Trong tương lai, Ubuntu sẽ trở nên phổ biến không kém Windows

Ra đời từ 4 năm trước, Ubuntu giờ đây đã là một hệ điều hành mà nguồn mở có tốc độ tăng trưởng lớn nhất, đe dọa đến vị thế độc tôn của Windows.

Một ngày cuối tháng 12/2008 , trụ sở của Google tại Mountain View (bang California – Mĩ) đã được đón tiếp một đoàn khách rất lạ mặt, với những chiếc quần jean “bụi”, mái tóc dài được buộc túm theo kiểu đuôi ngựa và nhất là đôi mắt vằn đỏ vì thiếu ngủ …

Ngày hôm nay họ đến đây không phải để kiếm một chỗ làm tại Google mà là để cùng nhau vạch ra một phương án hữu hiệu nhất nhằm “lật đổ” hệ điều hành Windows – “con gà đẻ trứng vàng”, ngành kinh doanh trị giá tới 17 tỷ USD trong năm 2008 của gã khổng lồ Microsoft.

“Âm mưu”

Thực ra, những vị khách đó chính là những chuyên gia phần mềm và lập trình cao cấp đã từng làm việc với nhau suốt mấy năm qua. Họ quy tụ về trụ sở của Google để tham gia Hội nghị thượng đỉnh các nhà phát triển hệ điều hành mã nguồn mở Ubuntu.

Được ra đời từ 4 năm trước, Ubuntu giờ đây đã được cả thế giới công nghệ biết đến với danh tiếng của một hệ điều hành dựa trên nền tảng Linux thành công nhất và có tốc độ tăng trưởng lớn nhất. Với những người dùng cuối, cái mà họ nhớ nhất về Ubuntu có lẽ chính là giá bán của nó – một mức giá thấp kỷ lục: 0 USD. Và đây cũng chính là vũ khí đầu tiên mà các nhà phát triển sử dụng để đối đầu với Windows.

Thực tế đã cho thấy bước đi này là hoàn toàn đúng đắn bởi theo khảo sát của Công ty dữ liệu quốc tế - hãng nghiên cứu thị trường IDC, hiện nay Ubuntu đã thu hút được khoảng 10 triệu người dùng trên khắp thế giới nhưng điều quan trọng nhất là chàng David nhỏ bé này đã nhanh chóng trở thành kẻ đe dọa đến vị thế bá chủ của Windows trên thị trường các quốc gia phát triển.

Nhiều năm trước đây, thế giới công nghệ thông tin cũng đã hy vọng Linux sẽ “làm nên chuyện” trước Windows nhưng rồi nó đã thất bại. Nguyên nhân chủ yếu là Linux mới chỉ hiện diện trong một số ít máy chủ và bỏ quên người dùng đại chúng. “Ubuntu đã dựng lên một hình ảnh về chiếc desktop chạy Linux. Nếu có bất kỳ một hy vọng nào về sự thành công của hệ điều hành mã nguồn mở thì đó phải là Ubuntu”, Chris DiBona, giám đốc lập trình phần mềm mã nguồn mở của Google phát biểu.

Bắt đầu thành công

Ảnh
Các nhà phát triển hệ điều hành Ubuntu tại trụ sở của Google

Không chỉ hấp dẫn người dùng bởi việc được sử dụng miễn phí, hệ điều hành Ubuntu còn khiến những người lần đầu tiên sử dụng nó cảm thấy rất “quen thuộc” và yên tâm bởi nó khá giống với giao diện của Windows với những menu quen thuộc hay những phần mềm đi kèm như trình duyệt web, trình quản lý e-mail, phần mềm nhắn tin tức thời (IM), hay cả một bộ phần mềm xử lý văn bản… tất cả đều rất dễ sử dụng và có tính tương thích khá tốt.

Chính những yếu tố này đã khiến cho nhiều hãng công nghệ lớn cảm thấy chú ý đến Ubuntu hơn. Dell đã bắt đầu đưa ra thị trường dòng sản phầm PC được cài đặt sẵn Ubuntu hay thậm chí như IBM còn coi Ubuntu là giải pháp thay thế cho Windows trong những sản phẩm sắp tới của họ.

