Với công nghệ 3G, nhiều dịch vụ mới sẽ được đưa ra, việc kết nối Internet băng rộng không còn tại một chỗ nữa mà ở khắp mọi nơi. Kết nối 3G xảy ra ở Việt Nam hơi chậm so với các nước khác trên thế giới, nhưng điều đó không phải là không tốt...
Mỗi công nghệ có một thế mạnh riêng, cuộc chạy đua giữa 3G và WiMAX đang trở thành chủ đề nóng bỏng tại Việt Nam. PV đã có cuộc phỏng vấn ông Ricky Corker, Giám đốc khu vực Bắc á của Nokia Siemens Networks (NSN) về vấn đề này.
Theo kế hoạch, đến cuối quý I /2009, các mạng di động Việt Nam sẽ được cấp phép và triển khai 3G. Theo ông thời điểm này có muộn hay không?
Với công nghệ 3G, nhiều dịch vụ mới sẽ được đưa ra, việc kết nối Internet băng rộng không còn tại một chỗ nữa mà ở khắp mọi nơi. Mọi người vẫn nói, kết nối 3G xảy ra ở Việt Nam hơi chậm so với các nước khác trên thế giới, nhưng điều đó không phải là không tốt bởi hiện hầu hết các máy đầu cuối đều có hỗ trợ 3G. Như vậy, khi các nhà khai thác cung cấp dịch vụ 3G thì hầu hết các thuê bao có thể sử dụng ngay mà không phải đối mặt với vấn đề thiết bị cầm tay, điều mà các nước khác đã gặp phải trước đó.
Hiện nay, kết nối băng thông rộng cố định ở Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước khác trên thế giới nhưng chúng tôi tin rằng, thị trường này sẽ phát triển hơn khi triển khai 3G. Kết nối băng thông rộng ở khắp nơi sẽ tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp bởi có thể cung cấp rất nhiều dịch vụ về nội dung cho các nhà khai thác và điều này sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP.
3G tạo ra rất nhiều cơ hội nhưng với các nhà khai khác đi từ 2G tiến lên, 3G cũng gặp không ít thách thức, thưa ông?
Tôi không nhận thấy thách thức nào lớn đối với các nhà khai thác di động Việt Nam khi từ 2G tiến lên 3G. Khó khăn nhất đối với các nhà khai thác khi tiến lên 3G là tìm được chỗ để đặt các trạm thu phát sóng, các nhà khai thác 2G đã có hạ tầng này và đó là lợi thế của họ. Các mạng lõi NSN cung cấp hiện đã có sẵn 3G, nhà khai thác chỉ phát triển mạng vô tuyến thôi. Bên cạnh đó, các trạm thu phát sóng của NSN rất nhỏ gọn, có thể lắp bất cứ ở đâu nên cho phép các nhà khai thác triển khai mạng 3G này rất nhanh. Thực ra, thách thức nhất đối với các nhà khai thác là công suất truyền dẫn bởi để truyền dữ liệu thì phải đảm bảo được công suất truyền. Hầu hết các thiết bị của Nokia Siemens đều dựa trên nền tảng IP và cho phép việc truyền dẫn rất nhanh và có thể giải quyết việc truyền dẫn đối với các nhà khai thác.
Hiện nay không chỉ có 3G mà WiMAX cũng đã sẵn sàng. Vậy theo ông ở Việt Nam công nghệ nào nên ưu tiên trước?
Chúng tôi nhận thấy ở WiMAX tốc độ truyền dẫn rất nhanh, nhưng lại bị hạn chế về mặt di động so với công nghệ 3G. ở thị trường Việt Nam, công nghệ 3G vẫn là vượt trội bởi thiết bị đầu cuối hiện đã phổ biến và giá cả đã rẻ. Trong khi đó, thiết bị đầu cuối cho công nghệ WiMAX vẫn còn đang phát triển và phải mất thời gian nữa mới có thiết bị rẻ đến người tiêu dùng. 3G còn có lợi thế đang tiến lên công nghệ 4G. Đây sẽ là công nghệ phát triển nhanh hơn và tiện hơn so với WiMAX. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng cả 2 công nghệ WiMAX và 3G sẽ phù hợp và được triển khai tại Việt Nam.
Một số mạng di động nhỏ của Việt Nam có thể sẽ liên doanh với nhau để thi tuyển 3G. Như vậy, sẽ có một mạng 3G cho 2 nhà khai thác. NSN có giải pháp nào cho mô hình kinh doanh này không?
NSN có giải pháp cho nhiều nhà khai thác có cùng một giấy phép và chia sẻ cơ sở hạ tầng. Chúng tôi có công nghệ Moran cho phép các nhà khai thác có cùng giấy phép có thể sử dụng các dải tần khác nhau để cùng khai thác. Công nghệ này đã được triển khai ở một số mạng di động trên thế giới và đã khá thành công. Ngoài ra, chúng tôi còn có mô hình kinh doanh cho những nhà khai thác chỉ phải đầu tư mạng lõi, nhưng mua lưu lượng vô tuyến của một nhà khai thác khác và bán lại cho người tiêu dùng. Hiện mô hình kinh doanh này đang được triển khai ở một số nước khác trên thế giới khá thành công. Chúng tôi đã có công nghệ tốt, giải pháp tốt, sản phẩm tốt nên chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội khi các nhà khai thác di động Việt Nam tiến lên 3G.
Cảm ơn ông!
(Theo ICTNews)
Bình luận