Từ lâu truyện tranh đã trở thành nguồn tư liệu dồi dào để các hãng game dựng nên các trò chơi điện tử. “Mối lương duyên” này đã hình thành ngay trong những ngày đầu của ngành công nghiệp game, cùng nhau trải qua những thăng trầm cho đến tận ngày nay. Với tinh thần tổng kết và chờ đón những cái mới sắp đến trong không khí Tết, chúng ta hãy cùng nhau điểm lại những bộ truyện tranh nổi tiếng khi “lấn sân” sang lĩnh vực game đã có những cuộc trình diễn như thế nào.
Để có cái nhìn rõ ràng hơn và do những sự khác nhau cơ bản giữa các thể loại truyện tranh, người viết chia thành hai phần: game dựa theo truyện tranh Mỹ (comic) và game dựa theo truyện tranh Nhật Bản (manga).
Game "ăn theo" comic: bại nhiều hơn thắng
Nhắc đến các bộ truyện tranh của Mỹ, dễ nhận ra đề tài "muôn thuở" của chúng đều xoay quanh các siêu anh hùng. Không ai xa lạ với những Superman, Batman, X-Men hay Spider Man đến từ 2 nhà xuất bản truyện tranh hàng đầu là Marvel Comics và DC Comics. Nói về những người hùng truyện tranh này, đặc biệt không chỉ có game, mà gần đây những nhà làm phim Hollywood cũng rất chăm chỉ "mượn" hình ảnh của họ để đưa lên những bộ phim "bom tấn" kinh phí cả trăm triệu đôla. Và không có gì lý tưởng hơn việc quảng bá một bộ phim bằng một trò chơi điện tử "ăn theo" ngay bên cạnh.
Cũng vì việc này mà trong những năm gần đây, phong cách chung của các game dựa theo các truyện tranh comic đều đi theo công thức: đầu tiên là truyện tranh được chuyển thể thành phim, ngay sau đó lập tức ra đời một tựa game cùng đề tài để vừa quảng bá cho phim, vừa "ăn theo" tên tuổi bộ truyện tranh để "hưởng lợi". Nói chung đây là một hình thức hợp tác kinh doanh theo kiểu "nhà nhà đều có lợi": nhà xuất bản truyện tranh thu bộn tiền bản quyền, nhà làm phim lại có một kênh quảng cáo đắc lực, nhà làm game thì tự nhiên vớ được một đề tài "hot" có sẵn mà không cần vắt óc suy nghĩ, còn người tiêu dùng thì tha hồ no say với đủ các sản phẩm giải trí về những nhân vật truyện tranh mà mình yêu thích!
Bên cạnh những ưu điểm, luôn luôn tồn tại những khuyết điểm và ngược lại. Chính kiểu làm "bỏ 1 ăn 10", "mì ăn liền" như vậy nên hầu như có "đào xới" xuyên cả quả đất, các game thủ cũng không thể "mò” ra được tựa game nào thực sự hấp dẫn. Nói tất cả game "ăn theo" comic đều tệ thì hơi quá, nhưng thực tế số lượng game được cho là hay, đáng chơi chỉ đếm trên đầu ngón tay so với những hàng "hạ cám". Điển hình cho những sản phẩm này có thể kể đến một loạt game như Fantastic Four với 2 phần đều dựa theo phim năm 2005 và 2007, The Punisher, Batman Begins, The Incredible Hulk, Catwoman, X-Men, Hellboy: The Science of Evil... Tất cả đều chỉ là những sản phẩm thường thường bậc trung và là những cái bóng mờ nhạt bên cạnh những bộ phim "bom tấn". Đặc biệt, thê thảm nhất có lẽ chính là trò chơi Iron Man "ăn theo" bộ phim cùng tên về nhân vật Người Sắt vừa ra mắt trong năm 2008. Có thể nói, phim và game Iron Man là hai thái cực hoàn toàn trái ngược. Trong khi bộ phim với tài năng diễn xuất của tài tử Robert Downey Jr. được đánh giá là một trong những phim hay nhất năm 2008 thì trò chơi Iron Man được liệt vào danh sách những game tệ hại nhất của năm. Bằng chứng là trò chơi này đã lãnh liền 2 giải "mâm xôi" của trang GameSpot là "Game dở mà lại có nhiều người chơi" (nguyên nhân chủ yếu là do sự hấp dẫn quá lớn của bộ phim) và "Game sử dụng thương hiệu nổi tiếng tồi tệ nhất".
Đáng mừng là không phải game nào dựa theo truyện tranh cũng tệ hại như vậy. Cũng có vài tựa game đã ít nhiều gầy dựng được chỗ đứng trong lòng các game thủ. Chẳng hạn các game Spider Man với các phiên bản khá thành công là Ultimate Spider Man (2005) và Spider Man: Web of Shadows (2008). Tuy nhiên, nói về việc chuyển thể truyện tranh lên game thành công nhất trong thời gian gần đây có thể nói chính là trò chơi The Darkness của hãng Starbreeze trên Xbox 360 và PS3. Từ bộ truyện tranh cùng tên của nhà xuất bản Top Cow Productions, The Darkness đã trở thành một game hành động bắn súng rất hay với những tính năng mới lạ và đặc biệt là nền đồ họa thuộc hàng đỉnh cao.
