Năm 2008 hẳn là một năm bận rộn của gã khổng lồ phần mềm, với nỗ lực mua lại Yahoo-- thương vụ được coi là lớn nhất thế giới công nghệ nhưng không thành, thất bại của hệ điều hành Windows Vista, và cả lời tạm biệt đáng nhớ của người sáng lập Bill Gates. Sau đây là 10 sự kiện lớn của Microsoft trong năm 2008.

1. Thất bại của chiến dịch quảng cáo Vista Capable

Vista Capable là chiến dịch quảng cáo về hệ điều hành Vista, được bắt đầu từ một năm trước khi hệ điều hành này ra mắt. Từ đó, Microsoft từng bị kiện vì đã đưa ra những thông tin sai lệch về hệ điều hành này để đánh lừa người tiêu dùng. Tất nhiên là gã khổng lồ phần mềm muốn câu chuyện này kết thúc càng sớm càng tốt, tuy nhiên, vấn đề ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Vào tháng 11, giám đốc điều hành của hãng là Steve Ballmer đã phải ra tòa điều trần vì những cáo buộc cho rằng hãng này đã quảng cáo sai trong chiến dịch marketing Windows Vista Capable. Microsoft đã cố không để Ballmer dính dáng tới vụ kiện này nhưng không thành. Microsoft từng tuyên bố rằng ông Ballmer không biết gì về chương trình Vista Capable, mà thay vào đó là đồng chủ tịch Jim Allchin và phó chủ tịch cao cấp Will Poole.

Làn sóng phản đối Vista đang dần lắng xuống từ khi Microsoft bắt đầu hé lộ thông tin về hệ điều hành kế nhiệm-- Windows 7. Nhưng trường hợp của Vista Capable sẽ còn được nhắc đến nhiều vào năm 2009.

2. Lấy lại hình ảnh cho Vista với Mojave Experiment

Microsoft đã tốn khá nhiều công sức trong năm 2008 để nhấn mạnh rằng Windows Vista Service Pack 1 giải quyết tất cả những vấn đề mà Vista từng mang đến cho người dùng, và những ác cảm dành cho Vista sau đó chỉ còn là theo quán tính, ngay cả khi họ chưa từng sử dụng hệ điều hành này.

Vào tháng 7, Microsoft tung ra một chiến dịch nhằn lấy lại hình ảnh cho Vista có tên Mojave Experiment. Những người hiện đang sử dụng Windows XP và có quan niệm xấu về Vista sẽ được tiếp cận một hệ điều hành mới của Microsoft có tên Mojave. Những người này sau đó được hỏi về cảm nhận của mình, và hầu hết trong số họ đều cảm thấy hài lòng. Những người này sau đó được cho biết đó thực sự chính là hệ điều hành Windows Vista.

3. Bill Gates chia tay Microsoft

Sau 33 năm khởi tạo và miệt mài làm việc tại Microsoft, Bill Gates đã chính thức "nghỉ việc" tại Microsoft vào ngày 27 tháng 6. Từ đó trở đi, ông sẽ chỉ còn dành 20% thời gian làm việc của mình cho các dự án của Microsoft, 80% còn lại được dành cho các hoạt động từ thiện.

Để chia ta đồng nghiệp và cả thế giới công nghệ nói chung, tác phẩm video hài hước 'Last Day At Work' của Bill Gates được ra đời và trình chiếu lần đầu tiên tại CES 2008.

4. Microsoft - Yahoo

Cho những ai không còn nhớ rõ lắm, vào tháng 2, Microsoft đã ngỏ lời mua lại Yahoo với giá 44,6 tỉ USD. Ngay sau đó, ban giám đốc Yahoo đã thẳng thừng từ chối lời đề nghị này với lí do được "trả giá quá thấp". Từ đó, thương vụ Microsoft-Yahoo trở thành đề tài nòng hổi trên các mặt báo trong nhiều tháng sau đó, với rất nhiều ý kiến bình luận, đánh giá cũng như không ít tin đồn. Gần đây nhất là tin đồn Microsoft muốn mua lại bộ phận tìm kiếm của Yahoo với giá 20 tỉ USD, khi mà giá trị của Yahoo được ước tính chỉ còn 16 tỉ USD.

Sau thương vụ này, giám đốc điều hành Yahoo là Jerry Yang tuyên bố sẽ rút lui khi tìm được người kế nhiệm.  Microsoft cũng không phải tay vừa khi rút dần nhân tài của Yahoo sang làm việc cho mình.

