Cái khó nổi cộm của ngành gia công phần mềm (GCPM) và sản xuất phầm mềm của Việt Nam hiện nay chính là tính chuyên nghiệp và ý thức kỷ luật.
Nếu không nhanh chóng chấn chỉnh thì Việt Nam, vốn được coi là thị trường nhiều tiềm năng của ngành GCPM, cũng sẽ trượt dài trong quá trình gia nhập thị trường GCPM thế giới.
Đó là lo lắng của TS. Nguyễn Trọng Đường, Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, khi trao đổi với VTC News về những khó khăn cho sự phát triển ngành gia công phần mềm VN hiện nay.
Nhiều cơ hội cho ngành GCPM
- Nhiều người nhận định, khi tình hình kinh tế khó khăn, ngành CNPM VN lại có sự khởi sắc, thưa ông?
- Trong ngành CNPM, từ trước tới nay, doanh thu nội địa vẫn nhiều hơn doanh thu từ xuất khẩu. Tuy nhiên, doanh thu xuất khẩu vẫn có mức tăng trưởng nhanh hơn doanh thu nội địa khoảng từ 10-15%/năm.
Tôi nghĩ đó là những con số rất khả quan. Và hiện tại, khi tình hình lạm phát và các yếu tố khó khăn của nền kinh tế VN nói chung đã gây cho ngành GCPM áp lực bắt buộc phải tìm đến thị trường nước ngoài. Dù cũng đang khó khăn vì khủng hoảng tài chính nhưng thị trường nước ngoài dù sao cũng đỡ hơn thị trường trong nước, khi mà các bộ - ngành, địa phương đều cắt giảm chi tiêu.
Tôi cho rằng đây là xu hướng rất tốt và là cơ hội cho thị trường GCPM của VN tăng trưởng trong thời gian tới.
- Được biết, trong số 1000 DN GCPM của VN thì có 2 DN đạt tiêu chuẩn CMMI mức 5. Vậy là chúng ta còn rất "non" trong việc tham gia vào thị trường GCPM thế giới?
- Ngược lại, tôi nghĩ, VN có 2 DN đạt tiêu chuẩn CMMI mức 5 là rất tuyệt vời, vì những tập toàn rất lớn trên thế giới như Motorola cũng chỉ có CMMI đạt mức 4 mà thôi.
Để tiến dài, chính sách phải đổi mới
- Thách thức lớn nhất của các DN VN khi tham gia vào thị trường GCPM thế giới là gì, thưa ông?
- Độ chuyên nghiệp, đó là thách thức lớn nhất. Người VN tiếp cận cái mới rất nhanh nhưng tính chuyên nghiệp và bài bản thì không bằng các nước khác, cụ thể như Ấn Độ, Trung Quốc,…
Chúng ta học rất nhanh, làm rất nhanh, nhưng khi biết làm rồi thì lại làm ẩu, làm không có kế hoạch hoặc cắt xén công đoạn. Trong gia công thì không thể như vậy vì chúng ta đang làm một phần trong cả sản phẩm của họ. Chỉ cần sáng tạo một chút, tưởng là đẹp hơn, nhưng lại không khớp được vào sản phẩm của họ.
CMMI là một phương pháp chuẩn quốc tế nhằm cải thiện hoạt động, cung cấp cho các công ty những yếu tố cần thiết để có được quy trình làm việc hiệu quả; và có thể được sử dụng để hướng dẫn cải tiến quá trình trong một dự án, một bộ phận hay toàn bộ một công ty.
Chính vì thế, quá trình làm gia công luôn phải được thực hiện với tinh thần kỷ luật rất cao và để làm được việc đó, không có cách gì khác ngoài việc xây dựng quy trình, chất lượng của quốc tế, như CMMI, hoặc ít nhất là ISO.
Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xúc tiến chương trình hỗ trợ các DN đạt tiêu chuẩn CMMI. Nhưng cái khó khăn lớn nhất của các DN VN vẫn là chưa xây dựng được quy trình CMMI và duy trì được nó theo cách chuyên nghiệp.
Vì chỉ có làm việc bài bản thì mới có thể vươn ra được thị trường nước ngoài, chứ nếu chỉ làm trong nước thì chúng ta không thể cạnh tranh được với các nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ,…
- Trong một báo cáo gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông, nhận định, có đến 90% công ty GCPM đều cỡ nhỏ, chỉ có 1 – 25 nhân viên. Tổ chức lao động manh mún làm giảm cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế, thưa ông?
- Quy mô của các công ty GCPM của VN thì rất manh mún. Số công ty có trên 1.000 nhân viên thì chỉ khoảng 3 – 4 công ty. Con số này là quá ít so với Nhật Bản, quốc gia có những công ty gia công lên đến hàng mấy chục ngàn người.
Hiện nay, chúng ta đang có chính sách cào bằng, tức là các DN dù lớn hay nhỏ đều được hưởng chính sách ưu đãi như nhau. Còn các nước khác, họ có chính sách đặc biệt, giảm hoặc miễn thuế khi các công ty đạt yêu cầu nào đó. Quy mô càng lớn thì mức miễn, giảm thuế càng nhiều.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đã đến lúc VN dần phải có chính sách thúc đẩy để có các công ty gia công và sản xuất phần mềm quy mô lớn. Chỉ có thế thì mới có thể kéo được ngành CNPM, nếu chỉ có các DN GCPM cỏn con thì không thể cạnh tranh quốc tế được.
- Xin cảm ơn ông!
(Theo VTC)
Bình luận