Các transistor (vàng và xanh) trên chip silicon được thay thế bằng memristor (nâu đậm) đòi hỏi ít năng lượng và diện tích. HP khẳng định đây là "cuộc cách mạng" của mạch tích hợp và công nghệ chip nhớ. Ảnh: HP.

Ngành công nghiệp điện toán có xu hướng thu nhỏ các bộ phận để tích hợp nhiều hơn vào trong một mạch. Nhưng các nhà nghiên cứu của HP lại loại bỏ một phần bóng bán dẫn (transistor) và thay bằng những bộ nhớ thông minh (memristor).

Theo định luật Moore, số transistor trong mỗi chip sẽ nhân đôi sau 2 năm. Tuy nhiên, tốc độ này đang dần chậm lại do các thành tố đã bị thu hẹp kích cỡ xuống chỉ còn vài phân tử. HP quyết định đặt cược vào một bộ phận điện tử cơ bản mới: memristor.

Memristor được chuyên gia Leon Chua thuộc Đại học Berkeley (Mỹ) đề cập đến từ năm 1971. Nó là thành phần thứ tư của mạch điện ngoài 3 bộ phận đã quen thuộc với con người là điện trở (resistor), điện dung (capacitor) và cảm điện (inductor).

Memristor hoạt động giống resistor nhưng điều khác biệt lớn nhất là nó có thể thay đổi điện trở tùy thuộc vào điện áp và có thể ghi nhớ những biến đổi đó ngay cả khi ngắt điện. Đặc tính lạ thường này khiến memristor trở nên hấp dẫn cả về mặt khoa học lẫn kỹ thuật: một memristor có thể thực hiện chức năng của nhiều transistor, đồng thời có kích thước nhỏ, tốc độ cao, tiết kiệm điện và chi phí thấp hơn hẳn so với công nghệ lưu trữ flash.

Sau khi xem xét học thuyết của Chua, HP đã xây dựng memristor vào tháng 5 vừa qua. Tuần này, họ tiếp tục giới thiệu chip lai memristor-transistor đầu tiên trên thế giới, tức mạch tích hợp có thêm bộ nhớ và đòi hỏi ít bóng bán dẫn hơn, nhờ đó mở rộng diện tích để đưa các thành phần khác vào.

"Do memristor được làm từ chất liệu giống mạch tích hợp thông thường nên việc xếp nó song song với transistor rất dễ dàng, giúp chúng tôi tiếp tục duy trì định luật Moore", trưởng nhóm nghiên cứu Stan Williams của HP cho hay. "Những năm tới sẽ là giai đoạn quan trong của memristor khi ngành công nghiệp bắt đầu thiết kế chip chứa bộ nhớ thông minh này".

(Theo Vnexpress/TechnologyReview)



Bình luận

  • TTCN (0)