5. Microsoft ấn định giá thành của các dịch vụ trực tuyến

Tại hội thảo Worldwide Partner Conference hồi tháng 7, Microsoft ấn định giá thành của các dịch vụ trực tuyến của họ, cho phép các nhà phân phối dịch vụ kinh doanh trên các phiên bản trực tuyến của Exchange, SharePoint, Office Communications Server, và Office LiveMeeting. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ và giải pháp kinh doanh cho rằng giá thành này quá thấp, trong khi đó một số cho rằng Microsoft can thiệp quá sâu vào công việc kinh doanh của họ. Stephen Elop, chủ tịch Microsoft Business Division, thuyết phục các đối tác rằng hãy hướng đến lợi ích lâu dài và những dịch vụ này là tương lai chung của Microsoft cũng như của các đối tác.

6. Công bố Windows Server 2008 và Hyper-V

Windows Server 2008 vốn đã được trông đợi khá lâu và đã được giới thiệu tới người dùng vào tháng 2 năm 2008 với những tính năng mới hỗ trợ ảo hoá, bảo mật và hiệu suất hoạt động, nhưng cũng đồng thời thúc đẩy cuộc đua giữa các nhà cung cấp về các sản phẩm tương thích hỗ trợ sao lưu và khôi phục dữ liệu. Windows Server đã được cộng đồng người dùng hết lời khen ngợi cho tính năng và độ tin cậy. Điều này thật mỉa mai khi thái độ của người dùng về Windows Vista lại hoàn toàn trái ngược, trong khi hai hệ điều hành này có cùng chung lõi.

Phần mềm siêu ảo hoá của Microsoft, Hyper-V, tạo ra sự cạnh tranh trong thị trường do cách tiếp cận mở của nó (đối lập với phần mềm mang tính độc quyền VMware). Khi người dùng tiếp tục chuyển sang ứng dụng ảo hoá trong kinh doanh, Symantec tin rằng họ sẽ khám phá ra rằng những phương thức tiếp cận truyền thống (như của VMware) sẽ hạn chế khả năng tối đa hoá các tài sản và hưởng lợi từ việc ảo hoá máy chủ.

7. Quyền hạ cấp từ Vista xuống XP

Microsoft không rút lại quyết định ngưng bán Windows XP vào ngày 30 tháng 6, nhưng các nhà sản xuất máy tính có thể để người dùng chọn lựa việc hạ cấp hệ điều hành từ Vista xuống XP. Với quyền hạ cấp này, những ai mua Windows Vista Business và Vista Ultimate cũng như mua license với số lượng lớn có thể hạ cấp xuống XP và sau đó trở lại Vista bất cứ khi nào họ muốn.

Dell, Hewlett Packard và nhiều hãng máy tính khác đều ủng hộ quyền hạ cấp này để làm người dùng hài lòng. Thực ra quyền hạ cấp đã có từ năm 2001, nhưng mãi đến năm 2008 nó mới được chú ý do ngày kết thúc của XP đã đến.

8. Sự thăng hoa của Windows 7

Microsoft thường có truyền thống công bố sớm các thiết kế về sản phẩm của mình để nhận những lời nhận xét phản hồi. Nhất là sau khi rút kinh nghiệm "xương máu" về Windows Vista, Microsoft càng rộng mở hơn trong việc công bố chi tiết hệ điều hành thế hệ tiếp theo của mình.

Vào tháng 11, tại hội thảo Windows Hardware Engineering Conference, phó chủ tịch Windows and Windows Live Engineering Group công bố rằng Windows 7 sẽ là hệ điều hành hướng người dùng nhất và giải quyết dứt điểm vấn đề tương thích thiết bị. Có vẻ như bài học Vista đã ngấm rất sâu vào mỗi thành viên Microsoft.

9. Windows Azure

Vào tháng 10, tại hội nghị các nhà phát triển Professional Developers Conference, kĩ sư trưởng của Microsoft là Ray Ozzie đã công bố Windows Azure-- một nền tảng mới cho các ứng dụng của "điện toán đám mây". Ozzie mô tả Azure như một hệ điều hành Windows trên Web, và Microsoft lên kế hoạt chuyển toàn bộ các sản phẩm của hãng vào "đám mây" này.

Windows Azure được trông đợi rất nhiều, và nó cũng chứng tỏ Microsoft muốn xóa bỏ quan điểm rằng Windows chỉ giới hạn trên các máy tính cá nhân. 

10. Gia hạn Windows XP cho Netbook

Giống như nhiều công ty IT khác, Microsoft nhanh chóng nhận ra tầm quan trọng của netbook trên thị trường máy tính cá nhân và không muốn để mất cơ hội vào tay các hệ điều hành Linux. Gã khổng lồ phần mềm quyết định gia hạn Windows XP riêng đối với netbook cho đến tận 30/6/2010.

Quang Trung (theo ChannelWeb)



Bình luận

  • TTCN (1)
Hải Nam  30903

Sự kiện 3 và 4 lẽ ra phải đứng đầu. Nhất là việc Bill chia tay Microsoft.

Thiếu một sự kiện khá quan trọng, là Microsoft đã nhen nhún bước những bước đầu tiên trong lĩnh vực mã nguồn mở (Microsoft Web Platform và một nền tảng blog khác).