Chiếc điện thoại di động đầu tiên ra đời ngày 13/10/1983 và được mệnh danh là "cục gạch". Tới nay, sản phẩm công nghệ này đã trải qua đoạn đường dài một phần tư thế kỷ.
Cách đây 25 năm, ngày 13/10/1983, chiếc điện thoại di động đầu tiên đã được sản xuất. Bob Barnett, chủ tịch của công ty truyền thông Ameritech Mobile đã thực hiện cuộc gọi đầu tiên bằng Motorola DynaTAC. Sản phẩm này được gọi là "cục gạch" bởi kích thước đồ sộ của mình.
Máy nặng tới 1,1 kg và cầm trên tay khá khó khăn. Giá bán của DynaTAC cũng rất đắt, lên tới 3.995 USD, bên cạnh đó, người dùng cũng phải trả 50 USD dịch vụ để gọi điện, thêm vào 0,4 USD một phút đàm thoại trong giờ cao điểm và 0,24 USD một phút ngoài giờ cao điểm.
Nếu khi đó, điện thoại di động mới chỉ là một món đồ chơi xa xỉ cho người giàu, thì nay, nó đang là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Hơn nữa, giá bán cũng rẻ hơn, có những nơi máy được miễn phí nếu người dùng ký hợp đồng sử dụng hai năm.
Chỉ với 40 USD một tháng là bạn có thể gọi điện bất kể đêm, ngày, cuối tuần mà không giới hạn về đường dài, vùng miền. Ngay cả những thiết bị cao cấp như iPhone cũng chỉ có giá 200 USD, đây là một mức giá rất rẻ nếu so tính năng với DynaTAC.
Điều khác biệt cũng diễn ra trong 25 năm, sau khi giới thiệu dịch vụ đi động được 12 tháng, năm 1984 nhà mạng Ameritech Mobile có 12.000 thuê bao. Ngày nay, AT&T - hãng dịch vụ viễn thông lớn nhất nước Mỹ có tới 72,9 triệu khách hàng.
Tới tháng 6 vừa rồi, nước Mỹ đã có tới 262,7 triệu thuê bao di động, chiếm 84% dân số. Tại nước này, ta có thể gặp những đứa trẻ từ 8 đến 12 tuổi dùng điện thoại.
Tin nhắn được sử dụng nhiều hơn là thoại. Tổng kết quý II cho thấy một thuê bao ở Mỹ, trung bình mỗi tháng gửi 375 tin nhắn so với 204 cuộc gọi mỗi tháng. Tuy nhiên, tin nhắn chỉ tập trung nhiều vào giới trẻ, còn người già thì gọi điện nhiều hơn.
Mạng di động cũng trang bị nhiều nội dung hỗ trợ người dùng hơn. Các nhà mạng đã đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng mới, nâng cấp tốc độ mạng lưới. Mạng 3G ngày nay cho phép người dùng lướt web, gửi e-mail, xem TV, download nhạc. Các dịch vụ này đang phát triển rất nhanh.
Tuy nhiên, phát triển cũng đồng nghĩa với nhiều thách thức mới hơn. Các nhà mạng đang điên đầu làm sao đẩy nhanh tốc độ, xây dựng mạng lưới để theo kịp nhịp độ phát triển dịch vụ. Với chuẩn kết nối mới, điện thoại mới, thật khó tưởng tượng nền công nghiệp di động sẽ như thế nào trong 25 năm tới.
(Theo Số hoá/CNET)
Bình luận