Từ trái qua phải: ông Đỗ Quốc Anh (vụ trưởng, giám đốc văn phòng phía Nam bộ GDĐT), ông Trịnh Khôi (hiệu trưởng trường HUTECH) và ông Nguyễn Long (tổng thư ký VAIP).

Ngày 14/11/2008, tại TP.HCM, ban tổ chức  đã công bố cuộc thi Olympic Tin Học Sinh Viên Việt Nam lần thứ 17 và kỳ thi Lập Trình Sinh Viên Quốc Tế ACM/ICPC lần thứ 33.

Olympic Tin Học Sinh Viên Việt Nam năm 2008 (OLP 08) kết nối cùng kỳ thi Lập Trình Viên Sinh Viên Quốc Tế CAM/ICPC khu vực châu Á điểm thi tại TP.HCM do hội Tin Học Việt Nam (VAIP), hội Sinh Viên Việt Nam và bộ GDĐT tổ chức tại ĐH Kỹ Thuật Công Nghệ TP.HCM (HUTECH) ngày 20-23/11/2008.

Ngày hội của các tài năng trẻ CNTT

Sự kiện đã nhận được sự ủng hộ từ ban Đối Ngoại Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, bộ GDĐT, bộ TTTT, bộ KHCN, bộ Công An, liên hiệp các hội KHKT Việt Nam, UBND TP.HCM, hội Tin Học TP.HCM…

Theo ông Nguyễn Long, tổng thư ký VAIP, sự kiện này như là một ngày hội của các tài năng trẻ CNTT-TT của Việt Nam và khu vực. Sự kiện còn có ý nghĩa biểu dương tài năng, kỹ năng CNTT-TT dành cho sinh viên quy mô quốc tế lớn nhất Việt Nam. VAIP và hội Sinh Viên Việt Nam khởi xướng, tổ chức từ năm 1992, Olympic Tin Học Sinh Viên Toàn Quốc (OLP) đã khuyến khích phong trào học tập, rèn luyện, nghiên cứu sáng tạo CNTT-TT của sinh viên trong các trường ĐH, CĐ.

Theo kế hoạch, lễ khai mạc cuộc thi OLP08 và kỳ thi ACM/ICPC được tổ chức vào chiều ngày 20/11/2008 đúng dịp ngày Nhà Giáo Việt Nam tại hội trường trường HUTECH, ngày tiếp theo 21/11/2008 thi OLP08 với các nội dung cá nhân và phần mềm nguồn mở, Micromouse; ngày thi trực tuyến ACM/ICPC được tổ chức tại hội trường Dinh Thống Nhất TP.HCM vào sáng 23/11/2008.

Bên cạnh đó, các sinh viên còn có cơ hội giao lưu với nhiều trường ĐH, CĐ tại TP.HCM trong ngày hội công nghệ sinh viên và phát động cuộc thi Imagine Cup 2009, tham quan Dinh Thống Nhất, du lịch các vùng phụ cận TP.HCM sau những giờ phút so tài căng thẳng. Cơ hội đoạt giải Siêu CUP 2008 và vào vòng chung kết ACM/ICPC toàn cầu diễn ra tại Stockholm, Thuỵ Điển vào tháng 9/2008 đang chờ các tài năng sinh viên...

Ông Trịnh Khôi, hiệu trưởng trường HUTECH cho biết, trường đã chuẩn bị sãn sàng chào đón các đội tuyển từ mọi miền đất nước và các trường ĐH nổi tiếng châu Á đến so tài cùng các đội Việt Nam. Đây là lần đầu tiên một trường ĐH ngoài công lập đang cai tổ chức OLP và ACM/ICPC. HUTECH đã sãn sàng khẳng định vị thế trong lĩnh vực đào tạo bậc ĐH và CĐ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến ở Việt Nam.

