Có nhiều thay đổi trong bảng xếp hạng chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT–TT Việt Nam (Vietnam ICT Index) năm 2007, do Hội Tin Học Việt Nam công bố ngày 17/12/2008.

Các bộ ngành

Ở khối các bộ, cơ quan ngang bộ (gọi chung là các bộ), sự xáo trộn xảy ra khá rõ rệt. Trong top 10 của năm 2006, chi còn 4 bộ trụ lại ở top 10 năm 2007. Ngoài bộ GDĐT vẫn chiếm giữ vị trí số 1, các bộ khác trong top 5 năm 2006 đều bị tụt hạng khá nhiều trong năm 2007. Bộ TTTT từ vị trí thứ 4 lùi xuống thứ 9. Bộ Tài Chính từ vị trí thứ 2 rớt xuống thứ 10. Ngược lại, bộ NN&PTNT từ thứ 10 vọt lên chiếm vị trí thứ 2. Bộ Tư Pháp tiến 10 bậc lên vị trí thứ 3.

Bộ Xây Dựng năm 2006 xếp thứ 28, năm 2007 vọt lên vị trí thứ 5, tăng 23 bậc. Bộ Ngoại Giao cũng tăng 23 bậc từ vị trí thứ 30 lên thứ 7. Đây là 2 bộ tăng hạng nhiều nhất.

Theo ông Lê Hồng Hà, phó chủ tịch hội Tin Học Việt Nam (VAIP), nguyên nhân của sự thay đổi này có thể là do trong năm 2007, một số bộ đã sáp nhập với các bộ khác (hoặc tiếp nhận các bộ phận từ các các bộ khác), nên chưa kịp tập hợp cơ sở dữ liệu chung, thậm chí có thể còn bị mất dữ liệu. Mặt khác, khi 2 cơ quan có sự chênh lệch lớn về đầu tư và ứng dụng CNTT sáp nhập với nhau thì các chỉ số chung sẽ phải san sẻ cho nhau và nằm ở mức giữa. Vì lẽ đó, ông Hà cho rằng sự tăng hay giảm thứ hạng năm 2007 các bộ chưa hẳn đã là do sự tiến bộ hay thụt lùi về mức độ sẵn sàng cho ứng dụng CNTT.

Các tỉnh thành

Ở khối các tỉnh/thành, 5 vị trí đầu tiên vẫn thuộc về những tỉnh thành nằm trong top 5 của xếp hạng năm 2006, chỉ có vị trí của từng tỉnh thành trong đó là thay đổi. Hà Nội từ thứ 2 đã vươn lên thứ nhất. Đà Nẵng từ thứ 5 lên thứ 2. TP.HCM đứng đầu năm 2006, đã tụt 2 bậc xuống thứ 3. Bình Dương và Thừa Thiên – Huế xếp thứ 4 và 5, cùng tụt 1 bậc so với năm 2006.

Có 7 tỉnh/thành trong top 10 của năm 2006 trụ lại trong top 10 của 2007, cho thấy xếp hạng của khối này ít biến động hơn so với khối bộ/ngành. Tuy nhiên, cũng có những vị trí thay đổi khá mạnh. Đáng chú ý là Đồng Tháp tăng 40 bậc lên vị trí thứ 8, Hà Giang tăng 38 bậc, Tiền Giang tăng 36 bậc, An Giang, Yên Bái tăng 25 bậc. Ngược lại, Phú Yên  giảm 37 bậc, Kon Tum giảm 34 bậc, Hưng Yên, Quảng Trị giảm 22 bậc.

Đây là báo cáo cho năm 2007 nên các chỉ số của Hà Nội chưa bao gồm Hà Tây cũ. Việc Hà Tây sát nhập vào Hà Nội có thể sẽ ảnh hưởng đến vị trí của Hà Nội trong bảng xếp hạng năm 2008.

Các doanh nghiệp

Đối với các ngân hàng thương mại (NHTM), trong hệ thống các chỉ tiêu năm 2006 có bổ sung một số chỉ tiêu phản ánh đặc thù ứng dụng CNTT trong lĩnh vực ngân hàng như tỷ lệ tiền giao dịch qua ATM/tổng số tiền giao dịch, tỷ lệ thẻ tín dụng/tổng số tài khoản cá nhân mở tại NH.

Trong top 10 của 2007 chỉ có 4 NH nằm trong top 10 của 2006. Còn lại là 4 NH nằm ngoài top 10 của 2006 lọt vào và 2 NH mới tham gia lần đầu. Cả 4 NHTM quốc doanh đều nằm trong top 5 của 2007. Tuy nhiên vị trí số 1 lại thuộc về một NHTM cổ phần ngoài quốc doanh ở Đồng bằng sông Cửu Long – NHTM cổ phần Miền Tây. Ngân hàng này năm 2006 được xếp ở vị trí số 5. Sự tăng – giảm ở khối các NHTM không nhiều.

Năm 2007 chỉ có 32 tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn nộp báo cáo, ít hơn 4 đơn vị so với năm trước. Có đến 5 vị trí trong top 10 của năm 2007 là các DN mới tham gia lần đầu. Trong số các DN thuộc top 10 năm 2006, chỉ có tổng công ty (TCTy) Thép VN và TCTy thương mại HN trụ lại trong top 10 của năm 2007, trong đó tổng công ty Thép tiến từ vị trí thứ 2 lên thứ 1.

Theo ông Lê Hồng Hà, vì đã là năm thứ 3 tổ chức thu thập số liệu, nên phần lớn các đơn vị đều cung cấp đầy đủ số liệu theo yêu cầu, do đó chất lượng của báo cáo cũng như tính pháp lý của số liệu được nâng cao hơn.

(Theo PCworld)



Bình luận

  • TTCN (0)