ĐTDĐ đang nổi lên như một "nhân chứng" quan trọng mới tại chốn pháp đình, một nguồn thông tin cực kỳ quý giá cho cả giới điều tra lẫn luật sư biện hộ.

Giờ đây, một nhóm hacker nghiệp dư lại tìm cách bẻ khóa phần mềm điện thoại để truy cập sâu hơn vào trong "ruột gan" con dế này, đào xới mỏ vàng dữ liệu mà nó cất giữ.

"ĐTDĐ đã trở nên quá phổ biến trong thời đại ngày nay. Gần như tội ác nào cũng phải có chút ít đầu mối số đi kèm", Phó giáo sư Rick Mislan của khoa Công nghệ Thông tin và máy tính thuộc trường Đại học Purdue tuyên bố.

"Mỏ vàng bị bỏ quên"

Ông là một thành viên của nhóm chuyên gia đang phát triển phương pháp bẻ khóa phần mềm để có thể truy cập vào các bí mật sâu kín bên trong mỗi chiếc điện thoại di động.

20 năm trước, một văn phòng điều tra phải mất tới vài tháng đi mòn gót chân và lục tìm tất cả hồ sơ tài liệu chỉ để có trong tay những dữ liệu mà ngày nay, bộ nhớ điện thoại nào cũng cất giữ. Với phương pháp mới, người ta có thể truy xuất số dữ liệu này chỉ sau vài giây.

"Dữ liệu cho chúng tôi biết bạn là ai, bạn quan tâm đến cái gì, bạn đang làm gì và bạn kết bạn với ai. Nhiều mẫu điện thoại hiện nay thậm chí còn có tính năng định vị GPS nữa chứ", Giáo sư Mislan cho biết.

Hầu hết người dùng đều nghĩ đơn giản rằng chỉ cần bỏ thẻ SIM ra là sẽ xóa sạch thông tin cá nhân, nhưng họ quên mất rằng bộ nhớ trong của điện thoại vẫn còn đó.

Tài liệu hướng dẫn đi kèm điện thoại có dạy cách xóa bằng tay mọi thông tin cá nhân nhưng hiếm người dùng nào chịu đọc đến đó. Một số dịch vụ tái chế điện thoại cũng cung cấp dịch vụ "làm trắng bộ nhớ" tương tự, nhưng khách hàng chỉ lèo tèo vài mống.

Nhưng cũng nhờ sự thờ ơ ấy, mà các nhân viên điều tra lắm khi mới vớ được bằng chứng quý giá như vàng. Nhiều tên yêu râu xanh sử dụng điện thoại di động để "thả dê" và "dụ dỗ" trẻ em tưởng chúng đã xóa hết các tin nhắn và bài post đen trên blog, nhưng bằng chứng vẫn còn đó, lù lù bên trong bộ nhớ điện thoại.

Lạc hậu và "phủ bụi"

Trên thực tế, lực lượng Tư pháp Mỹ cũng có một số công cụ điều tra và truy xuất dữ liệu từ điện thoại. Tuy nhiên các phương pháp này đã khá cũ kỹ và bọn tội phạm quá rành để tìm cách "lách qua".

Lấy thí dụ, dân buôn lậu ma túy thường mua lại những chiếc điện thoại cũ (hoặc dùng lại những cái đã vứt vào sọt rác) để liên lạc với khách hàng và đường dây của chúng, sau đó đập vỡ màn hình.

Cảnh sát tin rằng điện thoại đã bị hỏng và vậy là chủ quan không thèm kiểm tra thông tin lưu giữ bên trong này. (Bởi phương pháp cũ là bật điện thoại lên, chụp ảnh màn hình và dùng đó làm bằng chứng).

Còn nếu bạn hay theo dõi các series phim truyền hình về điều tra tội phạm, bạn sẽ bắt gặp một công cụ khác mà cảnh sát Mỹ rất hay sử dụng là "gắn một con chip" lên điện thoại để lần theo dấu vết và định vị nó. Công cụ này thường được áp dụng trong các vụ mất tích hoặc truy đuổi nghi can.

Một phương pháp khác phức tạp hơn là khai thác hệ thống ra lệnh modem, được phát triển từ những năm cuối thập niên 70. Các điều ta viên sẽ "hỏi" điện thoại một số câu hỏi cụ thể về các dữ liệu mà nó đang cất giữ.

Tập hợp những câu lệnh này vừa được một hacker 17 tuổi sử dụng lại để mở khóa thành công con dế iPhone hồi cuối tuần vừa qua.

Tuy nhiên, theo lời Giáo sư Mislan thì không phải con dế nào cũng đáp lại những câu lệnh bằng modem. Chẳng hạn như điện thoại Nokia cực kỳ khó "hack", vì mỗi tính năng của máy lại sử dụng một hệ mã khác nhau. Mặt khác, tốc độ sản sinh điện thoại mới của hãng này cũng rất nhanh.

(Theo Vietnamnet)



Bình luận

  • TTCN (0)