YouTube là một địa chỉ quen thuộc của bạn để xem những đoạn phim, video ngắn từ thể thao, ca nhạc đến… tất tần tật mọi thứ. Thế có bao giờ bạn theo học với “anh giáo sư” này chưa?
Với một chiếc máy tính nối mạng, vốn tiếng Anh tốt và nhu cầu về kiến thức, chúng ta có thể tham gia lớp học của các giáo sư ở những trường ĐH nổi tiếng như Stanford, MIT, Notre Dame ngay tại nhà mình.
“Du học” miễn phí
Trong chiếc quần kaki xám, áo thun đen, GS Mehran Sahami, ĐH Stanford (Mỹ), sôi nổi trao đổi về lập trình, phát triển phần mềm cũng như những thói quen tốt mà một lập trình viên cần phải có. Đây là chương trình giảng dạy chính thức của ĐH Stanford. Chúng tôi cũng tham gia lớp học của thầy khi đang ở… TP.HCM.
Giọng của GS Mehran Sahami khá ấm và ông trao đổi khá nhanh các nội dung đề cập. Với chất lượng hình ảnh và âm thanh cực tốt, chúng tôi có cảm giác mình đang ngồi học ở Stanford. Một số đoạn chúng tôi không hiểu kịp thì phần mô tả (transcript) kèm theo giúp chúng tôi hiểu thêm phần nào. Kết thúc giờ giảng, chúng tôi download các bài giảng, sách vở, bài tập ngoại khóa, bài về nhà như chính những bạn SV đang ngồi trong lớp học và kết thúc buổi chiều “du học” với hai chữ: “Tuyệt vời!”.
Gần một tháng qua, YouTube trở thành “anh giáo sư” hướng dẫn chúng tôi học về khoa học máy tính với các lớp học về kỹ năng lập trình, phát triển phần mềm, cấu trúc dữ liệu… qua chương trình Stanford Engineering Everywhere của ĐH Stanford. Chưa hết, với những lớp học trực quan trên YouTube chúng tôi cũng cập nhật kha khá kiến thức về vật lý hiện đại, hóa học, tham gia ba khóa học về trí tuệ nhân tạo, robot…
“Mình nghĩ học kiểu này là hiệu quả nhất trong các kiểu tự học, nhất là chương trình học giúp mình định hướng và tập trung, không bị sa đà vào những cái không cần thiết. Khi tự học một đề tài nào đó mình dễ bị rối, hay lan man, những “lớp học trực tuyến” này giúp mình tập trung hơn” - Ngọc Dương, SV ĐH Bách khoa, một fan của “món” du học miễn phí này, cho biết.
“Anh giáo sư” đa năng
3,4
triệu SV Mỹ đăng ký ít nhất một khóa học online, là con số của Tổ chức học tập trực tuyến Sloan Consortium thống kê. Ngoài Stanford ra, Học viện MIT cũng cung cấp miễn phí tất cả thông tin về các lớp học của họ trên Internet thông qua chương trình Open CourseWare, thu hút hơn 1 triệu lượt truy cập mỗi tháng.
Ra đời năm 2005, YouTube nhanh chóng trở thành địa chỉ quen thuộc của cư dân mạng, là nơi cung cấp hàng ngàn video clip mỗi ngày. Chính YouTube mở cửa cho xu hướng học miễn phí trực tuyến và “anh giáo sư” với tuổi đời rất trẻ này lại bao thầu rất nhiều nội dung. Từ khoa học máy tính, vật lý cho đến nấu ăn, ngoại ngữ. Với Thục Lan, SV ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM, YouTube là “người” dạy cho cô các món ăn châu Âu và bắt bông kem. Những lúc rảnh rỗi, chuẩn bị “đồ nghề” ra trước máy tính là Lan học và thực tập ngay. Sau gần sáu tháng theo “thầy luyện công”, trình độ ẩm thực của Lan từ mốc zero giờ đã đủ xài. “Còn gì sướng bằng khi được giáo sư của mấy trường lớn thế này giảng cho nghe. Rồi còn có bài tập về nhà, sách cần phải đọc hay những khuyến cáo về việc nên học gì tiếp theo... Quá đủ để học cho tốt”, Ngọc Dương chia sẻ. Không phải trả bất kỳ chi phí gì, một đường truyền Internet và vốn tiếng Anh tốt là quá đủ cho những lớp học trực tuyến này. Chưa kể học viên trực tuyến không cần phải bó buộc thời gian, họ có thể học bao nhiêu, bao lâu tùy thích. Sự liên kết của các trường ĐH lớn cùng với chia sẻ của cộng đồng, du học trực tuyến nhanh chóng phổ biến với giới trẻ thế giới. “Điểm khác biệt của những lớp học trực tuyến này là không có bằng cấp gì cả và phải thật sự tập trung” - Dương nhận xét.
Những giờ học trên mạng cũng giúp Dương biết thêm nhiều về giáo dục nước ngoài, “giờ mình mới biết mấy ông giáo sư Mỹ giảng bài cực kỳ hài hước, ngồi nghe mà cứ 5, 10 phút là cười rần rần như coi hài kịch. Những cách đề cập nhẹ nhàng, thoải mái vậy lại dễ tiếp thu vì ít bị áp lực tâm lý”, Dương nói. “Du học không tốn tiền, bọn mình vẫn hay gọi những giờ học trên mạng là như thế. Đấy cũng là một cách sử dụng máy tính và Internet hiệu quả nhất thay vì tốn hàng giờ ngồi chat linh tinh”, Thục Lan cho biết thêm.
Với YouTube, dường như việc học không bao giờ còn biên giới, cả về không gian và thời gian.
(Theo Tuổi trẻ online)
Bình luận