Hàng hóa đầy siêu thị nhưng vắng bóng người mua - Ảnh: Baidu.

Khủng hoảng tài chính toàn cầu mặc dù chưa ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người dân Trung Quốc (TQ), nhưng cư dân mạng TQ đã sớm nhận thức được hậu quả: hàng loạt sáng kiến như phong trào sống tiết kiệm 100 NDT (khoảng 250.000 đồng)/tuần, lập sổ thu chi trên mạng... đang xuất hiện ở TQ.

Kế hoạch chi tiêu 100 NDT/tuần do cư dân mạng có nick “Ngô phiền muộn” phát động cho giới nhân viên văn phòng vào tháng sáu năm nay, ban đầu là do anh cần dành tiền để đóng tiền nhà trả góp, nhưng không ngờ kế hoạch nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của nhiều cư dân mạng TQ.

Vượt qua hay thất bại?

Theo kế hoạch, các khoản ăn uống, giao thông, giải trí, mua sắm, thể thao, sức khỏe từ thứ hai đến thứ sáu phải khống chế trong vòng 100 NDT, người tham gia phải công khai chi tiêu hằng ngày trên mạng. Lần thử thách đầu tiên chỉ có năm người tham dự, kết quả có bốn người vượt qua thử thách, một người thất bại.

Sau hơn mấy tháng phát động, kế hoạch 100 NDT/tuần đang được nhiều cư dân mạng hưởng ứng. Không ít gặp... thất bại, như ông Kiều chủ doanh nghiệp “bội chi” tới 176 NDT/ tuần, nhưng ông không buồn mà cảm thấy rất hãnh diện vì trước đây mỗi tuần ông chi ít nhất khoảng 500 NDT, nay có thể giảm xuống chưa đến 200 NDT đã là một thành công lớn. Còn nick Jiaguaiguai cho rằng: “Tôi tham gia kế hoạch 100 NDT/tuần không chỉ vì tiết kiệm, mà đang muốn xem khả năng tiết kiệm của con người đến đâu. Sống trong thời bình, không chiến tranh, đói nghèo, mọi người hầu như đều quên đi truyền thống tiết kiệm của cha ông. Cuộc sống đô thị ngày càng tất bật, nhưng chúng ta không nên quên đi niềm vui trong sự đau khổ ”. Hay như Chu cho rằng kết quả không quan trọng mà là học cách vượt qua thử thách, thay đổi quan niệm tiêu dùng.

Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn nhiều người cho rằng 100 NDT/tuần là quá ít, không đủ để ăn một bữa cơm ở tiệm hay mua một món đồ dùng, và e rằng việc tiết kiệm ăn uống sau này sẽ mang tác dụng ngược, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Lập sổ chi tiêu điện tử

Kế hoạch chi tiêu 100 NDT/tuần

Buổi sáng mì gói 1,5NDT, buổi trưa một quả táo 0,8NDT, tối bánh bao, táo 2,1NDT, tổng cộng 4,4NDT/ngày (nick Thủy Linh). Nhịn ăn sáng, đi xe buýt 4NDT, buổi trưa ăn cơm 8NDT, trái cây 4NDT, tối ăn cơm thừa, tổng cộng 16NDT/ngày (nick Tiểu Mai). đi xe buýt 4 NDT, buổi sáng 5NDT, buổi trưa và tối ăn ở căngtin cơ quan 6 NDT, tổng cộng 15NDT/ngày, mỗi tuần là 74NDT, thêm 20NDT mua trái cây là 94NDT/tuần (nick bobofu).

Đó là chi tiêu hằng ngày của một số cư dân mạng tham gia kế hoạch tiết kiệm 100NDT/tuần được công khai trên mạng.

