Chuyện khách hàng mất tiền oan từ SMS rác không còn hiếm, nhưng các nhà cung cấp dịch vụ di động vẫn chưa có những động thái quyết liệt để bảo vệ khách hàng.

Thời gian gần đây, người dùng di động tại Việt Nam liên tục nhận được các tin nhắn (SMS) quảng cáo về đủ các loại nội dung. Chẳng hạn tin nhắn "Thiet bi nghe trom ko gioi han khoang cach. Gia 205$... được gửi đến từ số máy +841232171460. Đặc biệt, dịp đầu năm, có rất nhiều SMS mang nội dung bói toán, mời xem vận mệnh nhân dịp năm mới, ví như: "Xem TuongLai cuaBan se GiauCo nhu the nao? Soan tin: GC Ngaysinh Thangsinh Gui 8733. VD Soan: GC 0109 Gui 8733. (Ngày,thang<10 them so 0 dang truoc. Vietliennhau)", gửi đến từ số thuê bao +84942935148; hay tin nhắn tương tự về xem bói toán: "Xem Tinhcach cuaBan... được gửi đến từ số điện thoại +84944386984.

Khi gọi điện đến những số điện thoại đã gửi tin, chỉ có tín hiệu tút tút liên tục hoặc tín hiệu thông máy bình thường, nhưng không ai nhận cuộc gọi; hoặc "số máy này hiện không liên lạc được"….

Hãng di động "bó tay"!

Theo ông Hoàng Sơn, Giám đốc Viettel Telecom, sẽ không bao giờ có người trả lời khi gọi đến những số máy gửi SMS đó vì những số máy này chỉ dùng để nhắn tin. Một lý do khiến người dùng di động nhận được nhiều tin nhắn quảng cáo trong thời gian gần đây là sau đợt khuyến mại dành cho khách hàng mới mà các hãng di động tung ra, nhiều người mua SIM và có lượng tiền kha khá trong tài khoản. Họ dùng các SIM và tiền khuyến mại này để nhắn tin. Mỗi tin nhắn gửi đi, trung bình mất 250 đồng, tuy nhiên, nếu có người dùng dịch vụ của họ (chẳng hạn gửi tin lại cho số 6779), mức phí phải trả có thể là 5.000 đồng hoặc hơn. Tính ra, trừ hết các chi phí, những người gửi SMS vẫn lãi cao. Rất có thể đây là những "chân rết" của các đầu số 8x, 6x. Tuy nhiên, đơn vị kinh doanh các đầu số đài 8xxx và 6xxx, hầu hết đều trả lời là "đó là các số máy cá nhân, chúng tôi không biết".

Theo đại diện các mạng di động Viettel và MobiFone, trên thực tế, nhà cung cấp dịch vụ di động có ký kết hợp tác với một số nhà cung cấp nội dung. Tuy nhiên, hai bên có thỏa thuận không được nhắn tin cho thuê bao di động từ các đầu số 8x, là số tổng đài của các nhà cung cấp nội dung. Nếu đó là những tin nhắn đến từ đầu số 8x, người nhận có thể thông báo với "nhà mạng" để họ "xử lý". Trong trường hợp SMS đến từ những đầu số cá nhân, nhà cung cấp dịch vụ di động "hầu như không thể ngăn chặn được", ông Hoàng Sơn cho biết, trừ phi người nhận gửi khiếu nại lên nhà cung cấp dịch vụ di động.

Ảnh
SIM khuyến mại đã vô tình góp phần cho nạn SMS rác gia tăng

Thông thường, các SMS chỉ quảng cáo, mời gọi người nhận dùng dịch vụ, mà không nói rõ mức phí phải trả khi sử dụng, hoặc những quy định khác. Những người nhận nhẹ dạ, tò mò có thể nhắn tin như nội dung SMS đã gửi. Họ có thể bị trừ đi một khoản phí, và không ai chắc mức phí đó là bao nhiêu, cao hay thấp (nếu chưa gửi tin đi). Trong trường hợp này, bà Trần Thúy Hạnh, phụ trách truyền thông của MobiFone, cho rằng "khách hàng phải tự nhận biết để bảo vệ mình". Theo bà Hạnh, một số người có thể có nhu cầu sử dụng dịch vụ như tin nhắn gửi đến, chẳng hạn xem bói đầu năm. "Nếu họ có nhu cầu thực sự về những dịch vụ nội dung, thì hãy gửi tin". Chị Hạnh cho biết nếu thuê bao di động không muốn bị làm phiền, họ có thể liệt kê các số máy đã nhắn tin đến máy họ vào danh sách blacklist (với loại máy ĐTDĐ cao cấp), hoặc cài phần mềm blacklist có bán tại các cửa hàng ĐTDĐ. Còn ông Sơn nói, khách hàng Viettel có thể đăng ký dịch vụ call blocking (chặn cuộc gọi) để tránh bị làm phiền.

Nhà mạng phải có trách nhiệm

Tại sao những kẻ gửi tin nhắn rác có được số điện thoại di động của các thuê bao? Bà Hạnh cho biết nhà cung cấp dịch vụ di động không bao giờ cung cấp đầu số, thông tin cá nhân cho các hãng cung cấp nội dung. Giám đốc Viettel Telecom, ông Hoàng Sơn cũng khẳng định Viettel không bao giờ cung cấp số điện thoại thuê bao cho nhà cung cấp nội dung. Thực tế, những người gửi SMS có thể lấy số máy của người dùng bằng nhiều cách khác nhau, có thể qua thu thập, mua bán, hoặc có khi do thuê bao di động tự để lộ, khi cung cấp số điện thoại của mình cho một doanh nghiệp nào đó, khi họ đi mua hàng hóa. Theo ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), những kẻ chuyên gửi SMS này có nhiều cách để sưu tầm số thuê bao di động, chẳng hạn họ có thể nhắn tin bừa theo các dãy số, trúng số nào thì trúng, và trúng vào ai người đó đành chịu. Hoặc họ bấm số, nháy đến các số điện thoại, và nếu có tín hiệu thông máy, nghĩa là số điện thoại đó tồn tại, và họ tiến hành gửi SMS.

Theo ICTnews



Bình luận

  • TTCN (0)