Thư viện huyền thoại Alexandria được xây dựng vào năm 300 trước Công nguyên và bị một trận hỏa hoạn phá hủy hoàn toàn

85 tỉ trang web, 120.000 bộ phim, 250.000 bản ghi âm, trên 400.000 văn bản được lưu trữ với sự trợ giúp của công nghệ kỹ thuật số.

Với Brewster Kahle thì đây là một sự khởi đầu không tệ chút nào. Năm nay 47 tuổi, chuyên gia máy tính người Mỹ này đang thực hiện một dự án đồ sộ nhằm bảo quản tất cả tri thức đã và đang tồn tại tới ngày nay, được sắp xếp theo hệ thống trên mạng. Mỗi lời nói, mỗi âm thanh, mỗi bức ảnh, tóm lại là tất cả chứng cứ về nền văn minh của chúng ta đều được lưu giữ.

Kahle đang xây dựng một thư viện kỹ thuật số tổng hợp: chi tiết, miễn phí và ai cũng có thể tiếp cận. Nếu như trong suốt hơn 2.000 năm qua, ý tưởng lưu giữ những gì thuộc về loài người vẫn chỉ là một giấc mơ, thì giờ đây giấc mơ đó có thể biến thành hiện thực bất kỳ lúc nào.

Hành động kịp thời

Từ năm 1996 tới nay, Kahle thành lập và điều hành mạng Internet Archive, văn phòng chính đặt tại San Fransisco, California. Công việc hằng ngày của ông chẳng có gì liên quan với hoạt động của một thư viện truyền thống. Các chuyên gia tìm kiếm ngày đêm sục sạo trên mạng để chụp lại những trang web mới. Mỗi ngày họ thu thập và scan hàng trăm cuốn sách mới. Mỗi tháng lượng thông tin đưa vào lưu trữ tăng tới hơn 25 terabyte, đáp ứng tất cả tư liệu cho thư viện Quốc hội Mỹ.

Chưa bao giờ dòng thác thông tin lại chảy với tốc độ chóng mặt như hiện nay. Vào năm 2002, mọi lưu trữ trên giấy, băng từ tính, đĩa quang học mới chỉ đạt khoảng 5 extrabyte. Trong cuốn How much information? người Mỹ đã thử làm một cuộc điều tra tốn kém xem hiện tại khối lượng thông tin trên toàn thế giới là bao nhiêu. Và chỉ với 5 extrabyte này, nếu chia cho từng người trên Trái đất thì lượng thông tin đủ để in ra số lượng sách chất đầy một chiếc kệ dài 10m.

Cùng lúc đó lại có hàng nghìn cuốn sách trong các thư viện đang bị mục nát mỗi ngày. Những gì chứa đựng trong chúng chưa kịp đưa lên mạng đang có nguy cơ biến mất mà không thể phục hồi. Ngoài ra, chúng ta cũng không biết thế hệ con cháu sau 500 năm nữa có thể đọc được những gì ta đưa lên mạng hôm nay không. Đó là chưa tính đến khả năng thương mại hóa sẽ là lực cản đối với việc tiếp cận tri thức trong thế giới kỹ thuật số này. Chúng ta có thể bảo tồn tri thức của nhân loại cho con cháu mình hay không?

Trong quá khứ, có rất nhiều cuộc chiến tranh nhằm chiếm đoạt các kho tàng và thư viện, bởi vì tri thức là bậc thang đưa tới quyền lực. Một số thống lĩnh muốn bảo tồn, một số lại muốn hủy hoại.

Vào thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên, vua Ashurbanipal xứ Asirya khi lên ngôi đã ra lệnh quốc hữu hóa tất cả bản viết khắc trên đất sét và bảo quản tại một nơi giống thư viện sau này.

Hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa Tần Thủy Hoàng sau khi lên ngôi lại ra lệnh đốt hết những gì ông ta cho là không phù hợp với tư tưởng của mình. Một cuộc hủy hoại văn hóa độc nhất vô nhị trong lịch sử nhân loại.

Vì vậy, ý tưởng bảo tồn tri thức nhân loại đã xuất hiện từ rất sớm và luôn được thử thách trong suốt chiều dài lịch sử. Bằng chứng là huyền thoại về thư viện Alexandria ở Ai Cập, ra đời vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, lưu giữ 500.000 bản viết tay, chủ yếu trên giấy cói do người cổ Hi Lạp và Ả Rập làm ra.

