Nikon vươn lên mạnh mẽ khi giới thiệu D700 và "siêu máy ảnh" D3x. Sony tạo ra thế chân vạc bằng việc trình làng Alpha A900, trong khi ông lớn Canon vẫn biết cách thu hút sự chú ý với EOS 5D Mark II có khả năng quay video Full HD.
Cách đây hơn một năm, trước khi Nikon D3 xuất hiện, Canon là hãng duy nhất trên thị trường sản xuất và kinh doanh loại máy ảnh số ống kính rời sử dụng cảm biến full-frame. Nhờ đó, hãng máy ảnh hàng đầu Nhật Bản dễ dàng chiếm trọn cảm tình của giới thợ ảnh chuyên nghiệp trong một thời gian dài, khi ngành nhiếp ảnh thế giới chuyển mình sang kỷ nguyên kỹ thuật số.
Tuy nhiên, sau khi thế độc tôn của Canon bị phá vỡ bởi sự xuất hiện của Nikon D3, phân khúc sản phẩm cao cấp trên thị trường máy ảnh thế giới đang sôi động hơn lúc nào hết. Năm 2008 vừa qua, người ta chứng kiến sự đổ bộ ồ ạt của một loạt model được trang bị loại cảm biến ảnh cỡ lớn này. Thế chân vạc được thiết lập với sự tham gia của người mới Sony. Đây có thể xem là năm bản lề, mở ra một giai đoạn mới được dự báo là sôi động và nhiều tính cạnh tranh hơn trong phân khúc máy ảnh full-frame.
Mở đầu năm 2008, Sony lớn tiếng tuyên bố sẽ trình làng một mẫu máy ảnh DSLR cao cấp được tích hợp cảm biến full-frame có độ phân giải 24,6 Megapixel vào cuối năm, hứa hẹn một năm không bình yên đối với phân khúc thị trường này. Giữ đúng lời hứa, trước khi triển lãm nhiếp ảnh Photokina khai mạc vài tuần, Alpha A900 đã chính thức ra mắt. Không chỉ là model full-frame đầu tiên của Sony, đây cũng là mẫu máy có độ phân giải cao nhất trên thị trường.
Sự xuất hiện của Sony Alpha A900 có ý nghĩa vô cùng to lớn. Không chỉ phá vỡ sự thống trị của hai ông lớn Nikon và Canon trong phân khúc sản phẩm cao cấp, mà nếu thành công, rất có thể chiếc máy ảnh giá 3.000 USD này sẽ thôi thúc những đối thủ khác tham gia vào cuộc đua. Hiện Samsung đã chính thức đánh tiếng sẽ phát triển DSLR full-frame. Ngoài ra, còn có rất nhiều hãng máy ảnh kỳ cựu như Pentax, Olympus, Fujifilm đang đứng ngoài cuộc chơi. Nếu có động lực thúc đẩy, không ai dám chắc những ông lớn này sẽ tiếp tục kiên nhẫn đứng nhìn các đối thủ làm mưa làm gió.
Tuy nhiên, trước khi Sony Alpha A900 xuất hiện, Nikon đã kịp tung ra thị trường mẫu DSLR full-frame thứ hai của mình mang tên D700, thuộc tầm thấp hơn D3, có sứ mệnh cạnh tranh thị phần với Canon EOS 5D. Như vậy, chỉ sau chưa đầy một năm chính thức tham gia thị trường máy ảnh full-frame, Nikon đã có đủ sản phẩm ở cả hai phân khúc cao cấp và trung cấp để cạnh tranh sòng phẳng với Canon.
Đến cuối năm, hãng này tiếp tục thể hiện nỗ lực dấn sâu hơn vào cuộc chơi bằng việc trình làng "siêu máy ảnh" Nikon D3x. Mẫu máy có giá bán lên tới 8.000 USD này được xem là đối trọng xứng tầm của dòng máy ảnh cao cấp 1D của Canon, với cảm biến có độ phân giải 24,5 Megapixel, màn hình LCD Live View rộng 3 inch, độ phân giải 920.000 điểm ảnh, hệ thống lấy nét tự động tại 51 điểm và bộ xử lý ảnh EXPEED tốc độ cao. Nikon D3x có tốc độ chụp liên tiếp lên tới 5 khung hình/giây.
Mặc dù vậy, trước khi Nikon D3x ra mắt, Canon EOS 5D Mark II mới chính là mẫu máy ảnh DSLR đáng chú ý nhất trên thị trường. Đây là chiếc máy ảnh số ống kính rời đầu tiên có khả năng quay video Full HD. Không những vậy, model này còn gây ấn tượng mạnh nhờ sở hữu thân hình nhỏ gọn nhưng được tích hợp những thông số kỹ thuật hết sức cao cấp.
Canon EOS 5D Mark II được trang bị cảm biến ảnh full-frame có độ phân giải 21,1 Megapixel, màn hình LCD Live View rộng 3 inch, độ phân giải 920.000 điểm ảnh, ISO tối đa 25.600 và bộ xử lý ảnh DIGIC IV. Với khả năng quay video Full HD, 5D Mark II được Canon trang bị cho cổng HDMI để kết nối với màn hình HDTV. Tốc độ chụp liên tiếp của mẫu máy này là 3,9 khung hình/giây. Giữa tháng 12 vừa qua, Canon EOS 5D Mark II đã chính thức được giới thiệu tại thị trường Việt Nam với giá bán lên tới 3.900 USD.
Với sự nở rộ của các mẫu DSLR full-frame trong năm 2008, kèm theo đó là rất nhiều tính năng, công nghệ mới được phát triển và tích hợp cho loại camera chuyên nghiệp này, những tín đồ của nghệ thuật nhiếp ảnh có thể chờ đợi một năm 2009 thậm chí còn sôi động hơn ở phía trước. Sẽ không chỉ còn là cuộc đua nhàm chán giữa hai cái tên quen thuộc Nikon và Canon, phân khúc cao cấp dành cho những mẫu máy ảnh full-frame hứa hẹn sẽ đón chào thêm nhiều gương mặt mới.
(Theo Số hoá)
Bình luận
Trước Nikon D3, ko phải Canon là hãng duy nhất sản xuất máy Full frame, mà còn có Kodak của Mỹ (sản xuất trước cả Canon).
Với thị trường DSLR thì năm 2008 đúng là năm của cảm biến Full-frame (lớn hơn gấp 2,5 lần cảm biến DSLR bình dân). Tuy nhiên vấn đỀ này chỉ dân pro hoặc mê nhiếp ảnh mới quan tâm.
Sony A900, Nikon D700, 5D Mark II đúng là tạo ra thế chân vạc về thân máy thật...Nhưng khi chọn 1 hãng, ống kính rất quan trọng (và giá có thể mắc hơn thân máy nhiều lần) nên Canon và Nikon vẫn hơn hẳn Sony.
Ngôi sao nổi bật nhất theo mình chính là 5D Mark II với khả năng quay video HD. Khả năng quay video Full HD của 5D2 ko đơn giản chỉ là độ phân giải (khối máy DC cũng quay Full HD), mà vấn đỀ chính là chất lượng và độ phân giải thật sự.