Một công ty chuyên đoán vận mệnh, đọc lá số, xem tử vi... cho người dùng đang nổi lên như cồn trong thế giới Internet Nhật Bản, nhất là khi bối cảnh kinh tế toàn cầu đang u ám khó lường như hiện nay.
Nỗi lo sợ về tình trạng thất nghiệp và một nền kinh tế đang trượt dốc đã giúp cho Zappallas ăn nên làm ra. Công việc kinh doanh của mạng website "tử vi", coi số lớn nhất Nhật Bản này đang lên như diều gặp gió.
Hút khách nhất trong số này là hai dịch vụ "Xem tương lai của bạn trong vòng 3 tháng" và "Số phận cả đời".
Theo lời người phát ngôn của hãng, lãi ròng trong nửa đầu năm 2008 đã tăng tới 61%.
Chính vì thế, hãng đã nâng mức dự đoán doanh thu và lợi nhuận của cả năm, đồng thời hy vọng vào một viễn cảnh kinh doanh tươi sáng trong năm 2009.
"Chúng tôi nhìn thấy tương lai trong đối tượng khách hàng là phái nữ, độ tuổi từ 20 đến 34".
Để được Zappallas "đoán mệnh", người dùng phải đăng ký làm thành viên chính thức và đóng tiền hàng tháng. Ấy thế nhưng số lượng thành viên vẫn cứ tăng vèo vèo.
Tính đến cuối tháng 10, Zappallas đã quy tụ được 2,2 triệu người dùng trung thành, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2007.
"Xem tử vi là một nghề đã xuất hiện từ hàng ngàn năm nay", đại diện Zappallas cho biết.
TIN LIÊN QUAN Gieo quẻ thời mobile "Chúng tôi chỉ làm mới công việc này mà thôi: Mang đến cho nó nhiều sự thú vị, nhưng vẫn giữ nguyên chiều sâu và lịch sử văn hóa của nó".
Hiện người dùng có thể truy cập vào 443 trang web trực thuộc Zappallas từ cả máy tính lẫn điện thoại di động.
Thuê bao các mạng NTT DoCoMo, KDDI và Softbank đều có thể biết trước tương lai của chính mình, lẫn người khác ngay từ màn hình "alo".
Các lời đoán định của Zapallas được đưa ra dựa trên sự kết hợp của 2 yếu tố: phân tích kỹ thuật và cơ sở dữ liệu, với sự tư vấn của nhiều chuyên gia tử vi hàng đầu thế giới.
"Chúng tôi đã kết hợp kỹ thuật xem tử vi của cả phương Đông lẫn phương Tây để lập trình ra thuật toán tối ưu nhất".
Zapallas hy vọng có thể mở rộng dịch vụ của mình thành những tin nhắn có kèm theo hình vẽ minh họa và các ký tự chuyển động vui mắt. Tại Nhật, người ta gọi ý tưởng này là "mail trang trí".
Theo VietnamNet/AFP
Bình luận