Tiếp bước đàn anh SP-550UZ, chiếc máy ảnh 8 chấm SP-560UZ cũng được Olympus trang bị cho ống kính góc rộng 27 mm, zoom quang 18x nhưng tốc độ hoạt động và chất lượng ảnh vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Thiết kế ngoại hình từng được đánh giá là một trong những điểm mạnh nhất của SP-550UZ, nên không có lý do gì để Olympus phải thay đổi khi trình làng SP-560UZ. Gần như tất cả những điểm ưu việt nhất của đời máy trước đều được duy trì, từ đèn flash dạng pop-up cho đến hệ thống các phím bấm có kích thước lớn và bằng phẳng. Cân nặng của DP-560UZ cũng chỉ khoảng 465 gram, tính cả 4 cục pin AA và một thẻ nhớ xD-Picture.
Dĩ nhiên, điểm đáng nói đến nhất ở Olympus SP-560UZ chính là ống kính siêu zoom có khả năng chụp rộng tốt hơn cả SP-550UZ. Các thông số của ống kính lần lượt là: dải tiêu cự 27-486 mm, khẩu độ f/2,8-4,5, zoom quang học 18x. Bên cạnh đó, hệ thống ổn định ảnh hoạt động theo cơ chế di chuyển cảm biến cũng đặc biệt có ý nghĩa với chiếc camera zoom cao như Olympus SP-560UZ.
Tuy nhiên, tính năng đáng chú ý nhất của SP-560UZ lại cũng chính là một trong những điểm yếu nhất của chiếc máy này. Mặc dù chụp rộng và chụp xa đều tốt, nhưng độ sắc nét của các chi tiết lại không được cao. Đặc biệt, những chi tiết nhỏ như những dòng chữ khi chụp từ xa thường bị mờ, bất kể ở độ nhạy sáng, tốc độ trập và chế độ lấy nét nào.
Không những vậy, nhiễu cũng là một vấn đề đối với những bức ảnh chụp bằng Olympus SP-560UZ. Ngay từ mức ISO 200, ảnh đã bắt đầu có sạn, và tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi tăng dần độ nhạy sáng lên. Ở các mức ISO 400 và cao hơn, nhiễu "xâm chiếm" các chi tiết, khiến kết cấu bức ảnh bị đảo tung.
Giống như hầu hết các mẫu máy siêu zoom, Olympus SP-560UZ nhắm đến đối tượng người dùng là những tay máy nhiều kinh nghiệm, nên được trang bị khá nhiều tính năng tiên tiến, hữu ích. Đầu tiên là chiếc kính ngắm điện tử (EVF), hỗ trợ rất tốt cho màn hình LCD 2,5 inch ở mặt sau máy trong những trường hợp chụp dưới điều kiện ánh sáng mạnh, có thể khiến màn hình bị lóa. Người dùng không thể sử dụng cùng lúc cả màn hình và kính ngắm, nhưng nếu chọn ngắm qua EVF, ảnh sau khi chụp sẽ hiển thị ngay trên màn hình.
Bên cạnh đó, Olympus SP-560UZ cũng được tích hợp một loạt các tính năng chỉnh phơi sáng, bao gồm các chế độ chụp Program, ưu tiên độ mở, ưu tiên tốc độ trập và chỉnh tay (Manual).
Trong các lần chụp thử nghiệm, Olympus SP-560UZ hoạt động nhanh hơn so với bậc tiền bối SP-550UZ, nhưng vẫn không mấy ấn tượng. Phải mất 2,4 giây máy mới khởi động xong và chụp được bức ảnh đầu tiên. Sau đó, tốc độ chụp trung bình là 2,1 giây một ảnh khi không dùng flash, và 2,5 giây một ảnh nếu chụp với flash. Tuy có hỗ trợ định dạng ảnh RAW, nhưng thời gian chụp mỗi bức ảnh kiểu này lên tới 13,5 giây.
Tốc độ trập trung bình trong những điều kiện ánh sáng lý tưởng là 0,6 giây, sẽ tăng lên 1,5 giây nếu chụp trong điều kiện thiếu sáng, độ tương phản thấp. Trong chế độ chụp liên tiếp, Olympus SP-560UZ chụp được 11 bức ảnh độ phân giải tối đa trong vòng 9,7 giây, đạt tốc độ trung bình 1,1 khung hình/giây. Ngoài ra, chiếc máy này còn có một chế độ chụp liên tiếp tốc độ cao khác, có thể chụp được 15 bức ảnh trong vòng một giây, nhưng độ phân giải tối đa chỉ là 1.280 x 960 pixel.
Tóm lại, nếu bạn cần một mẫu máy ảnh có khả năng zoom xa nhưng giá bán không quá cao, thì Olympus SP-560UZ là một trong không nhiều lựa chọn hiện nay, nhưng nếu chấp nhận vui vẻ với mức zoom quang 15x, Sony Cyber-shot DSC-H9 là một mẫu máy ảnh đáng đầu tư hơn. Hiện nay tại Việt Nam, Olympus SP-560UZ đang được rao bán với giá gần 8 triệu đồng.
Ưu điểm:
- Ống kính siêu zoom nhưng có khả năng chụp rộng cũng rất tốt
- Thiết kế ngoại hình nhỏ gọn, hấp dẫn
- Có nhiều tính năng tùy chỉnh tiên tiến
Nhược điểm:
- Ảnh chụp được không nét, nhiều nhiễu
- Tốc độ hoạt động chỉ ở mức trung bình
(Theo Số hoá/CNET)
Bình luận