Hầu hết những tài khoản Rapidshare được rao bán rẻ trên mạng đều được mua từ thẻ tín dụng “chùa”. Tài khoản càng rẻ, càng dễ bị mất trắng.
Phim ảnh, album nhạc, phần mềm... được đưa lên các trang “File hosting” để chia sẻ ngày càng nhiều. Trong đó, đứng đầu là trang Rapidshare.com. Tuy nhiên, trước khi sử dụng, người dùng buộc phải có đăng ký tài khoản có trả phí để có thể tải về máy (download) không bị giới hạn những file này.
Rủi ro quá lớn
Theo danh sách đại lý (reseller) trên trang web Rapidshare.com, hiện nay chỉ có Công ty TH.T.A là đại lý chính thức của họ tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi có nhu cầu, vào Google với từ khóa “bán account Rapidshare”, lập tức sẽ có đến hơn 178.000 kết quả. Điều này chứng tỏ, chợ tài khoản lậu hoạt động rất nhộn nhịp.
Kiểm tra bảng giá của T.A đưa ra, có thể thấy một khoảng chênh khá lớn giữa giá “sỉ” của Rapidshare và giá bán lẻ của T.A. Cụ thể, account dùng một tháng T.A bán giá 239.000 đồng (11 euro so với giá gốc là 6,99 euro) và đến 1.649.000 đồng cho một account dùng một năm (72 euro so với giá gốc là 54,99 euro). Với tâm lý của nhiều người dùng thích các dịch vụ miễn phí và hàng giá rẻ, thì việc phải bỏ ra số tiền gần 2 triệu đồng để mua một tài khoản “vô hình” là điều khó thực hiện. Vậy cho nên mới có nhiều cá nhân rao bán account Rapidshare giá rẻ phân nửa trên mạng. Tuy nhiên, xuất xứ của những account vẫn còn là vấn đề đáng nghi vấn!
Theo một cá nhân chuyên bán account Rapidshare có uy tín ở trang TK... thì hầu hết những tài khoản Rapidshare được rao bán rẻ trên mạng đều đến từ 2 nguồn, một là những account đổi điểm (người dùng trả phí của Rapidshare có thể upload những file mình có lên mạng để chia sẻ và kiếm điểm); Hai là những account được mua từ thẻ tín dụng “chùa” do các hacker cung cấp. Có một số cá nhân quảng cáo rằng họ dùng thẻ tín dụng của chính mình để mua account thông qua cổng thanh toán Paypal, nhưng nếu xét theo bảng giá của Rapidshare đưa ra thì việc họ mua giá cao rồi bán lại giá thấp hơn một nửa là điều bất hợp lý.
Có thể nói, ngoài những tay bán lẻ account có nguồn gốc đổi điểm (thường được xác minh thông qua các diễn đàn tin học lớn do số lượng file họ đưa lên rất nhiều), những ai có kiến thức tin học đều có thể thấy việc mua account Rapidshare từ những người khác là một rủi ro. Bởi lẽ, với giá rao bán từ 100.000 đến 300.000 đồng, người mua phải đối mặt với vấn đề “tiền nào của nấy”, thậm chí “tiền mất tật mang”.
Hình thức “rửa tiền”
Trên trang web muare và một vài diễn đàn khác vừa qua rộ lên chủ đề về gian lận trong mua bán account Rapidshare. Bức xúc vì account của mình bị Rapidshare đóng lại do Paypal phát hiện gian lận trong thanh toán, thành viên nasa... của diễn đàn Mega... đã liên lạc với reseller khá nổi tiếng trong giới buôn bán account, kết quả không được giải quyết vì lý do: hết hạn bảo hành (1 tháng).
Đáng lo ngại là khi chủ thẻ phát hiện mình bị mất tiền, họ sẽ gửi một yêu cầu “hoàn tiền” và Paypal sẽ khấu trừ với Rapidshare và đóng account đó lại. Do vậy, người mua account Rapidshare từ những nguồn trôi nổi sẽ mất trắng. Thêm nữa, các account giá rẻ luôn đi kèm với thời gian “bảo hành” rất ngắn ngày, nên việc một ngày đẹp trời họ đăng nhập vào tài khoản và được thông báo rằng nó đã bị khóa, cũng chẳng biết kêu ai.
Vấn đề càng trở nên khó lường khi hiện nay, việc chia sẻ những nội dung số có bản quyền đang trở nên sôi động hơn. Theo một hacker tương đối nổi tiếng, việc kinh doanh ra tiền thật từ những dịch vụ ảo đang là chất xúc tác cho những cá nhân “hack” thông tin tín dụng từ những trang nước ngoài. Đây là một hình thức “rửa tiền” tinh vi từ việc mua đi bán lại những account như Rapidshare hay Megaupload. Đó là chưa kể đến việc vi phạm bản quyền từ vấn đề chia sẻ phim ảnh, âm nhạc... và các nội dung số khác.
Bên cạnh đó, việc cổng thanh toán Paypal vẫn từ chối các giao dịch đến từ IP VN do tỉ lệ gian lận đến từ các hacker trên mạng có IP VN ngày càng cao. Đó là một bất lợi lớn đối với thương mại điện tử đang phát triển ở nước ta. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để hạn chế những bất cập tồn tại trong việc buôn bán tài khoản ảo đang ngày một phức tạp này.
(Theo NLĐ)
Bình luận
""Bên cạnh đó, việc cổng thanh toán Paypal vẫn từ chối các giao dịch đến từ IP VN do tỉ lệ gian lận đến từ các hacker trên mạng có IP VN ngày càng cao.""
Điều này không đúng !
Đội ngũ phóng viên của các báo thông tin tổng hợp thường yếu, nên việc họ thỉnh thoảng không cập nhật tin tức cũng đúng thôi. Paypal đã cho phép *mua* ở VN từ hơn một năm nay rồi (gần 2 năm thì phải). Ở VN thì điền số thẻ ngân hàng vào thì dùng PP mua thoải mái. VN nằm trong các nước được gửi tiền (cuối danh sách này).
Bài này nhiều khả năng là T.A. (chẳng hiểu sao lại viết tắt?) nhờ viết giùm. Vì tình trạng bán acc RS lậu ở VN rất phổ biến, lại có đủ loại bảo hành từ 1 tháng đến 1 năm nên thu hút rất đông người mua. Đây chỉ là 1 trong những hậu quả của việc CC lậu tràn lan.