Hiện nay, việc đưa hình ảnh, thông tin cá nhân lên blog mà không xin phép rất phổ biến - Ảnh minh họa: HTD

Hiện nay rất nhiều blog có số lượt truy cập cao hơn một tờ báo đã trở thành điểm nhắm đến của các doanh nghiệp trong việc PR cho các sản phẩm hàng hóa. Vấn đề đặt ra là với những blog thường được trả tiền “thuê mặt bằng” hoặc “thuê quảng cáo” thì việc xâm phạm bản quyền của các entry do blogger thực hiện có được pháp luật bảo vệ?

Ngoài ra, việc đưa thông tin, hình ảnh của cá nhân lên blog mà không xin phép - điều rất phổ biến trong giới blogger hiện nay có bị coi là vi phạm pháp luật không?...

Blog cũng có “thương hiệu”

Theo quy định mới tại Thông tư 07 về quản lý blog vừa được ban hành, một trong năm điều cấm đối với blogger là: Cấm cung cấp thông tin trên trang điện tử cá nhân mà vi phạm quy định về sở hữu trí tuệ, giao dịch thương mại điện tử và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Blogger Mr Joe, một trong những blog có page view cao nhất hiện nay (tám triệu lượt truy cập) cho rằng quy định cấm vi phạm sở hữu trí tuệ là cần thiết nhưng ”điều quan trọng là có quản lý được không” - Joe băn khoăn ?

Nhà báo Hương Trà, chủ nhân của blogger Cô gái Đồ Long nêu ý kiến: Lâu nay, các báo mạng lấy lại thông tin, hình ảnh trên blog khá nhiều, coi đó như một kênh thông tin rất quan trọng và dễ khai thác.

Theo luật sư Phạm Thành Long, Công ty luật Gia Phạm, việc quy định rõ, cấm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được hiểu là việc nhà quản lý đã có thái độ “áp đặt” việc cấm vi phạm bản quyền trong môi trường mạng. Dù chỉ là blog cá nhân cũng phải đảm bảo các vấn đề về bản quyền tác giả. Luật sư Trần Duy Cảnh, Công ty Luật hợp danh Luật Việt bổ sung: Hiện nay một số bài viết trên blog của nhiều cá nhân - trong đó có nhà báo được các báo “mua” và trả nhuận bút khá cao. Điều này có thể xem như blog được khai thác thương mại bằng “thương hiệu” của chủ blog và giá trị nội dung của từng entry. Vậy việc người khác sử dụng lại, copy lại entry cũng được xem là làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường “tác phẩm” của blogger. Do đó, “blogger hoàn toàn có thể kiện đòi bồi thường và tiền bản quyền đối với entry của mình đã bị blogger khác sử dụng mà không xin phép”.

Không thể tự tiện đưa hình ảnh

Một khía cạnh khác, thông tư cũng quy định cấm sử dụng thông tin, hình ảnh của cá nhân mà vi phạm các quy định tại Điều 31 và 38 Bộ luật Dân sự (về quyền của cá nhân đối với hình ảnh: “Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý“ và quyền bí mật đời tư của cá nhân: “Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý” - PV).

Năm 2007, vụ kiện Trà - Chanh do một ca sĩ kiện chủ nhân blog Cô gái Đồ Long khi cho rằng blog này có một bài viết xâm phạm đời tư, hạ thấp danh dự, uy tín và “thương hiệu” của mình, đã đặt ra câu hỏi; blogger được quyền thông tin và đưa hình ảnh người khác lên blog của mình đến đâu?

Theo luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn luật sư TP.HCM, nếu việc sử dụng thông tin và hình ảnh cá nhân như một sự kiện báo chí thì không phải xin phép. Ví dụ, sử dụng thông tin về những sự kiện lớn, thông tin công khai, ai cũng biết. “Chẳng hạn, cùng là sự kiện ăn mừng chiến thắng Việt Nam vô địch giải bóng đá Đông Nam Á, nếu người hâm mộ “cởi áo” giữa chỗ đông người thì blogger có thể đưa thông tin công khai, giống như quyền thác giống như một sự kiện báo chí. Nhưng việc người hâm mộ ăn mừng và “cởi áo” tại gia đình mà blogger chụp lén, đưa lên blog không xin phép sẽ bị coi là xâm phạm đời tư” - luật sư Hòa lưu ý.

Chiều nay (30-12), Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ họp báo giới thiệu nội dung Thông tư 07 nói trên. Thông tư này vẫn còn một số điều làm blogger băn khoăn:

Làm thế nào để truy ra chủ thể của blog là ai, làm thế nào xác định được blog bị ai mạo danh, khi blogger cố tình giấu mặt?

Làm thế nào để blogger chia sẻ và tiếp nhận thông tin phản hồi từ cộng đồng mạng mà không sợ bị vi phạm quy định “cấm đặt đường liên kết trực tiếp những thông tin vi phạm quy định tại Điều 6, Nghị định 97/2008 (lợi dụng Internet để thông tin xuyên tạc, làm lộ bí mật nhà nước, tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy, dâm ô, quảng cáo mua bán, tuyên truyền hàng cấm...). Phải chăng quy định này hạn chế quyền “giao lưu” trên mạng của blogger vì blogger không thể phân biệt được blog nào có nội dung phạm vào các điều cấm?

Blogger bị đánh cắp mật khẩu thì hoàn toàn chịu trách nhiệm?

(Theo Pháp Luật TP HCM)



Bình luận

  • TTCN (0)