Sau 15 năm thai nghén và âm thầm xây dựng, đầu tháng 8 vừa qua, công ty Tin Học Lạc Việt đã ra mắt trung tâm tri thức Việt Nam trực tuyến – Vietgle.vn, đáp ứng nhu cầu thông tin, học tập, giải đáp thắc mắc, giải trí… và giới thiệu nét đẹp về văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam.
15 năm chuẩn bị
Theo ông Hà Thân, tổng giám đốc công ty Lạc Việt, nền tảng phát triển kinh tế của các nuớc phát triển là chú trọng tập hợp những tinh hoa kiến thức dựa trên nền tảng văn hóa và tri thức, từ đó xây dựng thành quy luật để ứng dụng phát triển đất nước và giáo dục thế hệ trẻ. Tại Việt Nam, những tri thức này rất phong phú được một số website tìm kiếm hiện nay cũng có đăng tải. Tuy nhiên, những nguồn tri thức chuyên sâu, truyền thống (động thực vật, lịch sử, võ học, y học, danh nhân...) thì lại phân tản, không tập trung thành hệ thống, không thoả mãn nhu cầu của người dùng.
Vì vậy, ngay từ những ngày đầu thành lập (năm 1994), cùng với hoạt động kinh doanh và phát triển giải pháp CNTT, Lạc Việt đã manh nha ý tưởng và âm thầm xây dựng kho dữ liệu tri thức chuyên về Việt Nam để đáp ứng nhu cầu này. Song song với việc đàm phán và hợp tác với các chuyên gia, giáo sư chuyên ngành, một đội ngũ hơn 60 người (biên soạn, biên tập, kỹ thuật...) cũng được Lạc Việt tập hợp để xây dựng nội dung, đồng thời, chuẩn bị cơ sở hạ tầng, công cụ kỹ thuật để hiện thực hoá ý tưởng. Ông Hà Thân cho biết, xây dựng Vietgle cho giai đoạn đầu 5 năm hoạt động, Lạc Việt đã đầu tư 20 tỷ đồng cho các hạng mục, trong đó sử dụng các công nghệ tích hợp phức tạp như công cụ xử lý đa ngôn ngữ (từ điển), công cụ tìm kiếm, xử lý nội dung phi cấu trúc như web 3.0 (sách điện tử), công nghệ tính toán năng suất cao, tính toán mạng lưới và tính toán máy ảo, GIS (bản đồ).
"Sở dĩ đến thời điểm này Lạc Việt mới ra mắt Vietgle là do chúng tôi phải chờ hoàn thành cao ốc thông minh Lạc Việt để đảm bảo băng thông và cơ sở hạ tầng tối ưu cho Vietgle hoạt động", ông Thân cho biết thêm.
"Bách khoa thư” trực tuyến
Trong phiên bản đầu tiên vừa ra mắt, www.vietgle.vn cung cấp khoảng 35.000 trang thông tin, đã được 40 biên tập viên liên tục cập nhật trong suốt hơn 2 năm qua gồm các nội dung: Tri thức Việt Nam: Có 20.000 trang thông tin, đây là kho dữ liệu phục vụ nhu cầu thông tin về địa danh, nhân vật, văn hóa, du lịch, ngôn ngữ, động thực vật ...
Về địa danh, thông tin được tổng hợp từ nhiều nguồn như tự điển hành chính, sách, tài liệu về địa danh và Vietgle đã tổ chức hai nhóm đi thực tế khảo sát, chụp ảnh do nhiếp ảnh gia Hoàng Chí Hùng phụ trách. Theo dự kiến các nhóm này sẽ thu thập khoảng trên 500.000 ảnh về địa danh trên cả nước, hiện đã cập nhập khoảng 300.000 ảnh và 2.000 trang tài liệu về miền Tây và miền Trung, 3 tháng tới sẽ cập nhật miền Đông Nam Bộ và cuối năm là miền Bắc.
Về nhân vật, cung cấp thông tin về những nhân vật nổi tiếng (nhân vật lịch sử, nhà thơ, ca sĩ, nhạc sĩ...), có tầm ảnh hưởng lớn và được công chúng quan tâm theo góc nhìn của Vietgle. Nguồn thông tin của mảng này dựa theo hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng "Từ điển nhân vật lịch sử Việt nam- NXB Tổng hợp TP.HCM năm 2005" với nhà nghiên cứu Nguyễn Quyết Thắng" và bổ sung thêm từ nhiều tư liệu khác.
