Các nhà mạng đang nóng lòng chờ ngày được nhận giấy phép 3G

Hôm nay là ngày các mạng di động sẽ nộp hồ sơ thi tuyển 3G lên Bộ TT&TT. Đây được coi là thời điểm quyết định trong cuộc đua dành giấy phép quý giá này.

Nhà mạng cậy nhờ “ngoại binh” 

Theo Bộ TT&TT, việc thi tuyển 3G sẽ trải qua hai vòng thi. Vòng đầu tiên là sơ tuyển. Vòng sơ tuyển này sẽ có khoảng 11 tiêu chí để xem xét. Vòng hai là xét tuyển với khoảng 5 tiêu chí cơ bản, trong đó có những tiêu chí quan trọng như vùng phủ sóng, thời gian triển khai nhanh; tiền đặt cọc và cam kết sử dụng chung hạ tầng của mạng 2G... Tuần trước, Bộ TT&TT đã bàn thảo về vấn đề tiền đặt cọc và tiền phạt nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết thi tuyển 3G, tuy nhiên những thông tin này vẫn chưa được công bố.

Trước cuộc thi “sinh - tử” này, các mạng di động đã tập trung nguồn lực cao nhất cho việc thi tuyển. Nhiều ý kiến cho rằng, đề thi 3G được Bộ TT&TT nghiên cứu nhiều kinh nghiệm các nước đã triển khai thành công, nên chắc chắn sẽ có mạng di động sử dụng thêm yếu tố “ngoại binh” để làm hồ sơ thi tuyển 3G. Nhiều nguồn tin cho hay, VinaPhone đã thuê hẳn nhà cung cấp nổi tiếng của Nhật về 3G là NTT DoCoMo để tư vấn hồ sơ thi tuyển 3G. Vì vậy, hồ sơ thi tuyển 3G của mạng di động này được chuẩn bị khá công phu. Trong khi đó thì có nguồn tin cho biết MobiFone cũng thuê hãng Detecon để tư vấn làm hồ sơ thi tuyển 3G của mình. Ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc MobiFone cho biết, chuyện doanh nghiệp sử dụng tư vấn nước ngoài là điều bình thường. Việc thuê tư vấn chỉ mang tính chất hỗ trợ, còn mọi việc vẫn do MobiFone quyết định. Tuy nhiên, ông Lê Ngọc Minh không xác nhận việc có phải Detecon tham gia vào hỗ trợ MobiFone trong việc làm hồ sơ thi tuyển 3G hay không.

Trong khi hai mạng di động chưa xác nhận yếu tố “ngoại binh” để tiến hành thi tuyển 3G thì hai mạng di động chưa chính thức cung cấp dịch vụ ra thị trường là VietnamMobile và Gtel Mobile lại tỏ ra khá tin tưởng vào kinh nghiệm của các đối tác của mình trong việc hỗ trợ họ thi tuyển 3G. Một đại diện VietnamMobile cho rằng, đối tác Hutchison của họ đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực 3G trên toàn cầu nên mạng này rất tin tưởng vào khả năng thi tuyển 3G. Tương tự như vậy, Gtel Mobile cho rằng, đối tác Vimpelcom đã có kinh nghiệm về 3G nên mạng này cũng kỳ vọng nhiều vào việc thi tuyển 3G.

Cho dù thời điểm thi tuyển 3G đã đến hạn, nhưng EVN Telecom và SPT vẫn giữ quan điểm "không xác nhận" việc hai mạng này có liên kết thi tuyển 3G hay không. Ông Đinh Thế Phúc, Giám đốc EVN Telecom cho biết, đó là chuyện “chưa thể nói”. Trước đây EVN Telecom đã có ý định sử dụng công ty Italia Telecom để hỗ trợ làm hồ sơ 3G. Thế nhưng sau thời gian dài chờ đợi thì đối tác này đã rút, nên EVN Telecom tự làm hồ sơ thi tuyển 3G.

Trong khi các mạng cậy nhờ yếu tố “ngoại binh” để làm hồ sơ thi tuyển 3G thì Viettel cho biết làm hồ sơ thi tuyển 3G bằng nội lực của mình. Cho dù không có yếu tố “ngoại binh”, nhưng Viettel tỏ ra tin tưởng vào hồ sơ thi tuyển 3G của mình.

3G cần cho ai?

Trong khi cuộc đua 3G đã đến hồi “sinh - tử”, một câu hỏi được đặt ra rằng giấy phép 3G cần cho ai? Tất cả các mạng di động đều có câu trả lời rằng trước mắt nhu cầu về dịch vụ 3G chưa nóng khi mà thị trường vẫn chủ yếu là thoại và nhắn tin SMS. Thế nhưng, những mạng di động lớn như MobiFone, VinaPhone và Viettel lại nóng lòng muốn có được giấy phép này không phải để cung cấp dịch vụ 3G mà để chống nghẽn cho mạng 2G. Lãnh đạo của cả 3 mạng di động lớn này đều thừa nhận, đang gặp phải vấn đề bị nghẽn băng tần ở những nơi có mật độ thuê bao lớn và mong muốn sớm được thi tuyển 3G để lấy băng tần 3G chống nghẽn cho mạng 2G.

Trên thực tế hiện nay, các mạng CDMA cho dù chưa có giấy phép 3G nhưng đã có thể cung cấp những dịch vụ 3G trên băng tần hiện tại. Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, trong đợt cấp phép lần này áp dụng đối với băng tần số 1900-2100 MHZ. Tuy nhiên, tại một số băng tần số khác cũng có thể triển khai được dịch vụ 3G như băng tần 450 MHz, 800 MHz, 900 MHz… 

(Theo ICTNews)



Bình luận

  • TTCN (0)