"Điện thoại Google" G1 của T-Mobile vừa ra mắt nhận khá nhiều lời khen chê. Nhưng chính nền tảng mở Android mà G1 là kẻ lĩnh "ấn tiên phong" mới là mối đe doạ lớn nhất tới các ông lớn đang thống trị thị trường, đặc biệt là iPhone của Apple.

"Tấn bi kịch" của Apple là bài học ngành công nghiệp máy tính vẫn ghi nhớ đến ngày nay. Steve Jobs và người bạn Steve Wozniak, hai con người trẻ tuổi dám nghĩ dám làm đã sáng tạo nên máy tính cá nhân (PC) đích thực đầu tiên trên thế giới vào năm 1976. Ngay sau đó, hãng Apple của hai người vươn lên thống trị thị trường máy tính cá nhân và phần mềm non trẻ của những năm 70, lập kỉ lục hãng trẻ nhất lọt vào danh sách 500 công ty hàng đầu của Fortune trong năm. Nhưng rồi, Apple nhanh chóng đánh mất thị trường do chính mình tạo ra. Các PC do IBM chế tạo, sử dụng phần mềm của Microsoft sau đó nhanh chóng đè bẹp Apple. Chìa khoá cho chiến thắng của PC, cũng như thất bại của Apple chính là tiêu chuẩn mở cho PC mà IBM thiết lập, tạo điều kiện cho các hãng phần cứng và phần mềm thứ ba tham gia vào ngành công nghiệp máy tính.

Steve Jobs rời hãng vào năm 1985 sau cuộc đấu đá nội bộ lãnh đạo bất thành, nhưng rồi trở lại năm 1996 để cứu một Apple đang trên đà phá sản.  Học được từ thất bại ngày xưa, kết hợp với công thức đã làm nên thành công thủa ban đầu của Apple: chức năng sáng tạo độc đáo đặc sắc, thiết kế hoàn hảo, các sản phẩm của Apple, từ máy Mac, hệ điều hành OS X, tới các iPod, iPhone đều vượt lên trên đối thủ để mang đến những trải nhiệm hoàn toàn mới tới người dùng. iPhone, chiếc điện thoại đa chức năng đưa Apple lên vị trí hàng đầu trong thị trường smartphone  là sản phẩm "mở" hơn bất cứ sản phẩm nào khác của Apple. Hãng gần như dựa hoàn toàn vào đối tác bên ngoài thiết kế phần mềm cho iPhone, sau đó bán chúng trên Apple Store. Apple hoàn toàn có cơ sở để nhắm đến doanh thu 1 tỉ đô la.

Ảnh
T-Mobile G1, "điện thoại Google"

Nhưng nhìn kĩ lại, iPhone không mở như mọi người vẫn tưởng. Các nhà phát triển phần mềm và sản phẩm của họ phải được chấp thuận bởi Apple trước khi xuất hiện trên Apple Store. Rõ ràng, không phải ai cũng thích thú với sự "kiểm duyệt" này. Tồi tệ hơn nữa, Apple chấp nhận, sau đó lại thẳng thừng gỡ bỏ một số phần mềm trên Apple Store, tạo ấn tượng vô cùng xấu với giới phát triển phần mềm. Một số giận dữ đến nỗi "nhảy tàu", rời bỏ iPhone để đến với Android, nền tảng phần mềm đầy hứa hẹn do Google hỗ trợ phát triển. Chiếc G1 của T-Mobile, smartphone đầu tiên dùng hệ điều hành Android sẽ có mặt trên thị trường trong tháng 10 tới.

Ảnh
Liệu Apple có bị "nếm quả đắng" thêm 1 lần nữa vì kiểu "mở nửa vời"?

G1, hay chính xác hơn là Android sẽ là mối đe doạ lớn nhất đối với Apple iPhone. G1 chỉ là sản phẩm đầu tiên trong loạt điện thoại đa chức năng phát triển dựa trên một "hệ sinh thái" hoàn toàn mở. Bản thân G1, và cả nền tảng/hệ điều hành Android có lẽ xấu xí hơn iPhone, không có nhiều chức năng và giao diện hào nhoáng như iPhone, tương tự như khi so Windows và PC với máy Mac và OS X. Nhưng chắc chắn các smartphone dùng Android sẽ ngày càng rẻ, đẹp và tiện dụng hơn khi nhà sản xuất điện thoại nhận thấy tiềm năng của nền tảng này.

Không như Apple, chỉ "tuân lệnh" từ Steve Jobs, các nhà sản xuất kia sẽ nghe theo "tiếng gọi" của thị trường, của người tiêu dùng. Ví dụ điển hình là G1 - chiếc smartphone dùng Android đầu tiên -  hỗ trợ copy-paste, chức năng người dùng iPhone mong mỏi không thành kể từ ngày đầu tiên ra mắt. Chậm nhưng chắc, nếu Google có những bước đi đúng đắn phối hợp với các nhà sản xuất điện thoại di động, sản phẩm dùng Android sẽ từ từ chiếm được cảm tình của người tiêu dùng. iPhone, với phong cách "mở nửa vời" của mình sẽ không thể "làm mưa làm gió" như trước.

Liệu lịch sử có đang lặp lại?

(Theo Dân Trí/Times)




Bình luận

  • TTCN (0)