Kho lưu trữ kỹ thuật số

Ảnh
Ngày nay người ta có thể scan các cuốn sách bằng máy tự động lật trang

Vào thế kỷ 20, mơ ước có một thư viện tổng hợp kỹ thuật số được khuyến khích mạnh hơn bao giờ hết. Nhưng một điều trớ trêu là cùng lúc nguy cơ xảy ra một cuộc hủy hoại tầm cỡ thế giới cũng lớn không kém. Trong thời gian từ 1845-1980, hầu như các ấn phẩm đều được in trên giấy làm từ bột gỗ hay bột giấy, dễ bị mục, rách bởi thời gian. Tại các thư viện của Đức đã có 2 triệu cuốn sách bị hư hỏng. Trên thị trường, lượng ấn phẩm đã xuất bản từ trước tới nay chỉ còn khoảng 10%, 3/4 đã bán hết và không thể biết ai đang sở hữu chúng. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng để bảo tồn kịp thời các cơ sở dữ liệu “trôi nổi” hiện nay chỉ duy nhất công nghệ kỹ thuật số là đảm đương nổi. Tương lai kho tàng của nhân loại phải nằm trong máy tính và Internet.

Nhờ có kỹ thuật số mà thông tin ngày nay đã tách ra khỏi những “người canh giữ” chúng, vốn là giấy, băng ghi âm, đĩa, băng hình, để thành những bites và bytes. Cả một cuốn Từ điển bách khoa có thể chứa chỉ trong chiếc đĩa nhỏ bé. Chi phí để sao chép chiếc đĩa đó hoàn toàn không đáng kể. Việc tăng số lượng các văn bản, liên kết chúng với nhau thông qua Internet là không có giới hạn và mọi người trên thế giới đều có thể tiếp cận thông tin. Mạng Internet từ lâu đã trở thành ngân hàng tri thức trong lịch sử nhân loại. Cơ cấu tìm kiếm đồng thời cũng là người bảo tồn. Riêng chỉ Google đã có tới 8 tỉ trang web.

Những khả năng của bảo tàng kỹ thuật số là vô hạn - ai cũng có thể bước vào thế giới tư liệu của thời Trung cổ hay đặt mua cho mình một CD nhạc mới ra lò mà vẫn ngồi trên ghế trong văn phòng. Thông tin trên mạng có thể liên kết với nhau, mua đi bán lại hoặc bình luận. Từ hàng triệu ấn phẩm, hình ảnh, phim ảnh và các trang web, người ta đã dệt nên tấm vải khổng lồ của tri thức.

Cộng tác với Google

Tới năm 2015, người ta dự tính sẽ chuyển sang lưu trữ bằng công nghệ kỹ thuật số 15 triệu cuốn sách trên toàn cầu. Mọi người trên thế giới đều có thể tiếp cận số sách này. Nhiều thư viện đã hợp tác với Google, giao các ấn phẩm bằng giấy để scan. Tháng 2-2007, thư viện quốc gia Bavaria của Đức đã đặt hàng đưa lên mạng khoảng 1 triệu cuốn sách”. “Những chi tiết trong hợp đồng được giữ bí mật, nhưng sách của chúng tôi sẽ không rời khỏi Bavaria - bà Klauce Zainova, quản lý thư viện cho biết - Google sẽ không được tiếp cận với những tư liệu quý giá có từ thời kỳ đầu của ngành in ấn. Việc bảo quản tư liệu quý cần tới những người có uy tín. Ngay cả những phiên bản giao cho hãng này cũng đều được lưu lại trong thư viện nhằm bảo vệ bản quyền của chúng tôi phòng khi Google thay đổi chiến lược của họ”.

Dự án này cũng gặp sự phản đối không nhỏ. Nhiều nhà xuất bản cho rằng cơ cấu tìm kiếm của Mỹ đã vi phạm quyền tác giả. Phía Google thanh minh rằng mọi người chỉ được tiếp cận trích đoạn của các dữ liệu.

