Khi đi mua máy ảnh, bạn sẽ thấy những "quảng cáo" như zoom số cao, ISO lớn, máy có nhiều tính năng - nghe qua thì rất ấn tượng, nhưng thực chất chúng không giúp gì cho chất lượng hình.

Các nhà sản xuất, trong các chiến dịch truyền thông, quảng bá cho sản phẩm của mình thường nhấn mạnh đến rất nhiều tính năng được họ gắn cho các mỹ từ như "mới, tiên tiến, ưu việt". Những người bán hàng đôi khi cũng dùng những thông tin đó để thuyết phục khách. Ở vị trí của người tiêu dùng, bạn nên tỉnh táo trước những lời quảng cáo bằng cách trang bị cho mình những hiểu biết cơ bản về nghệ thuật nhiếp ảnh.

Sau đây là 5 thuật ngữ khá quen thuộc trong lĩnh vực này, có thể bạn sẽ được nghe nhiều khi đi mua máy nhưng trên thực tế không có tiếng nói quyết định đến chất lượng những bức ảnh chụp được.

1. Zoom kỹ thuật số (digital zoom)
Ảnh

So sánh hai bức ảnh khi dùng và không dùng zoom số. Bức ảnh bên phải sử dụng zoom kỹ thuật số nên có nhiều nhiễu hơn. Ảnh: Cnet. Trong thế giới nhiếp ảnh kỹ thuật số, nếu nói đến zoom thì bạn chỉ nên quan tâm đến zoom quang học (optical zoom), còn zoom kỹ thuật số là một thông số không mang nhiều ý nghĩa. Sự khác nhau giữa hai chức năng này là trong khi zoom quang học sử dụng phương pháp di chuyển ống kính để thay đổi tiêu cự mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng ảnh, thì zoom kỹ thuật số lại dùng phương pháp cắt cúp bức ảnh rồi tăng độ phân giải lên, khiến cho ảnh chụp được bị nhiễu và bị mất đi nhiều chi tiết. Vì vậy, khi mua máy bạn không nên rối trí bởi những lời quảng cáo của người bán cũng như nhà sản xuất về zoom kỹ thuật số.

2. Độ nhạy sáng (ISO) cực cao
Ảnh

ISO cao đồng nghĩa với ảnh sẽ có nhiều nhiễu hơn. Ảnh: Cnet. Khả năng chụp ảnh thiếu sáng của máy ảnh du lịch (point-and-shoot) khá hạn chế do không có nhiều lựa chọn để chỉnh phơi sáng, vì vậy một số nhà sản xuất đã cố gắng tăng độ nhạy sáng cho những chiếc máy của mình. Tuy nhiên, cách làm này lại gây ra khá nhiều lỗi, khiến bức ảnh có nhiều sạn và không được mịn màng. Đối với hầu hết những mẫu máy ảnh compact, chất lượng ảnh bắt đầu giảm xuống kể từ mức ISO 800 trở đi. Vì vậy, để chụp ảnh đẹp trong những điều kiện thiếu sáng, bạn nên chỉnh ISO ở mức thấp và bật đèn flash lên, thay vì chỉnh ISO cao. Tóm lại, ISO quá cao cũng không phải là một thông số đáng để lưu tâm ở những mẫu máy ảnh compact.

3. Công nghệ chống rung điện tử (Electronic Image Stabilizer)
Ảnh

Công nghệ chống rung điện tử chỉ đơn thuần tăng độ nhạy sáng để qua đó làm tăng tốc độ trập. Ảnh chụp được có khi còn bị nhiễu nhiều hơn. Ảnh: Shawn-knight. Nói về công nghệ chống rung (hay còn gọi là ổn định ảnh), bạn chỉ nên tin tưởng vào các hệ thống chống rung quang học (optical IS) và chống rung cơ học (sensor-shift IS - hoạt động theo cơ chế di chuyển cảm biến). Đối với tính năng chống rung điện tử, hiệu quả mà nó mang lại không cao, bởi nó chỉ đơn giản tăng độ nhạy sáng, qua đó làm tăng tốc độ trập. Cách làm này thậm chí còn gây ra nhiều nhiễu hơn cho ảnh. Hiện trên thị trường có một số mẫu được trang bị cả hai tính năng chống rung điện tử và chống rung quang học hoặc chống rung cơ học, nhưng thường có một lựa chọn cho phép người dùng tắt hệ thống chống rung điện tử.

4. Tính năng chỉnh tay khẩu độ (Manual aperture control)
Ảnh

Không phải tính năng tùy chỉnh khẩu độ ở chiếc máy nào cũng hữu ích như nhau. Ảnh: Photoreview. Những tay máy có kinh nghiệm đều biết rằng độ mở của ống kính, hay còn gọi là khẩu độ (aperture) không chỉ quyết định đến lượng ánh sáng lọt vào bên trong camera nhiều hay ít, mà còn tác động đến độ sâu trường ảnh (DOF), tức quyết định đến độ sắc nét và độ mờ của tiền cảnh và hậu cảnh. Tuy nhiên, tính năng tùy chỉnh khẩu độ ở một số mẫu máy ảnh point-and-shoot hiện nay lại chỉ đơn thuần giảm độ nhạy sáng bằng phương pháp điện tử, tức là làm sáng bức ảnh lên, chứ không phải điều chỉnh độ mở thực tế của ống kính. Vì vậy, khi dùng thử máy, bạn hãy chọn nhiều giá trị F khác nhau, quan sát lens trong khi bấm máy. Nếu độ mở có thay đổi, tính năng tùy chỉnh khẩu độ ở chiếc máy đó mới thực sự hữu ích.

5. Chế độ chụp ảnh Full HD (Full HD picture mode)
Ảnh

Chế độ chụp ảnh Full HD chỉ thực sự có ý nghĩa với những ai muốn xem ảnh trên màn hình HDTV. Ảnh: Presence-pc. Độ phân giải Full HD thực chất là 1.920 x 1.080 điểm ảnh, bằng khoảng một nửa so với một bức ảnh có độ phân giải 12 Megapixel (tương đương với số điểm ảnh các chiều là 4.000 x 3.000). Chế độ chụp ảnh Full HD vì thế chỉ thực sự có ý nghĩa với những ai muốn xem lại ảnh trên màn hình TV Full HD hoặc khung ảnh số tương thích. Còn với những người chỉ chụp ảnh thông thường để in hoặc lưu trong máy tính, thì lý tưởng nhất vẫn là chụp ở độ phân giải tối đa để có thể cắt cúp dễ dàng trên máy tính.

(Theo Số hoá/Cnet)



Bình luận

  • TTCN (0)