Lớp trẻ TQ ngày nay thường không có thói quen lập sổ chi tiêu, hoặc chỉ thỉnh thoảng lập sổ khi nhớ. “Kiếm tiền khó, tiêu tiền dễ; chưa hết tháng đã cháy túi mà không biết đã tiêu vào đâu”, đó luôn là cảm giác chung của nhiều bạn trẻ mới ra trường. Sự ra đời của hàng chục trang web quản lý tài chính cá nhân, sổ chi tiêu điện tử tiện dụng ngay trong thời kỳ khủng hoảng đã thu hút được sự hưởng ứng của nhiều cư dân mạng, hội viên chỉ cần ghi lại các khoản thu chi hằng ngày, mỗi cuối tháng có bảng tổng kết thu chi và đưa ra những lời khuyên hợp lý khi bạn vung tay quá trán... “Tiết kiệm đang là mốt!”, đó là đánh giá của cô Mạnh 28 tuổi, nhân viên văn phòng công ty nước ngoài, với thu nhập 5.000 NDT/ tháng, có chồng thu nhập hơn chục ngàn NDT/tháng. Cô nói thời kỳ khủng hoảng tài chính giúp cô học được cách tiết kiệm khi mua sắm, chỉ mua khi thật sự cần thiết, còn không đợi giảm giá khuyến mãi mới mua. Còn anh Vương cho biết lâu nay không lập sổ chi tiêu, bây giờ lập sổ mới phát hiện mình chi xài nhiều khoản không cần thiết, như mua quần jean hết 500 NDT/quần, đi taxi 200 NDT/tuần...

Theo thống kê trên mạng quản lý tài chính Coko365.com, số hội viên đăng ký ngày càng nhiều, có hôm hơn 2.000 người, đến nay họ đã có 25.000 hội viên, đều là những người có thu nhập cao, nhưng nay đã biết tiêu tiền vào những thứ cần thiết. Nếu trước đây phần lớn là các bà nội trợ, nay đối tượng sinh viên mới tốt nghiệp ngày càng nhiều, trong đó nam nhiều hơn nữ. Hội viên lập sổ đầy đủ và chi tiết hơn trước, và đang dần hình thành thói quen làm sổ trước khi ngủ.

Phong trào tiết kiệm đang lan rộng trong cộng đồng mạng TQ, cư dân mạng đua nhau giới thiệu những cách tiết kiệm như tự nấu nướng thay cho đi nhà hàng, mua hàng giảm giá, lập sổ chi tiêu, mỗi tháng trích một ít để gửi tiết kiệm. Nhiều nhân viên văn phòng chọn cách mang cơm hộp đi làm thay vì đi ăn ngoài, đi xe đạp, xe máy thay xe hơi; làm thẻ hội viên của các siêu thị, tiệm uốn tóc, nhà sách; thu thập thông tin khuyến mãi giảm giá của các khu thương mại, tổ chức mua sắm chung với bạn bè, hàng xóm; kiếm chỗ giải trí tiết kiệm, ví dụ thay vì đi phòng tập thể thao, có thể đi tập ở khu sân chung trước chung cư; chọn giờ ưu đãi để xem phim...

(Theo QQ, báo Đô Thị Phương Nam/Sina)



Bình luận

  • TTCN (4)
Quang Trung  22192

Mình mà phát động phong trào tiết kiệm thì bao nhiêu tiền một tuần là vừa nhỉ? Thinking

Hải Nam  30903

Tiền nó chỉ chuyển từ túi này sang túi khác thôi mà, tiết kiệm làm chi.

Quang Trung  22192

"Tiết kiệm là quốc sách"
Chứng tỏ người Việt ko lo cho đất nước bằng người TQ roài...

Hải Nam  30903

Quan trọng là tiết kiệm như thế nào. Nấu một nồi bún vịt ăn không hết, đổ đi, gọi là không tiết kiệm. Mua ổ bánh mì 3.000, ăn nửa ổ rồi vứt, cũng là không tiết kiệm. Nhưng mua cái bánh bao 10.000 mà ăn hết thì vẫn là tiết kiệm thôi. Lương 1 tháng 5 triệu, mỗi bữa ăn 1 ổ bánh mì 3000, còn lại đi gửi tiết kiệm, thì đúng hay sai?

Bật máy tính mà không làm gì là lãng phí. Nhưng bật máy tính để chơi game thì không gọi là lãng phí được (có thể lãng phí "chất xám" nếu chơi quá mức).