Một trường hợp khác cũng có thể được coi là thành công chính là việc xuất hiện trong game Mortal Kombat vs DC Universe của hàng loạt siêu anh hùng thuộc thương hiệu truyện tranh DC Comics như Superman, Batman, The Flash, Wonder Woman. Họ đã có một "chuyến du đấu" khá ấn tượng cùng với các nhân vật của dòng game đối kháng Mortal Kombat - một trong những tựa game hấp dẫn ít ỏi của hãng Midway đang trên đà trượt dốc không phanh.
Như đã nói, số lượng các tựa game thành công chẳng là bao khi so với những sản phẩm thất bại hàng loạt. Thế nhưng bất chấp sự thật phũ phàng này, sự thuận lợi do không cần đầu tư nhiều vẫn là động lực quá lớn để các nhà làm game tiếp tục lao vào khai thác. Thôi thì hãy cùng hy vọng trong năm 2009 sẽ xuất hiện thêm những game thật sự chất lượng. Trong số này, nhiều hy vọng nhất có lẽ là hai game về Người Dơi là Lego Batman (có thể sẽ kế thừa được thành công của các game Lego Star Wars và Lego Indiana Jones của hãng Travellers Tales) và Batman: Arkham Asylum (do Eidos và Rocksteady Studios thực hiện), cùng với X-Men Origins: Wolverine (của bộ đôi Activision và Raven Software từng thành công với loạt game X-Men Legends) và Watchmen: The End is Nigh (trò chơi dựa theo bộ phim siêu anh hùng hứa hẹn nổi bật nhất năm 2009). Đáng trông chờ không kém là sự tái xuất hiện của các người hùng DC Comics trong tựa game nhập vai trực tuyến DC Universe Online do hãng Sony Online Entertainment phát triển.
Game "ăn theo" manga: "nhai" mãi thể loại đối kháng
Tạm chia tay với những người hùng công lý có năng lực siêu phàm, chúng ta hãy cùng đến với thế giới của manga tại đất nước mặt trời mọc. Xét về nội dung, so với các siêu anh hùng "cứu nhân độ thế" đầy rẫy trong comic thì đề tài trong manga Nhật Bản rộng lớn và đa dạng hơn nhiều. Là đất nước tôn sùng truyện tranh lên gần như một thứ văn hóa quốc gia, gần như bộ truyện tranh nổi tiếng nào của Nhật cũng được chuyển thể thành phim anime và game. Dù vậy, có rất nhiều game dựa trên những bộ truyện chỉ phát hành tại Nhật và chỉ dành riêng cho dân Nhật. Vì lẽ này, chúng ta chỉ bàn đến những thương hiệu thực sự nổi tiếng đã vượt ra khỏi biên giới Nhật Bản và được đông đảo các game thủ khắp thế giới đón nhận mà thôi.
Rất dễ nhận thấy, những manga nổi tiếng được chuyển thể thành game thường theo thể loại hành động. Nếu bạn đã từng chơi game từ thời các hệ máy NES, SNES của Nintendo cách nay hơn 10 năm thì chắc không thể nào quên các game dựa theo những bộ manga nổi tiếng nhất lúc bấy giờ là Dragon Ball (7 Viên Ngọc Rồng) của tác giả Akira Toriyama và Yuyu Hakusho (mà game thủ ta vẫn hay gọi bằng tên "Nhất Dương Chỉ”) của tác giả Yoshihiro Togarashi. Do là những bộ truyện thuần hành động với những pha chiến đấu "long trời lở đất" của nhiều nhân vật hùng mạnh nên các game dựa theo đều đi theo thể loại đối kháng. Thật sự mà nói, lối chơi của những game này khá đơn điệu do phải bám sát nội dung bộ truyện nhưng vẫn khiến các game thủ đổ xô vào chơi, nhất là Dragon Ball, chủ yếu là do lúc ấy bộ "7 Viên Ngọc Rồng" đang "làm mưa làm gió” trên cả thế giới và Việt Nam.
Nhân tiện nói về thị trường truyện tranh Việt Nam những năm 90, tương tự trường hợp 7 Viên Ngọc Rồng chính là những game dựa trên bộ truyện tranh bóng đá nổi tiếng Captain Tsubasa của tác giả Takahashi Yoichi. Người viết cùng bạn bè một thời từng rất thích chơi các game Tsubasa trên SNES của hãng Tecmo, chủ yếu cũng là do quá mê bộ truyện tranh này. Còn về các game "ăn theo", cũng chỉ thuộc dạng trung bình, nếu không nói là khá... kỳ quặc khi đều là game bóng đá, nhưng lối chơi lại giống như game nhập vai theo lượt với việc quản lý các chỉ số sức mạnh và điều khiển các cầu thủ bằng cách lựa chọn các bảng câu lệnh một cách tuần tự.
