Những mẫu di động dưới 2 triệu đồng, đa tính năng của các hãng lớn, nhỏ đa dạng đang làm điện thoại Trung Quốc không thương hiệu "ế" và dần vắng bóng trên thị trường.
Thời điểm này năm ngoái, điện thoại Trung Quốc không thương hiệu nghe nhạc, 2 SIM tràn ngập thị trường. Tuy nhiên, hiện tại những model này chỉ xuất hiện lẻ tẻ tại một vài cửa hàng và vắng bóng khách mua.
Dạo qua phố Đặng Dung (Hà Nội) - nơi chuyên bán điện thoại Trung Quốc có thể thấy, dòng điện thoại này đang dần ít đi. Cả một đoạn phố dài 300 mét với hàng trăm tủ hàng nhưng số lượng nơi bán "dế" Trung Quốc chỉ còn vài chục. Khách hỏi thăm tới mặt hàng này cũng lác đác, có chăng chỉ là những con mắt nhìn ngắm e ngại, những động tác nhấc lên xem rồi đặt xuống chứ chẳng có mấy ai mua.
Phần lớn cửa hàng tại đây đã chuyển sang bán điện thoại Nokia cũ, hàng xách tay như PDA, iPhone... Những shop còn bán "dế" Trung Quốc thì tủ hàng cũng nhỏ hơn nhường những chỗ "bắt mắt" để trưng bày những mặt hàng khác.
Anh Bá Dũng, chủ một cửa hàng tại đây, lắc đầu, "điện thoại Trung Quốc giờ ế rồi, giờ tôi chuyển qua bán các dòng nên máy "hot" như iPhone, Nokia N-series, BlackBerry". Không chỉ phố Đặng Dung, các địa chỉ bán điện thoại Trung Quốc trên đường Láng, Bạch Mai, phố Huế cũng tương tự.
Điện thoại của LG, Motorola, Q-Mobile... với nhiều tính năng và giá rẻ đã đánh bại điện thoại Trung Quốc. Cách đây vài ba năm, điện thoại Trung Quốc "sốt" bởi thiết kế màu sắc, nghe nhạc, xem phim với loa ngoài lớn, hỗ trợ cả chức năng chụp ảnh. Tuy nhiên, hiện các mẫu dưới 1,5 triệu đồng của các thương hiệu lớn nhỏ trong nước đã đánh bại "dế" Trung Quốc.
Nhiều khách hàng tới mua tại các siêu thị điện thoại di động đều chung một ý kiến chọn hàng có thương hiệu an tâm hơn so với chọn điện thoại Trung Quốc. Giờ với 1,2 triệu đồng, bạn cũng có thể sắm được một "dế" hàng hiệu Nokia, Samsung hay LG lại bảo hành tới một năm. Trong khi hàng Trung Quốc chỉ bảo hành một tuần hoặc cùng lắm là 3 tháng.
"Đúng là chất lượng và thời gian bảo hành làm người dùng của điện thoại Trung Quốc làm người dùng ngại mua", anh Dũng phân trần. Máy hay lỗi, khó có phụ kiện thay thế, ngoài ra việc bảo hành cũng không đến nơi đến chốn làm cho người dùng xa lánh.
Xu hướng giảm giá điện thoại cũng ảnh hưởng đến việc "dế" Trung Quốc ế thêm. Những model hai SIM, xem TV dù hay, nhưng giá cũng từ 2 đến xấp xỉ 3 triệu đồng. Trong khi đó, Nokia 5300 XpressMusic, Sony Ericsson W200i cũng chỉ hơn 2 triệu. Đây là các đối thủ dù ra mắt đã lâu, nhưng vẫn "còn hơn điện thoại Trung Quốc", một chủ cửa hàng điện thoại trên phố Phan Đình Phùng (Hà Nội) nhận định.
(Theo Số hoá)
Bình luận