tuy nhiên, Google khẳng định đây chỉ là những lĩnh vực được hãng đưa ra gợi ý chứ không mặc định là giới hạn.
Giải thưởng này là một phần trong dự án mang tên Project 10^100. Mục tiêu là tìm kiếm những cách thức nhằm cải thiện cuộc sống của con người trên toàn thế giới.
Hạn chót để mọi người gửi ý tưởng của mình đến Google là ngày 20-10 tới đây. Google sẽ lọc ra 100 ý tưởng xuất sắc nhất và cho người dùng bình chọn. Sau đó, lấy ra 20 ý tưởng vào vòng chung kết. Giữa tháng hai sẽ công bố từ hai đến năm ý tưởng đoạt giải. Cuối cùng, ban giám khảo chọn ra 5 ý tưởng xuất sắc nhất được nhận tiền tài trợ của Google.
Độc giả quan tâm có thể gửi ý tưởng của mình đến Google bằng cách truy cập vào đây. Google đưa ra 7 lĩnh vực minh họa gồm:
1. Cộng đồng: chúng ta giúp liên kết mọi người, xây dựng cộng đồng và bảo vệ văn hóa riêng như thế nào?
2. Cơ hội: chúng ta giúp mọi người chăm lo bản thân và gia đình như thế nào?
3. Năng lượng: chúng ta phải làm gì để giúp thế giới chuyển sang sử dụng năng lượng sạch, rẻ?
4. Môi trường: chúng ta phải làm gì để phát triển hệ thống sinh thái sạch và bền vững hơn?
5. Y tế: chúng ta làm thế nào để giúp mọi người sống cuộc sống lâu dài và lành mạnh hơn?
6. Giáo dục: làm thế nào để giúp mọi người được tiếp cận với giáo dục dễ dàng hơn?
7. Chỗ ở: làm thế nào để giúp mọi người có nơi ăn chốn ở an toàn?
“Trong suốt 10 năm xây dựng và phát triển, Google đã học được một bài học rất lớn. Đó là ý tưởng lớn có thể nảy sinh từ bất kỳ con người nào ở bất kỳ đâu và trong bất kỳ thời gian, không gian nào đó. Ví dụ, từ nhu cầu đối với một trình duyệt web có đủ sức tải được ứng dụng web giàu (rich web application) mà Google nảy sinh ý tưởng và phát triển thành công Google Chrome. Còn Google News được sinh ra nhờ sự kiện 11-9”, Google phát biểu.
(Theo Tuổi trẻ/Computerworld)
Bình luận