Với sản phẩm nổi bật mang tính đột phá là iPhone, Apple đã mở ra một "thị trường di động mở", hay còn được gọi là "mobile 2.0". Trong khi có rất nhiều sản phẩm học theo tuyệt tác này, hầu hết trong số đó đều không phải là đối thủ và bị sản phẩm của Apple làm lu mờ nhanh chóng. Nhưng liệu iPhone có giữ được phong độ của mình trong thời gian tới khi mà những ông lớn như Google và RIM bắt đầu tung ra sản phẩm được thế giới chờ đợi chẳng kém gì những lần ra mắt iPhone trước đây.

Đầu tháng này, chiếc G-Phone đầu tiên có tên HTC G1 với hệ điều hành Android ra đời, và đến tháng 11, RIM cũng sẽ cho ra mắt BlackBerry Storm. Hai sản phẩm này thực sự sẽ là đối thủ của iPhone với phần cứng, phần mềm cũng như hệ điều hành có khả năng cạnh tranh thực sự.

Tất nhiên, những thiết bị này luôn tuyệt vời khi xem phiên bản trình diễn sản phẩm, và hẳn là chúng cũng có những điểm yếu riêng, giống như những thất vọng mà người dùng đã từng giành cho iPhone trong cả hai phiên bản (chúng ta có thể điểm qua một vài ví dụ như: đòi hỏi có iTunes để đồng bộ dữ liệu, không có chức năng cắt và dán text, tại mỗi thời điểm chỉ một ứng dụng được vận hành, độc quyền hệ thống phát triển, độc quyền hệ thống phân phối ứng dụng, bảo mật kém, hệ điều hành mới hoạt động chậm chạp và không ổn định...). Nhưng cho dù chúng vẫn chưa phải là hoàn hảo, HTC G1 và BlackBerry Storm thực sự là đối thủ của iPhone, với cùng mục tiêu đưa đến cho người dùng thiết bị duyệt web tiện lợi, nhắn tin hiệu quả và đi kèm khả năng phát triển nhiều ứng dụng phong phú.

Ở cái nhìn đầu tiên, có vẻ như HTC G1 hướng đến người tiêu dùng phổ thông nhiều hơn là đến giới doanh nhân, bởi nó không hỗ trợ hệ thống phục vụ doanh nghiệp như Microsoft Exchange, và các chức năng bảo mật không thực sự được khẳng định rõ ràng. Nhưng dù sao sản phẩm này cũng sẽ có được nhiều ứng dụng công phu cũng như khả năng hỗ trợ Web tương đương iPhone.

Về những ưu và nhược điểm của HTC G1, chúng ta có thể điểm qua một vài chi tiết:

Ưu điểm: Bàn phím thực; đọc được file PDF, Word, và Excel; có chức năng cắt và dán text giữa các ứng dụng; hệ điều hành đa nhiệm; hỗ trợ tốt HTML, hệ thống phát triển mở, tích hợp RSS Reader.

Nhược điểm: Chỉ tương thích Gmail; chỉ đồng bộ được với ứng dụng trên host của Google (không đồng bộ với desktop); giới hạn hỗ trợ file; số lượng ứng dụng ban đầu ít ỏi; không tương thích thư viện iTunes.

Trong khi đó, BlackBerry Storm thì ngược lại, sản phẩm này hướng đến người dùng là giới doanh nhân một cách rõ ràng hơn. Hệ thống email của BackBerry đã từ lâu chiếm được cảm tình của người dùng chuyên nghiệp nhờ sức mạnh bảo mật của nó. Đồng thời sản phẩm mới này cũng hứa hẹn tính năng duyệt web tương tự iPhone.

Về ưu và nhược điểm của BlackBerry Storm:

Ưu điểm: Khả năng đồng bộ email và lịch làm việc của doanh nghiệp (hỗ trợ Exchange, Notes, và GroupWise); tính bảo mật cao; hỗ trợ tốt HTML; cắt và dán; có khả năng đọc và sửa các file Word, Excel, và PowerPoint.

Nhược điểm: Không hỗ trợ Wi-Fi; không có bàn phím thực như những sản phẩm BlackBerry truyền thống; không tương thích iTunes; không có RSS tích hợp.

Ngoài ra, khả năng hỗ trợ ứng dụng phát triển bởi hãng thứ ba, đọc PDF và tính đa nhiệm vẫn chưa được công bố cụ thể.

Nói về các đối thủ khác như Palm OS và các thiết bị sử dụng Windows Mobile, trên lí thuyết chúng đều là những đối thủ của iPhone. Tuy nhiên, từ khi iPhone ra đời những hãng này đều chưa thực sự có sản phẩm nào thu hút sự chú ý. Cả Palm và Microsoft đều đang phát triển phiên bản mới cho hệ điều hành di động của mình, và có thể họ sẽ sớm tham gia cuộc đua. Nhưng cả hai hãng này hẳn đều phải vượt qua nhiều thử thách để có thể thực sự bước vào "thị trường di động mở".

Quang Trung (theo Infoworld)



Bình luận

  • TTCN (0)