Một tín hiệu khác cho thấy Ubuntu đang âm thầm “lớn” và là mối đe dọa thực sự với Windows. Mỗi khi có một phiên bản mới được phát hành trên mạng, hầu hết tất cả các trang web cho tải Ubuntu đều gặp phải tình trạng “tê liệt” trong nhiều giờ liền bởi lượng truy cập quá cao mặc dù công việc phát hành này còn được hỗ trợ và chia sẻ bởi hàng trăm tổ chức khác, như các trường đại học. Theo nghiên cứu mới nhất của IDC, đến cuối năm 2008, khoảng 11% hệ thống máy tính của các doanh nghiệp Mĩ đã chuyển sang dùng Ubuntu. Ở châu Âu, Ubuntu thậm chí đã thâm nhập được vào cả hệ thống máy tính của các tổ chức chính phủ. Toàn bộ máy tính của ngành giáo dục Macedonia đã chuyển hẳn sang dùng Ubuntu, hơn 195.000 máy tính tại các trường học ở Tây Ban Nha đã được cài Ubuntu. Ở Pháp, hơn 80.000 máy tính của Quốc hội và lực lượng hiến binh (cảnh sát quân đội) đã chính thức sử dụng Ubuntu.

Theo tiết lộ của Mark Shuttleworth, người khởi xướng Ubuntu, công ty của ông đã đạt mốc lợi nhuận 30 triệu USD trong năm 2008. Con số đó quả là chưa thấm vào đâu so với 17 tỷ doanh thu từ Windows của Microsoft nhưng có lẽ Microsoft đã bắt đầu phải tính toán lại bởi việc thu về 30 triệu USD trong khi vẫn cho tải miễn phí thì con số người dùng và sản phẩm sử dụng Ubuntu không hề nhỏ. Con số 30 triệu càng trở nên ấn tượng hơn khi biết rằng Microsoft đã phải huy động hơn 10.000 lập trình viên làm việc suốt 5 năm mới có được Windows Vista còn Canonical chỉ có khoảng 200 nhân viên cùng 1.000 tình nguyện viên làm việc qua mạng vẫn đều đặn 6 tháng một lần tung ra phiên bản mới, đẹp hơn, hoàn hảo hơn, tin cậy hơn cho Ubuntu với sự bổ sung nhiều tính năng được phát triển bởi nhiều đại gia công nghệ khác như Intel, HP, Dell, IBM…

“Giờ đây chúng tôi không chỉ cạnh tranh trực tiếp với Windows bằng giá thành mà còn bằng cả tính năng sản phẩm. Tất nhiên Ubuntu sẽ vẫn miễn phí dù có thêm bao nhiêu tính năng”, Shuttleworth tuyên bố.

(Theo ICTnews/IDG News, Business Review)




Bình luận

  • TTCN (1)
Hải Nam  30903

Ubuntu có thể đánh bại được Windows, nhưng về thu nhập thì còn lâu lắm. 30 triệu so sánh với 17 tỉ? Trung bình một người dùng Ubuntu thì Canonical thu được bao nhiêu? Vỏn vẹn 3 USD. So với giá của 1 bản Windows thì biết liên.

Canonical chỉ có khoảng 200 nhân viên cùng 1.000 tình nguyện viên làm việc qua mạng vẫn đều đặn 6 tháng một lần tung ra phiên bản mới.

Viết thiếu khách quan thế? Những người này chỉ làm công việc đóng gói, viết một số chương trình quản lí (như Network Manager chẳng hạn) cùng sửa lỗi tương thích mà thôi. Trong Ubuntu sử dụng bao nhiêu ứng dụng mã nguồn mở khác? Riêng bộ OpenOffice.org là đã hết bao nhiêu người tham gia rồi. Còn cả Evolution, Firefox, Thunderbird, Pidgin, Gimp... không có những cái này thì trong Ubuntu chẳng còn gì cả, kể các các phần quản lí chương trình như Synaptic hay APT (của Debian). Ngay cả nhân, được phát triển dựa trên Debian, nên vẫn được hưởng những cập nhật thường xuyên của Debian.