Việt Nam quyết tâm thăng hạng

Ban tổ chức cho biết, các đội tuyển Việt Nam tham dự ACM/ICPC với quyết tâm cao bằng việc cử nhiều đội tuyển tham dự nỗ lực thi đấu với các đội quốc tế giành suất tham dự chung kết toàn cầu. Việc lọt vào chung kết toàn cầu ACM/ICPC sẽ là cơ hội khẳng định trong top 100 trường hàng đầu về đào tạo CNTT. Cụ thể, trường ĐH KHTN TP.HCM đăng ký tham dự với 7 đội, trường ĐH Công Nghệ Hà Nội có 5 đội, ĐH Bách Khoa TP.HCM và HUTECH cùng có 4 đội tham dự…

Ngoài ra, để động viên khuyến khích phong trào học tập và sáng tạo trong sinh viên, bộ GDĐT sẽ trao bằng khen cho tất cả các giải OLP (các khối thi cá nhân OLP), bộ TTTT sẽ trao bằng khen cho đội tuyển chuyên và không chuyên xuất sắc nhất kỳ thi ACM/ICPC của Việt Nam, bộ KHCN trao bằng khen cho giải đồng đội khối chuyên và khối không chuyên và giải nhất phần mềm nguồn mở. Tất cả sinh viên tham dự ACM/ICPC sẽ có chứng nhận tham dự và chứng chỉ đạt giải của ban tổ chức ACM/ICPC toàn cầu.

Cuộc thi sẽ tiếp tục khẳng định vị thế của Việt Nam trong khu vực châu Á và thế giới về nguồn lực trẻ CNTT-TT. Việc kết nối Olympic Tin Học với kỳ thi ACM/ICPC đã nâng quy mô quốc gia và quốc tế của kỳ thi lên một bước mới, qua đó, khẳng định khả năng hội nhập của tuổi trẻ Việt Nam trong lĩnh vực CNTT-TT, đặc biệt là kỹ năng lập trình theo chuẩn quốc tế, một trong những nền tảng cơ bản cho chuyên gia CNTT. Cuộc thi còn rèn luyện kỹ năng làm việc tập thể, từng bước đưa thương hiệu các trường ĐH, CĐ Việt Nam sánh vai với top 100 trường ĐH hàng đầu từ khối các trung tâm đào tạo CNTT trên thế giới. Nội dung thi tuân thủ theo chuẩn lập trình quốc tế dùng các ngôn ngữ C/C++, hoặc Div C ở các khối không chuyên và CĐ sẽ thi thêm kỹ năng trên bảng tính điện tử nhằm tìm kiếm các nội dung thiết thực về kỹ năng tin học.

Đến hết ngày 12/11/2008, vòng loại ACM/ICPC đã thu hút gần 1.000 sinh viên CNTT-TT ưu tú từ gần 100 đội tuyển đăng ký dự thi ACM, trong đó có trên 86 đội Việt Nam và 11 đội từ các quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài Việt Nam (4 đội Hàn Quốc, 2 đội Đài Loan, 2 đội Hồng Kông, 3 đội Trung Quốc). Hiện danh sách đăng ký đang còn tiếp tục và dự báo sẽ còn có thêm 7 đội quốc tế đến từ Thái Lan, Philippine, Indonesia… tham dự. Tổng cộng có trên 250 đội tuyển đăng ký dự thi các khối OLP và ACM/ICPC với gần 900 lượt thi và 8 khối: khối siêu cup (khối A), khối chuyên tin (khối B), khối không chuyên tin (khối C), khối CĐ (khối D), khối tập thể chuyên tin ACM (khối E), khối tập thể không chuyên tin (khối F), khối Micromouse tìm đường mê cung, giải thuật (khối G), khối phần mềm nguồn mở (khối H).

Năm 2007, Việt Nam xếp thứ 44/88, và mục tiêu phấn đấu năm 2008 là đạt thứ hạng từ 30 - 40, đứng cùng các trường hàng đầu châu Á đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản. Các cá nhân xuất sắc qua các kỳ thi Olympic và ACM/ICPC đã từng bước trưởng thành, nhiều người trong số họ tiếp tục nghiên cứu khoa học và làm công tác giảng dạy.

Theo TGVT



Bình luận

  • TTCN (0)