LTE là công nghệ tuyệt vời, nhưng nó lại có một gót chân Asin: không có sẵn giải pháp thoại nào khi mạng được triển khai. Đã có khá nhiều phương án được đặt ra, như IMS, Voice Call Continuity, CS Fallback... Có vẻ các nhà cung cấp dịch vụ đều không hài lòng, và mới đây thì GAN được xem là lựa chọn tốt nhất.

Trước tiên, hãy nói về IMS (phân hệ đa phương tiện IP) được giới thiệu từ Rel 5, nhưng cho đến nay vẫn chưa thu được kết quả đáng kể nào. Một vài nhà mạng đang thử triển khai giải pháp IMS, nhưng thực tế họ không thu được kết quả mong muốn.

Nếu có IMS, thì vấn đề thoại trên LTE sẽ không còn nữa. Chẳng hạn chúng ta có thể dùng VCC. Đã có một số đặc tả trên Dịch vụ trung tâm IMS (ICS) và VCC để giải quyết vấn đề này.

Do IMS chưa sẵn sàng, giải pháp thay thế đầu tiên là CSFB (Circuit Switched Fallback). Theo sơ đồ của MSC ở trên, người dùng sẽ gắn kết với mạng LTE. MSC có thể gửi Paging đến người dùng, và nếu họ chấp nhận cuộc thoại, họ sẽ được chuyển giao sang mạng 2G/3G. Vấn đề lớn nhất của giải pháp này là thời gian kết nối bị trì hoãn, và các dịch vụ PS có thể bị ngắt.

Giải pháp khác, luôn thực hiện được, là dùng các công nghệ độc quyền, như Skype, trên các dịch vụ dữ liệu.

Tuy nhiên, tác giả bài này muốn đề cập đến GAN (Generic Access Network), tương tự giải pháp dùng trên Femtocell. Tại hội nghị thượng đỉnh thế giới LTE vào cuối tháng trước tại Luân Đôn, Motorola và China Mobile đều tuyên bố rằng họ đang xem xét GAN trên LTE như là một giải pháp dài hạn.

Hiện tại, GAN đã được triển khai trên một số điện thoại 2G/Wi-Fi để thực hiện các cuộc thoại trên Wi-Fi tại nhà. Về cơ bản, nó tạo một đường hầm IP được mã hoá giữa điện thoại và bộ điều khiển GAN (GANC) phía mạng lõi của nhà cung cấp dịch vụ, và chuyển mọi tín hiệu báo hiệu và dữ liệu thoại theo đường hầm này đến MSC. GANC có thể thực hiện việc chuyển giao giữa mạng Wi-Fi và GSM, vì ở phía mạng lõi của nhà cung cấp dịch vụ, họ không thấy được mạng truy cập.

Giải pháp mà Motorola đề xuất tại hội nghị là GAN sẽ làm tương tự với LTE. Đường hầm IP vẫn giữ nguyên, và các chức năng chính của GANC cũng không bận tâm ở phía người dùng là Wi-Fi hay LTE.

Ưu điểm của cách tiếp cận này cho với giải pháp MSC cải tiến (eMSC), vốn dĩ chưa được nghiên cứu thoả đáng, là không cần phải thay đổi cơ sở hạ tầng mạng chuyển mạch. Cho dù đối với eMSC, sự thay đổi là rất nhỏ so với IMS và VCC, nhưng chúng vẫn cần được chuẩn hoá. Trong khi với GAN, chúng ta chỉ cần thay đổi ở thiết bị di động và ở GANC, nên không cần chờ đợi 3GPP chuẩn hoá.

Nếu xét trên quan điểm thiết kế, thì eMSC tốt, “đẹp” và tự nhiên hơn. Nhưng ở khía cạnh thực tiễn, “đẹp” không phải lúc nào cũng là người chiến thắng, nhất là khi nó phức tạp và cần nhiều thời gian để chuẩn hoá.

Hải Nam (tổng hợp từ WirelessMoves3G4G)




Bình luận

  • TTCN (0)