Thời kì nước ta bắt đầu có game online, mới là lúc người Việt Nam biết đến cái gọi là "tiền ảo". Các nhà cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến đưa ra các loại đơn vị tiền tệ riêng cho mình và trong thế giới game, tiền tệ ấy đôi khi còn được "coi trọng" hơn cả tiền mặt.

Bình là một nhân viên trong ngành dầu khí. Bình có một "đồng đạo" cùng hành hiệp trong thế giới VLTK và là trưởng lão trong bang của Bình. Ở ngoài đời anh ta lại chính là sếp của Bình. Do là cấp trên, anh em lại thân mật, hơn nữa tính anh này khá thoáng nên Bình có hỏi vay mượn ít tiền mặt thì không vấn đề gì. Tuy nhiên, hễ cứ động đến vay ngân lượng trong game thì sếp của Bình giãy nảy lên: "Tao đang thiếu, không có đâu."

Thực ra, nhu cầu tiền ảo là có thật. Việc mua bán đồ đạc trong game VLTK bằng ngân lượng vừa hợp lệ lại vừa tránh được rủi ro. Hơn nữa, giao dịch với những người ở xa lại không quen biết thì ngân lượng quả thật là một hình thức thể hiện đúng tinh thần của thương mại điện tử. Đôi khi, chỉ vì thiếu ngân lượng mà một món đồ đang muốn mua bị kẻ khác “hớt” mất có thể khiến cho người chơi tiếc suốt cả một tuần. Vậy nên, việc dự trữ tiền ảo là một điều cần thiết, nhất là đối với những người khá giả như sếp của của Bình.

Cũng là một game thủ đam mê nhiều thể loại game khác nhau, Việt được biết đến như một “doanh nhân” trong giới buôn bán đồ ảo. Trong cuộc nói chuyện vui vẻ, Việt giải thích: “Tôi không được may mắn làm việc trong ngành ngân hàng. Nghĩ chút ít kiến thức tài chính của mình không sử dụng cũng phí. Nhưng đến lúc nghiên cứu về thị trường ảo trong game thì thấy các nguyên lí kinh tế vĩ mô, tài chính, tiền tệ đều đúng cả. Chẳng hạn như cung và cầu tiền ảo, thị trường vốn và thị trường tiền tệ, lạm phát... Chỉ khác là chính sách kinh tế vĩ mô thì được nhà nước quản lí và nhà nước có gia giảm cho những thay đổi đó. Còn trong game, hầu như chính sách tiền tệ chạy theo lập trình định sẵn, tỉ giá được quyết định nhiều bởi những người chơi."

Tất nhiên, quản lí hệ thống tiền tệ là một điều vô cùng khó khăn. Và vì lý do nào đó, nhà quản lí game cũng không quá chú trọng hoặc không nghiên cứu một cách có chiều sâu vấn đề tiền tệ trong thị trường tài sản ảo của game. Nó dẫn đến lạm phát tăng khá lớn, tính ổn định kém.... Hơn nữa, khung pháp lí và định hướng của các nhà cung cấp cũng làm hạn chế đi những mặt tích cực của thị trường tài chính trong game.

Lấy ví dụ, shop VTC bán một số hàng hoá thật bằng Vcoin. Nhỏ thì là những cái cốc có biểu tượng của game Audition, lớn thì là điện thoại di động. Một điều rất khó là khi nạp Vcoin vào tài khoản thì để có 1 000 Vcoin bạn phải mất 100 000 VND, nếu nạp bằng điện thoại di động thì do phải trả phí cho nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, bạn còn phải mất nhiều hơn. Nhưng ngoài "chợ trời" thì 100 000 phải mua được tới 3 000 Vcoin thậm chí hơn.

Vậy nên 1 chiếc điện thoại giá khoảng 8 triệu lẽ ra nó sẽ là 80 000 Vcoin nhưng nếu bán với giá đó thì sẽ có người mua Vcoin ở chợ trời sau đó mang tiền ảo mua điện thoại thì tính ra chỉ mất khoảng 3 triệu đồng. Do đó, nhà cung cấp đành phải bán nó với giá 290 000 Vcoin mà nếu quy đổi theo giá Vcoin gốc và đem thẻ cào ra nạp thì sẽ phải là... 29 triệu đồng.

Hoặc trong VLTK, giá mua vào bán ra ngân lượng của các “nhà kinh doanh” lệch nhau khoảng 20 giá. Thời kì ổn định, giá ngân lượng tại chợ trời là mua vào 60 và bán ra 80. Có nghĩa là 1 000 tiền vạn mua vào mất 60 000 VNĐ và bán ra được 80 000VNĐ.

Vì vậy, đầu cơ ngân lượng ảo trong game online có vẻ còn có lãi hơn buôn vàng thật hay chơi chứng khoán. Nhưng ngặt một nỗi là thị trường vẫn rất nhỏ. Thế nên muốn mua vào hay bán ra với số lượng lớn là một điều khó khăn. Ví như nếu muốn bán ra ào ào thì phải chấp nhận giá rẻ vì chính việc bất ngờ cung tiền với số lượng lớn sẽ kéo luôn giá trung bình của ngân lượng xuống thấp.

Tất nhiên, việc tiền ảo mất giá trị còn do nhiều yếu tố. Chẳng hạn như có những thời kỳ, nhiều kẻ lừa đảo bằng tin nhắn làm cho lượng Vcoin của Audition tăng lên nhiều hơn bình thường và tất nhiên làm giá của Vcoin tại chợ đen giảm xuống. Hoặc một lỗi trong game VLTK khi tham gia tỉ võ, game thủ có thể lợi dụng để tự sản sinh ra ngân lượng, gây mất cân bằng tiền tệ trong game, nên gần đây giá của ngân lượng cũng xuống một cách thảm thương.

Tất nhiên hai game này có sự định hướng khác nhau về tiền ảo khi mà VTC có tỉ giá cố định cho tiền thật và tiền ảo. Còn Vinagame thì không công nhận tỉ giá với quan điểm tiền thật là tiền thật, tiền ảo là tiền ảo, trong khi nhà cung cấp này chắc chắn cũng biết rằng thị trường tiền tệ trong game của họ sôi động hơn ai hết.

Nhưng dù có công nhận tỉ giá giữa tiền thật và tiền ảo hay không, nếu nhà cung cấp không quản lý chặt vấn đề tiền tệ trong game và thả nổi, dẫn tới lạm phát tỉ giá, thì người thiệt thòi nhất chính là những người chơi game nghiêm túc hoặc phải bỏ tiền nạp qua SMS để mua tài sản ảo.

(Theo Vietnamnet)


Bình luận

  • TTCN (2)
Hải Nam  30903

Có những công ty thuê cả một đội ngũ chuyên gia về kinh tế để điều tiết xã hội ảo một cách hợp lí. Còn mấy công ty VN thì can thiệp lung tung loạn cả lên, giá cả thay đổi chóng mặt.

Duy Nam

chán

Công ti việt nam coi lợi nhuận là trên uy tín ư vất só đi
Khi họ thấy game thủ lệ thuộc vào hệ thống của họ, họ điều chỉnh sao cho có lợi cho mình nhất mà không nghĩ gì đến game thủ.