Nước ngập, điện mất, các phương tiện liên lạc hiện đại thành... "cục gạch".

Sống giữa Hà Nội, nhiều người dân ngao ngán, chịu cảnh làm “Robinson bất đắc dĩ” vì tình trạng điện thoại, Internet không liên lạc được trong mấy ngày mưa dữ dội vừa qua.

“Vui lòng gọi lại sau”

Suốt ruột vì vợ về muộn, anh Hoàng (Từ Liêm) liên tục gọi vào số máy 0948 246 4..., nhưng luôn được đề nghị “gọi lại sau” bởi lý do duy nhất “thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được” từ tổng đài tự động. Nhiều tin nhắn gửi đi luôn ở trạng thái “đang chờ”.

Đây là cảnh không hiếm gặp của các mạng viễn thông di động trong những ngày cả Hà Nội chìm trong biển nước. Trong cả 2 ngày 31/10 – 1/11, nhiều người dân Hà Nội liên tục phản ánh về tình trạng sóng di động tậm tịt, “chập chờn ma trơi” lúc được lúc mất. Thậm chí, có lúc sóng di động mất hẳn.

“Mọi sự cố về gián đoạn thông tin sẽ được khắc phục hoàn toàn ngay sau khi có điện” - đó là khẳng định chung của những các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông về tình trạng “tậm tịt” của sóng di động khi các chủ thuê bao tìm cách liên hệ đến nhà cung cấp dịch vụ để phản ánh.

Anh Hoàng Hải, đại diện Viettel Telecom cho biết, trong những ngày mưa lũ hay thời tiết xấu, tại các trạm thu sóng (BTS) luôn có các kíp trực 24/24. Với hệ thống giám sát từ xa, khi điện lưới có sự cố bất thường, ảnh hưởng đến hoạt động của trạm BTS, hệ thống máy nổ hoặc ắc-quy sẽ thay thế để đảm bảo liên lạc thông suốt. Tuy nhiên, thời gian chuyển đổi có thể kéo dài 5 – 10 phút và đây là một trong những yếu tố làm cho việc thông tin bị đình trệ trong thời gian ngắn.

Chị Hải Yến, đại diện VinaPhone khẳng định, khi nhận được thông tin phản hồi từ các thuê bao, VinaPhone đã tiến hành kiểm tra trên toàn mạng lưới để có biện pháp khắc phục kịp thời. Do nhiều điều kiện khách quan như thời tiết, sự cố điện lưới,… mà các trạm BTS bị ảnh hưởng cục bộ, dẫn đến tình trạng tiếp – phát sóng di động không ổn định.

“Đói” thông tin giữa lòng thủ đô

Liên lạc với người thân đã khó, cập nhật thông tin bên ngoài bằnh các thiết bị công nghệ dường như còn gian nan, nhất là đối với nhiều người dân ở khu vực phố cổ, Ngọc Khánh, Kim Mã, Nguyễn Trãi, Hà Đông, Trại Cá, Giáp Bát, Pháp Vân,…

Chị Hương, nhà ở phố Hàng Bông, nhân viên PR, đang phải lo lắng vì công ty liên doanh của chị sắp tổ chức sự kiện lớn. “Kế hoạch đã lên thì không thể hoãn” nên nhóm chị vẫn cố gắng làm việc trong cả ngày thứ 7 và chủ nhật những mong sớm hoàn thành công việc. Không thể đến được cơ quan, nên chọn giải pháp an toàn là làm việc online tại nhà. Đau khổ thay, điện thoại không có sóng, mạng thì rớt liên tục khiến cho cuộc trao đổi của chị với “sếp” bị gián đoạn với tần suất càng ngày càng lớn.

Như là tình trạng chung của các nhà cung cấp dịch vụ Internet khác, anh Hà Huy Hùng, Giám đốc Trung tâm phát triển hạ tầng của FPT Telecom cho biết, một số khu vực thành bị biến thành sông, nên dù đã nhanh chóng triển khai ứng trực thì đội cứu hộ cũng không thể tiếp cận được các đài trạm đang bị cô lập. Toàn bộ máy móc nặng đến hàng tạ không thể nhúc nhích bởi xe nào vào đó cũng đều “sặc nước”.

“Đây thật sự là sự cố bất khả kháng dù chúng tôi đã có phương án phòng chống và bám trụ tại địa bàn, trong tình trạng thời tiết mưa lớn, kéo dài như mấy hôm nay. Ngay khi nước rút, mọi hoạt động sẽ ngay lập tức trở lại bình thường”, anh Huy Hùng phân trần.

Vẫn biết “nắng mưa là việc của trời”, những người dân chỉ còn biết “cắn răng” tiếp tục “kiếp đoạn trường”, chịu “đói” thông tin khi sống ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội?

(Theo VTC)


Bình luận

  • TTCN (1)
Tấn Duy  29

Hic... Không biết còn ngập đến bao giờ đây.