Một trong những hình ảnh đầu tiên về mạch điện gồm memristor mà HP giới thiệu. Ảnh: Wikipedia.

Mạch điện có thêm bộ nhớ, Windows 7 sẽ giải quyết những vấn đề của Vista, chuẩn USB 3.0 đạt tốc độ gigabyte... những sản phẩm này đều chưa có mặt trên thị trường nhưng sẽ làm thay đổi diện mạo thế giới vài năm tới.

Bộ nhớ memristor

Người ta vẫn chỉ biết đến ba thành phần trong mạch điện là điện trở (resistor), cảm điện (inductor) và điện dung (capacitor). Nhưng năm 1971, Đại học UC Berkeley (Mỹ) đưa ra giả thuyết về bộ phận thứ tư với khả năng đo dòng điện: memristor. 37 năm sau, Hewlett-Packard tuyên bố đã xây dựng memristor có thể "ghi nhớ" bao nhiêu dòng điện đã đi qua nó và lưu lại trạng thái của dòng điện kể cả khi bị ngắt. Về mặt lý thuyết, đây là giải pháp giá rẻ và tốc độ cao so với bộ nhớ flash. Các nhà khoa học nhậnn định không có nhiều rào cản khi triển khai memristor và HP sẽ cung cấp "bộ nhớ" này vào năm 2012.

Chip 32 lõi

Ảnh
Kiến trúc chip 32 nhân được Intel dự định trình diễn trong năm 2010 nhưng đã hủy bỏ. Ảnh: Setup32.

Điện toán 4 nhân đã bắt đầu phổ biến trên laptop nhưng cuộc chạy đua giữa các nhà sản xuất cho thấy hãng nào đưa vào CPU nhiều lõi nhất (chứ không phải xung nhịp nhanh nhất) sẽ dẫn đầu thị trường. Intel hiện sản xuất chip theo công nghệ 45 nanometer nhưng dự định giới thiệu bộ vi xử lý 32 nm (cho phép thu nhỏ và "nhồi" thêm nhiều bộ phận trên diện tích giới hạn của chip) trong năm 2009. Dù hãng này mới từ bỏ kế hoạch cho ra mắt Keifer 32 nhân nhưng người sử dụng có thể mong đợi sự xuất hiện của chip 16 lõi vào 2011-2012 và 32 lõi vào 2014.

Hợp nhất CPU và GPU

Ảnh
Intel Nehalem. Ảnh: Chip-architect.

Khi AMD mua lại ATI, giới quan sát dự đoán họ sẽ sớm xây dựng sản phẩm liên kết giữa bộ vi xử lý máy tính và chip đồ họa. Hiện nay card đồ họa rời không phổ biến bởi 75% người sử dụng laptop chấp nhận đồ họa tích hợp để hạn chế chi phí và những rắc rối khi cài đặt cũng như tiết kiệm pin dù hiệu suất thấp. GPU trên chip (on-die GPU) sẽ là giải pháp trung gian và được đưa vào chip Intel Nehalem và AMD Swift năm tới.

USB 3.0

Ảnh
Các hãng quyết tâm hoàn thành chuẩn USB 3.0 vào năm 2008. Ảnh: RegHardware.

USB là một trong những phát minh thành công nhất của lịch sử điện toán với hơn 2 tỷ thiết bị hỗ trợ công nghệ này được tiêu thụ trên toàn thế giới. Nhưng khi thế giới bước vào kỷ nguyên terabyte, tốc độ truyền tải 480 Mb/giây của USB 2.0 không đủ làm hài lòng người dùng. USB 3.0, hay SuperSpeed USB, sẽ nhân tốc độ trao đổi dữ liệu lên 10 lần, tức 4,8 Gb/giây. Thông số cho chuẩn này đã gần hoàn tất và người sử dụng có thể mua những thiết bị đầu tiên vào năm 2010.

Truyền năng lượng không dây

Ảnh
Mô hình này sẽ được thu nhỏ cho các thiết bị di động. Ảnh: Intel.