Đồng thời, một phong trào ủng hộ ý tưởng thông tin cho tất cả mọi người cũng đang hình thành, đó là các thư viện, các viện văn hóa xã hội và những nhà đấu tranh độc lập như Brwester Kahle. Những người theo phong trào này cảnh báo rằng Google theo đuổi dự án chỉ nhằm mục đích phục vụ chiến lược kinh tế của mình. Ví dụ như họ đề nghị những ai đã hợp tác với Google thì không giao tài liệu cho các hãng khác, và khi chọn mục “Tìm sách” đường link của họ lại dẫn đến trang kinh doanh sách trên mạng Amazon.com. Rất nhiều thư viện từ chối hợp tác với Google mà chuyển sang liên kết với nhau qua Open Content Alliance với mong muốn không một tựa sách nào mà mọi người không thể tiếp cận vì lý do thương mại. Cùng quan điểm này còn có những nhà khoa học, những người khẳng định rằng một khi ngân hàng tri thức được mở cửa cho tất cả mọi người, loài người sẽ tiến nhanh hơn trên con đường phát triển trí tuệ. Ví dụ như viện quốc gia sức khỏe, cơ quan quan trọng nhất chuyên nghiên cứu về thuốc sinh học của Mỹ, đang sở hữu một kho tàng gen lớn nhất thế giới: Genbank, chứa đựng các thông tin về gen của hơn 260.000 vật thể, 200 tỉ chữ cái của mã số gen và nhà khoa học nào cũng có thể tiếp cận thông qua Internet.

Những công nghệ của tương lai

Ngay cả khi tất cả tri thức của loài người được chuyển sang lưu trữ bằng kỹ thuật số cũng chưa có gì bảo đảm là chúng sẽ tồn tại vĩnh viễn. Những dữ liệu thu thập được và được phổ biến chỉ có thể tồn tại song hành với vật bảo quản chúng. Trường hợp 1 triệu băng từ tính chứng minh thành quả 30 năm nghiên cứu không gian của Mỹ đã bị biến mất không thể tìm thấy là một ví dụ.

Sự phổ biến của CD và DVD do chất lượng kéo dài chỉ khoảng 10 năm. Những băng hình trước đây nếu còn cũng không có máy để xem, thậm chí có lấy ra thì nội dung cũng không còn phù hợp với các phần mềm hiện nay. Các nhà khoa học ngày nay trên thế giới đang làm việc với một phương thức đảm bảo hơn để bảo quản thông tin, đó là sao chép theo phương pháp holograf. Theo họ, sao chép theo phương thức holograf là tương lai của phương thức quang học. Đây là công nghệ cho phép ghi nhớ một lượng dữ liệu khổng lồ trong khoảng thời gian ngắn nhất.

Tuy nhiên, theo các nhà khoa học Đức, những gì quan trọng nhất hiện nay không thể giao phó hoàn toàn cho máy tính. Ví dụ những di sản văn hóa Đức hiện đang được giữ gìn trong một hầm mỏ bỏ hoang ở Shvarzvale sau những cánh cửa thép và luôn được kiểm tra bằng các camera. Trong những container kín mít có thời hạn sử dụng là 500 năm, hàng nghìn bản vi phim chứa 600 triệu dữ kiện về lịch sử nước Đức.

Chỉ với sự trợ giúp mang tính toàn cầu, giấc mơ có tên Alexandria 2.0 mới hi vọng được hoàn chỉnh. Sẽ có nhiều đối tượng liên kết để dự án được hoàn thành như các thư viện công cộng, các kho tư liệu Internet kiểu Internet Archive của Brwester Kahle, các hãng thương mại như Google và các nhà xuất bản chuyên môn. Cả những người sử dụng cũng tham gia vào quá trình này. Tại Thư viện quốc gia Bavaria người ta đã nghĩ tới tác dụng của những cuốn catalogue trong tương lai được làm ra bởi những người sử dụng, theo mẫu của Wikipedia.

Bà Klauce Zainova khẳng định: “Trong khoảng thời gian 10-30 năm nữa, tất cả mọi văn bản sẽ được lưu vào Internet, ở mọi nơi, mọi lúc, cho mọi người. Đó chính là tiến trình dân chủ hóa về tri thức”.

Theo Tuổi trẻ/Paraleli)



Bình luận

  • TTCN (0)