Nhìn chung, các game dựa theo manga nổi tiếng có số lượng khá nhiều nhưng thường chỉ xoay quanh thể loại đối kháng, họa hoằn lắm mới có những thể loại khác như nhập vai, phiêu lưu, nhưng số lượng này là không nhiều và cũng không gây được bao nhiêu tiếng vang. Có lẽ chỉ riêng thể loại đối kháng mới thu hút được nhiều fan của các bộ truyện hơn do tính chất dễ chơi và có thể bám sát nội dung bộ truyện nhất. Nổi tiếng từ cách đây gần 20 năm, nhưng cho đến tận ngày nay bộ truyện Dragon Ball vẫn chứng tỏ được sức hút của mình khi các game Dragon Ball thay phiên nhau ra mắt liên tục không biết mệt! Chỉ từ năm 2005 đến nay, đã có gần chục tựa game Dragon Ball ra đời cho đủ các hệ máy như Super Dragon Ball Z, Budokai 3, Budokai Tenkaichi 1-2-3, Shin Budokai, Infinite World, Burst Limit... Và có lẽ bạn cũng có thể đoán ra, tất cả những tựa game ấy đều là game đối kháng!
Nổi tiếng ngay sau Dragon Ball hiện nay có lẽ là các game dựa trên bộ manga đang "cực hot" Naruto. Với đề tài ninja nhưng mang phong cách khá mới lạ, bộ truyện của tác giả Masashi Kishimoto đã "hớp hồn" rất nhiều otaku (fan truyện tranh) từ Nhật đến Mỹ, châu Âu và cả Việt Nam. Cũng như Dragon Ball, tốc độ phát hành của các phiên bản game Naruto cũng vào loại "vũ bão" với hàng loạt thương hiệu như Ultimate Ninja, Ultimate Ninja Storm, Shippuuden, Uzumaki Chronicles, Ninja Destiny, Clash of Ninja... Đương nhiên, lại một lần nữa đa số vẫn là các game đối kháng. Thế nhưng, tạo ra được đôi chút khác biệt và gây được tiếng vang lại là các game Naruto của một hãng game của Canada. Đó chính là Ubisoft Montreal với 2 bản game Naruto: Rise of a Ninja (2007) và Naruto: The Broken Bond (2008) dành riêng cho Xbox 360. Loạt game này thành công là do bám rất sát cốt truyện, cùng với việc pha trộn thêm vào những tính năng của thể loại hành động phiêu lưu và một chút phong vị của thể loại game "sandbox" (tự do phiêu lưu).
Hầu như có tựa game mới nào dựa theo manga Nhật thì chúng ta có thể gần như đoan chắc là "lại một game đối kháng nữa rồi", hết Dragon Ball lại đến Naruto, rồi One Piece, hay Bleach. Tuy nhiên, đôi lúc vẫn có những game thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn đó như Yu-Gi-Oh! với thể loại đấu bài ma thuật, một thời thu hút kha khá game thủ nhưng cũng dần chìm vào quên lãng khi bộ truyện này không được nhà xuất bản Kim Đồng phát hành nữa. Một trường hợp khác không thể không nhắc đến là bộ truyện robot nổi tiếng Mobile Suit Gundam. Có điều danh tiếng mà các game ăn theo Gundam lại không "thơm" cho lắm, chủ yếu là do trò chơi Mobile Suit Gundam: Crossfire dành cho hệ máy PS3 (2006) - được nhớ đến là trò chơi dành cho PS3 đầu tiên nhưng bị đánh giá là "cùi bắp" nhất từng được phát hành. Mới đây, hãng game Koei lại có sáng kiến đưa các chú robot Gundam kết hợp với dòng game Dynasty Warriors để tạo nên Dynasty Warriors: Gundam cho PS3 và Xbox 360 mang phong cách "chặt chém" quen thuộc. Mặc dù trò chơi này bị chê bai rất dữ nhưng chẳng hiểu sao lại bán rất chạy nên phần thứ 2 nhanh chóng được lên kế hoạch phát hành vào tháng 3/2009.
Nói tóm lại, nhìn vào các game được chuyển thể từ truyện tranh, chúng ta đều nhận ra một sự thật phũ phàng là "sạn luôn nhiều hơn cơm". Có nhiều lý do, chủ quan có mà khách quan cũng có, chẳng hạn như thực hiện gấp rút để kịp thời hạn hay bị bó buộc ý tưởng để trung thành với tác phẩm gốc. Nhưng thiết nghĩ, nếu các nhà làm game thực sự chịu đầu tư sáng tạo và có nhiều tâm huyết, thì việc tạo nên một game dựa theo comic hay manga vẫn gây được tiếng vang. Chẳng phải những tên tuổi như Mortal Kombat vs. DC Universe hay bộ đôi Naruto là Rise of the Ninja và The Broken Bond đã làm được đó sao? Chúng ta hãy cùng hy vọng và chờ xem.
Theo PcWorld VN
Bình luận