Mảng văn hóa, du lịch cung cấp những thông tin về lễ hội, cuộc sống sinh hoạt của người Việt, giới thiệu sinh động về danh lam thắng cảnh qua mô tả cảm xúc thật của tổ đội khảo sát thực tế và du khách đã đi qua.
Mảng ngôn ngữ giải thích về tiếng Việt, tiếng lóng, từ ngữ chuyên ngành (giai đoạn đầu là ngành thư viện và CNTT).
Trong phần Tri Thức còn có "Động thực vật", với 2.500 trang thông tin về những loài thực vật ở Việt Nam (tên khoa học, hình ảnh...), theo nguồn "Từ điển thực vật thông dụng" của GS Võ Văn Chi, NXB Khoa học kỹ thuật). Hiện nay Vietgle đang tiếp tục cập nhật từ điển động vật Việt Nam. Vietgle cũng đang xúc tiến hợp tác với T.S Nguyễn Nhã, giám đốc trung tâm Nghiên Cứu Ẩm Thực TP.HCM để cung cấp thông tin về ẩm thực, lịch sử và cách dùng các món ăn Việt Nam, cập nhật từ điển võ học
Bản đồ: Với hai chức năng "Tìm gì” và "Đường gì”. Phần này hỗ trợ người dùng tìm địa chỉ theo số nhà, hướng dẫn đường đi hay nhóm địa danh (siêu thị, trường tiểu học, bệnh viện... của một khu vực). Tuy nhiên, phần này chỉ mới cập nhật thông tin chi tiết tại khu vực TP.HCM. Dự kiến tháng sau, Vietgle sẽ cung cấp thêm chức năng "Hoạch định tour du lịch" cho du khách: tư vấn địa điểm, xây dựng hành trình, các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch...và định vị các khu vui chơi, mua sắm, điểm đặt máy ATM hoặc trạm xe buýt. Tại mỗi vị trí đều có hình ảnh hoặc thông tin cần thiết. Từ điển song ngữ: Với 15.000 trang cung cấp các từ điển Anh – Việt, Việt – Anh; Anh – Anh; Việt – Việt; Pháp – Việt, Việt – Pháp; Việt – Trung, Trung - Việt; Trung – Anh; từ điển tiếp tố và La tinh. Trong năm 2008 sẽ cập nhật các từ điển Nhật và Hàn. (Các từ điển được tra chéo lẫn nhau qua động tác đánh dấu rồi nhấn chuột phải ngay trên trang web).
Dịch tự động: Đây là công cụ dịch tự động các văn bản (bước đầu áp dụng cho lĩnh vực tin học và tài chính, sau đó là điện điện tử, y học, kiến trúc, thương mại...) từ tiếng Anh, Pháp, Trung, Nhật... sang tiếng Việt. Tiện ích này giúp người dùng hiểu nội dung và tiết kiệm thời gian "đánh máy". Chương trình này đang trong giai đoạn thử nghiệm, sau đó, Vietgle sẽ đưa ra 2 dịch vụ thu phí: dịch tài liệu (500 trang trong 10 phút) và dịch website. Dịch vụ này, theo ông Hà Thân sẽ hỗ trợ hiệu quả cho người không biết ngoại ngữ, chẳng hạn, dịch toàn bộ trang web về ngành hoa quả sang tiếng Việt giúp doanh nghiệp kinh doanh về ngành này tìm kiếm cơ hội xuất khẩu, làm ăn.
Sách điện tử: Đây là một nhà sách trực tuyến, bạn có thể chọn lựa sách cho mình hoặc gửi tặng bạn bè, tìm và tải sách về, đọc và "nghe" sách, tạo thư viện sách riêng. Hiện Vietgle đã cập nhật (dưới dạng văn bản, có thể chỉnh sửa phục vụ công tác nghiên cứu, sưu tầm) 17 tác phẩm cổ điển (truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Lục Vân Tiên...) bằng ngôn ngữ Việt, Hán, Nôm. Giữa tháng 9/2008, sẽ cập nhật bộ "Tập san sử địa" do nhà sử học Nguyễn Nhã chủ biên và số hóa hàng loạt sách ở nhiều lĩnh vực của các nhà xuất bản ĐH Quốc Gia Hà Nội, Lao Động, Giáo Dục, Tri Thức mà Lạc Việt đã ký thỏa thuận hợp tác. Ngoài ra, theo ông Hà Thân, sắp tới Vietgle sẽ làm việc với một số các tòa soạn báo để sử dụng thông tin, làm "đại lý bán báo cũ” của các báo và tạp chí. Diễn đàn: Tổ chức cộng đồng chia sẻ kiến thức và xây dựng các kho tri thức, nơi các thành viên của trang web có thể trao đổi và đóng góp ý kiến, tham gia các câu lạc bộ hoặc các hoạt động, sự kiện.
