Cơ quan quản lý đang tập trung vào giải quyết hiện tượng thay vì bản chất. Không thể quản lý blog theo kiểu ngồi đọc, theo dõi từng blog một để phát hiện vi phạm.
Đa phần những người viết blog hiện nay đều cho rằng quản lý blog là không khả thi. Ngay cả ban soạn thảo dự thảo thông tư hướng dẫn một số nội dung về hoạt động cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân (blog) cũng thừa nhận rằng thông tư này không thể giải quyết hết những vấn đề trong thế giới blog.
Blog “bẩn” chỉ có thể xử lý bằng hậu kiểm
Ông Nguyễn Tử Quảng - Giám đốc Trung tâm An ninh mạng (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng về mặt kỹ thuật hoàn toàn có thể quản lý được blog. Theo ông Quảng, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng có thể chỉ ra blogger là ai ở ngoài đời, nghĩa là các blogger không thể giấu mặt được.
Tuy nhiên, ông Quảng cũng cho biết để phát hiện ra người khởi tạo blog cần có sự hợp tác của nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội, cùng với nhà cung cấp dịch vụ truy nhập Internet. Ví dụ trường hợp mạng xã hội của Yahoo!, ông Quảng cho rằng nếu Yahoo! không hợp tác cung cấp thông tin về các blogger thì cơ quan chức năng vẫn có thể tìm ra chủ nhân blog thông qua sự hợp tác của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet.
Nâng cao ý thức cộng đồng mạng
Theo ông Quảng, việc quản lý nội dung của hàng triệu triệu blog chỉ có thể làm được bằng phương pháp hậu kiểm, thông qua sự phát hiện của chính cộng đồng mạng. “Việc có một văn bản pháp luật quy định điều gì được làm, điều gì không được làm đối với các blogger tôi cho là cần thiết. Cộng đồng mạng có thể dựa vào văn bản đó để điều chỉnh hành vi của mình, phát hiện những trường hợp vi phạm” - ông Quảng nói.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hưng - đại diện mạng xã hội tamtay.vn cho rằng để có thể kiểm soát tốt nội dung blog, dự thảo thông tư về blog nên đề cập sự tham gia của bên thứ ba vào hoạt động blog. Bên thứ ba ở đây được hiểu là cá nhân hoặc tập thể thấy một nội dung nào đó trên blog xâm phạm vào quyền lợi của mình. Luật sư Hưng cho biết: “Quy định của hầu hết các mạng xã hội là, khi một bên thứ ba có yêu cầu, kèm theo các bằng chứng xác đáng thì doanh nghiệp, chủ sở hữu trang phải dỡ bỏ thông tin được đưa lên, đồng thời thông báo đến người đăng tải. Trong trường hợp yêu cầu dỡ bỏ thông tin không đúng thì bên thứ ba cũng phải có trách nhiệm đối với những thiệt hại mà việc dỡ bỏ sai đó gây ra”.
Blog, bản chất cũng là thông tin
Luật sư Nguyễn Ngọc Hưng cho rằng với việc xây dựng một thông tư riêng cho blog dường như cơ quan quản lý đang tập trung vào giải quyết hiện tượng thay vì bản chất. Trên thực tế, trang thông tin điện tử cá nhân (blog) bản chất cũng là đưa tin như các trang điện tử khác. Như vậy, nếu xây dựng thông tư chung về việc đưa thông tin lên mạng Internet sẽ rộng và bao hàm cả các trang thông tin điện tử khác, trong đó có blog.
Ông Đỗ Quý Doãn - Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông lại cho rằng nếu có một văn bản độc lập như thông tư về blog thì sẽ có tác dụng định hướng tốt, tạo khung để người tham gia blog biết được điều gì được làm, điều gì không được làm. Ông Doãn cũng cho biết thêm, để quy định cụ thể những chế tài với vi phạm trong lĩnh vực blog, sắp tới Bộ sẽ xây dựng nghị định về thanh tra trong lĩnh vực Internet và nghị định về xử phạt những vi phạm hành chính trong lĩnh vực thông tin truyền thông.
Yahoo! Đông Nam Á: Đã từng ngăn blog đen Only U
Ông Vũ Minh Trí - Trưởng đại diện của Yahoo! Đông Nam Á tại Việt Nam cho biết Yahoo! sẵn sàng hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo một mạng xã hội trực tuyến trong sạch, lành mạnh. Tuy nhiên, theo ông Trí, không thể quản lý blog theo kiểu ngồi đọc, theo dõi từng blog một để phát hiện vi phạm. “Dịch vụ 360o” của Yahoo! có một mục là “Báo cáo vi phạm”. Những blogger nào phát hiện blogger khác có những biểu hiện thiếu lành mạnh có thể thông báo cho chúng tôi qua chức năng này. Chúng tôi đã từng ngăn một số blog tại Việt Nam được coi là blog đen, tiêu biểu là blog Only U. Tôi cho rằng cộng đồng mạng Việt Nam muốn có một sản phẩm tốt, một mạng xã hội trong sạch thì tinh thần tự quản là hết sức quan trọng” - ông Trí chia sẻ.
(Theo PHÁP LUẬT TP.HCM)
Bình luận
Hình như nội dung có vài chỗ ngược với tiêu đề bài viết.
Chỉ là hình như thôi chứ gì?
Vì có câu này: "Ông Đỗ Quý Doãn - Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông lại cho rằng nếu có một văn bản độc lập như thông tư về blog thì sẽ có tác dụng định hướng tốt". Rõ ràng có 2 bên, bên quản lí thì muốn có thông tư, bên cung cấp dịch vụ thì không muốn. Nhưng tác giả bài viết lại cố tình nhấn mạnh một bên thôi.
Dùng chữ "hình như" cho khỏi bị bắt bẻ, với lại trong comment thì chữ đó đủ xài rồi