Những cố gắng để sạc pin cho điện thoại, bật TV... không cần cắm nguồn đến nay đều thất bại. Intel mới đây trình diễn khả năng thắp sáng bóng đèn cách nguồn điện vài mét không qua dây dẫn cũng như không gây nguy hiểm cho người vô tình đi ngang qua. Tuy nhiên, giới khoa học sẽ cần ít nhất 8 năm nữa mới có thể biến giấc mơ này thành hiện thực.

Điện toán 64 bit

Ảnh
Vista vẫn còn hỗ trợ 32 bit. Ảnh: CBC.

Intel giới thiệu điện toán 32 bit vào năm 1986 nhưng mãi đến 1993 Microsoft mới tung ra Windows NT 3.1 chỉ hỗ trợ 32 bit nhằm chấm dứt kỷ nguyên 16 bit. Bộ vi xử lý 64 bit hiện trở nên phổ biến nhưng việc tập đoàn phần mềm Mỹ cho ra mắt cả hai phiên bản điện toán của Windows XP và Vista khiến người sử dụng chưa cảm thấy cần thiết chuyển sang xu hướng mới. Tuy nhiên, hệ điều hành 32 bit chỉ có thể tận dụng 3 GB của RAM và giới công nghệ chờ đợi Microsoft sẽ chỉ cung cấp Windows 8 hỗ trợ 64 bit.

Windows 7

Ảnh
Windows 7 vẫn sử dụng nhân (kernel) của Vista nhưng đã có nhiều cải tiến. Ảnh: CNet.

Windows 7 có vẻ là hệ điều hành mà Microsoft muốn xây dựng cho Vista nhưng thiếu thời gian và nguồn lực để hoàn thiện đúng hạn. Do đó, tập đoàn phần mềm Mỹ khẳng định phiên bản 7 sẽ khắc phục những nhược điểm của Vista, đồng thời hỗ trợ nhiều hơn điện toán đám mây. Sản phẩm sẽ có mặt vào đầu 2010 nhưng một số nguồn tin khẳng định bản beta sẽ xuất hiện ngay cuối năm nay.

Hệ điều hành máy tính Google

Ảnh
Google OS? Ảnh: Blogulate.

Hãng dịch vụ tìm kiếm Mỹ đã chứng tỏ sự thành công trong mọi lĩnh vực như trình duyệt Google Chrome chiếm 1% thị phần ngay trong tháng đầu ra mắt, nền tảng di động Android đang gây sốt trên toàn thế giới... Bởi vậy, việc họ xây dựng hệ điều hành cho PC sẽ là điều không quá bất ngờ. Tuy chưa hề nhắc đến dự án này, giới chuyên môn tin rằng đây chắc chắn là kế hoạch tiếp theo của Google nhằm chiếm lĩnh thị trường phần mềm.

Điều khiển thiết bị bằng tay

Ảnh
Qosmio G55. Ảnh: LaptopPimp.

Người sử dụng hẳn sẽ muốn ngồi thư thái trên ghế sofa và vẫy tay chỉnh kênh, âm thanh... trên màn hình mà không phải cầm đến điều khiển từ xa hay chuột máy tính. Công nghệ nhận dạng cử chỉ đã xuất hiện trong laptop Qosmio G55 của Toshiba và hãng này cũng đang thử nghiệm phiên bản TV nhận biết chuyển động của cánh tay qua một camera nhỏ, hứa hẹn sẽ được triển khai trên diện rộng vào năm 2012.

Văn phòng không giấy

Ảnh
iPhone, G1 và điện thoại thế hệ mới sẽ loại bỏ giấy khỏi cuộc sống? Ảnh: EnGadget.

Hiện người sử dụng vẫn phải tổng hợp thông tin trên các file Word, Excel rồi in ra giấy, mang theo bản đồ khi đến một thành phố lạ.... Ý tưởng về một thế giới không có giấy xuất hiện cách đây nửa thế kỷ và thiết bị PDA ra đời nhằm hiện thực hóa điều này nhưng thất bại. Nó đang bị thay thế bằng một giải pháp mới: điện thoại di động với màn hình cảm ứng cùng một loạt phần mềm hỗ trợ duyệt Internet, soạn thảo văn bản, định vị GPS... qua kết nối Wi-Fi hoặc mạng di động tốc độ cao vào năm 2010.

(Theo Vnexpress/PCWorld)



Bình luận

  • TTCN (0)