Theo thống kê của Vietgle, chưa đầy 3 tuần ra mắt, luợng truy cập đã đạt trung bình 10.000 lượt/ngày. Hiện nay việc truy cập tìm kiếm thông tin trên Vietgle hoàn toàn miễn phí. Để đảm bảo cho việc cung cấp thông tin trung thực và chính xác, ở mỗi lĩnh vực, mỗi chuyên ngành của Vietgle đều có sự giám sát, sự hợp tác của các chuyên gia đầu ngành như: nhà sử học Dương Trung Quốc, TS Nguyễn Nhã, GS Võ Văn Chi (thực vật), Nguyễn Văn Tư (địa danh), Nguyễn Quyết Thắng (nhân vật). Đồng thời Lạc Việt cũng tổ chức đội ngũ biên tập, cộng tác viên liên tục cập nhật các câu hỏi, thắc mắc của người dùng để các nhà chuyên môn thẩm tra phản hồi.
Ông Đỗ Quý Doãn, thứ trưởng bộ TT-TT
"Hiện nay, ở nước ta, việc xuất bản sách còn có số lượng phát hành rất hạn chế. Những bản sách quý, hay, có giá trị cao cũng chỉ xuất bản được khoảng 1.000, 1.500, 2.000 cuốn, trừ những tập như Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, Mãi mãi tuổi 20... Phạm vi phát hành cũng không lớn, lượng sách được xuất bản này cũng chỉ đến được với một số lượng độc giả tương ứng và nếu sách được truyền tay thì lượng độc giả vẫn không cao.
Việc ra đời của một trang web, công cụ tìm kiếm mang tính chuyên ngành rất có ý nghĩa, đặc biệt là với việc giới thiệu, xuất bản và phát hành sách ở trên mạng. Tôi nghĩ việc này đã giải quyết được rất nhiều vấn đề như giúp gia tăng lượng phát hành, góp phần quảng bá, giới thiệu, đưa hình ảnh, văn hoá Việt Nam ra với quốc tế. Người dân Việt Nam qua đó tiếp cận tinh hoa văn hoá để xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời góp phần xây dựng một xã hội học tập, phát triển nền văn hoá đọc của đất nước".
Ông Hà Thân, tổng giám đốc công ty Lạc Việt
"Lạc Việt mong muốn tạo ra một trung tâm trực tuyến tập hợp thông tin chuyên sâu, tạo cơ hội trao đổi, nghiên cứu và phát triển tri thức Việt Nam và giới thiệu ra thế giới. Hiện nay, nguồn tri thức phong phú và quý hiếm của người Việt còn "ẩn mình" trong các kho sách tư nhân, rải rác trong nhà sách, các thư viện hay tại nhà những người có nguồn sách cổ quý hiếm. Vietgle sẽ là đầu mối trung gian giúp các chủ nhân chia sẻ nội dung này mà vẫn bảo quản được sách. Lạc Việt xây dựng Vietgle trước tiên là chứng tỏ tính hữu ích, khả năng đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, tiếp cận với kho tàng tri thức của CNTT Việt Nam, sau đó mới tính đến việc kinh doanh" .
(theo Tạp chí TGVT)
Bình luận
Mang tiếng gìn giữ phát triển tri thức Việt vậy mà cũng phải đè chữ "gle" vào, không hiểu để làm gì đây.
Để ăn theo phong cách Mỹ ấy mà
Nhưng nội dung, và giá trị tri thức mà Vietgle mang lại không nhỏ.
Hiếm thấy một nhà đầu tư nào ở Việt Nam có chiến lược lâu dài như vậy.
Vô cùng cảm ơn Lạc Việt đã xây dựng được một nền tảng tri thức cho người Việt, còn wikipedia thì "vàng, cám" lẫn lộn!
Phải nói là wikipedia, "vàng thau lẫn lộn", chứ làm gì có "vàng , cám lẫn lộn" nhỉ.
Để có cái gì giới thiệu cho thế giới thì Việt Nam vẫn còn 1 chặng đường dài để đi.