TS. Hoàng Lê Minh: "Làm phần mềm là để bán dịch vụ, các giải pháp và thông tin"

Theo TS. Hoàng Lê Minh, Viện trưởng Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số, các DN phần mềm chưa xác định được đúng đắn quan niệm về làm phần mềm nên mới chỉ tập trung vào bán sản phẩm mà chưa chú trọng đến các dịch vụ và giải pháp kèm theo.

Nhân dịp Viện Công nghệ phần mềm và Nội dung số Việt Nam (CN PM & NDS VN) (NISCI) vừa chính thức ra mắt, TS. Hoàng Lê Minh đã có một số trao đổi về định hướng hoạt động của Viện cũng như những khó khăn và thách thức của ngành CNPM&NDS VN hiện nay.

- Được biết CNPM & NDS VN vừa chính thức ra mắt, xin ông cho biết định hướng hoạt động chính của Viện trong thời gian sắp tới?

- Viện CNPM&NDS VN là tổ chức sự nghiệp - khoa học công nghệ, trực thuộc Bộ TT-TT. Viện có rất nhiều chức năng và nhiệm vụ, nhưng có lẽ quan trọng nhất là hỗ trợ các DN CNTT – TT phát triển trong ngành CNPM và CN NDS.

Để làm công việc này thì chúng tôi cũng phải giải rất nhiều bài toán, để phát huy được tiềm lực của VN, trí tuệ của người VN, trong cơ chế và hoàn cảnh của chúng ta còn nhiều khó khăn, về cả hạ tầng, năng lực của các DN, năng lực quản lý,…

Chúng tôi cho rằng con đường tốt nhất của Viện là tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác với các hiệp hội trong nước và cùng với các cơ quan đơn vị sự nghiệp thúc đẩy ngành này.

- Ngành CN NDS ở VN đã phát triển được hơn 4 năm nhưng đến nay Viện mới ra mắt và hoạt động được 5 tháng. Ông có nghĩ rằng đây là sự chậm trễ trong việc tạo lập cơ quan quản lý lĩnh vực này không?

- Viện CNPM&NDS không phải là cơ quan quản lý nhà nước, mà là 1 đơn vị sự nghiệp. Nhưng chúng tôi có tham gia trong việc hoạch định, ban hành các cơ chế chính sách để phát triển ngành NDS.

Thực tế, ngành NDS của VN phát triển tương đối tự phát, phụ vụ nhu cầu trước tiên là về giải trí, lĩnh vực giá trị gia tăng cho điện thoại di động, game online,…

Trong khi đó, lĩnh vực được các nước phát triển hết sức khuyến khích là học tập điện tử, y tế điện tử, thậm chí là Chính phủ điện tử, thì các ngành thuộc về CN NDS này ở VN còn đang rất mới mẻ.

Tôi nghĩ, viện ra đời trong thời điểm này sẽ có những tác động nhất định đến cơ chế chính sách, thúc đẩy phát triển NDS trong lĩnh vực về học tập, điện tử, y tế, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ và kể cả về Chính phủ điện tử.

Ảnh
Các DN phần mềm cần chú trọng đến các dịch vụ đi kèm phần mềm. Ảnh: A.L.
- Vậy thì, đâu là điểm yếu của ngành CNPM của VN trong thời điểm này, thưa ông?

- Hiện nay, quan niệm làm phần mềm vẫn chưa được đúng ở chỗ, làm phần mềm không phải là để chúng ta đi bán phần mềm, mà chúng ta phải đi bán dịch vụ kèm theo các phần mềm. Đó mới là giá trị mang lại cho người sử dụng.

Nếu các DN PM và kể cả các DN NDS quan niệm được là phải tạo ra các giá trị về thông tin và dịch vụ cho người tiêu dùng thì tôi cho ngành này sẽ rất phát triển. Khi đó, chúng ta sẽ không còn thuần tuý bán phần mềm mà sẽ là bán dịch vụ cho người sử dụng.

- Ông có thể chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế của ngành này tại VN hiện nay?

- Hạn chế là vì các DN của chúng ta còn tương đối đóng kín, chưa chủ động mở rộng về tầm nhìn và hợp tác với các DN nước ngoài, để nhìn nhận và học tập cách thức kinh doanh và phát triển dịch vụ như là các quốc gia phát triển đã làm.

Hiện nay có rất nhiều phần mềm cho không. Nhưng thực tế, người ta thu được giá trị từ các dịch vụ đem lại đó.

Nhưng, từ trước đến nay, chúng ta vẫn là theo hướng là đi bán phần mềm, quan niệm này đã cũ rồi. Bây giờ, chúng ta cần bán dịch vụ và giá trị cho người sử dụng. Đó mới là yếu tố đem lại giá trị gia tăng cao. Bởi nếu chỉ bán phần mềm thì chắc chắn sẽ sinh ra nhiều công ty làm những phần mềm và cạnh tranh lẫn nhau. Và điều này không có lợi cho hoạt động chung!

- Xin cảm ơn ông!

(Theo VTC)



Bình luận

  • TTCN (0)