Ngày 19/2, hơn 50 người dân thôn Phi Liệt (xã Liên Nghĩa, Văn Giang, Hưng Yên) kéo đến nhà ông Nguyễn Văn Bồi để ngăn cản việc xây dựng trạm BTS phát sóng ĐTDĐ tại đây. Sự việc lặp lại nhiều lần nhưng Chủ tịch xã cũng chỉ giải thích: “Chúng tôi cũng hết cách”.
Quyết sống chết với … cây cột BTS
Cuộc “đấu tranh” tại thôn Phi Liệt không thể nói hoàn toàn mang tính chất tự phát. Trong lần đầu “ra quân” ngày 11/2 nhằm “trấn áp” cán bộ kỹ thuật công ty CP Viễn thông Hòa Phát, đơn vị có công trình trạm BTS đang xây dựng, đã có một số hành vi manh động xảy ra. Quá bức xúc trước những lời lăng mạ, chửi bới, đe dọa của đám đông “khách không mời” trong nhà mình, chủ nhà đã phải dùng tới máy bơm nước để giải tán.
Lực lượng công an xã sau đó phải "dàn hòa" và mời mọi người đến trụ sở UBND xã Liên Nghĩa để giải quyết. Tại đây, ông Lý Xuân Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Nghĩa, đã lập biên bản sự việc, đề nghị công ty ngừng thi công và để xã giải quyết. Đến thời điểm thích hợp thì xã sẽ thông báo sau.
Ngày 19/2, công ty Hòa Phát nhận được thông báo tiếp tục thi công công trình xây dựng trạm BTS. Nhưng trong lần 2, sự phản đối của người dân đã được tổ chức lại: bà già, con trẻ, phụ nữ được đưa lên “tuyến đầu”, vượt rào vào nhà ông Bồi, nơi có trạm BTS đang xây dở dang, quyết lấy thịt đè … thiết bị để không thể đưa lên lắp đặt.
Từ bà lão hơn 80 đến con trẻ vài tuổi cùng ngồi trên những đoạn cột chưa kịp dựng còn nằm dưới đất, bất chấp những nguy hiểm có thể xảy đến từ công trình chưa hoàn chỉnh. Mỗi khi có công nhân kỹ thuật leo lên cột thì một nhóm người ùa ra … rung chân cột. Một nhóm khác lao vào tóm dây bảo hiểm kéo, lắc, buộc công nhân phải xuống đất.
“Tuyến 2” gồm đàn ông, con trai đứng ở sân nhà hàng xóm theo dõi động tĩnh, sẵn sàng “tiếp ứng” khi cần thiết. Nước uống, trầu ăn được tuyến sau cung cấp lên cho tuyến đầu “bám trụ”. Mỗi khi “tuyến đầu” hành động, tuyến sau cũng hùa lên gào thét cổ vũ hoặc đe dọa.
“Đánh chúng tôi cũng không đánh lại, chúng tôi cũng chả đánh ai. Chúng tôi cứ ngồi đây cho đến bao giờ cái cột này dời đi chỗ khác thì thôi”, bà Tính, một người tham gia “biểu tình” nói trong khi quên mất chỉ riêng việc xâm nhập gia cư bất hợp pháp cũng đã vi phạm pháp luật rồi.
Trao đổi với phóng viên VietNamNet, người dân đi “chống" lắp trạm BTS cho biết có 2 lý do để bà con “quyết tử” với cái trạm BTS này. Thứ nhất là sợ chiếc cột cao 30 mét này “mưa gió, sét đánh nhỡ đâu đổ vào nhà hàng xóm thì sao”.
“Cả cái cầu Cần Thơ to như thế, nhiều nhà khoa học thế mà còn sập, cái cột con con này ăn thua gì, lấy gì đảm bảo là nó không đổ”, bà Dung, một người dân nói khi công nhân kỹ thuật công ty Hòa Phát cố giải thích về độ bền vững và chống sét của cây cột phát sóng.
Lý do thứ hai và cũng lo lắng nhất là sợ ảnh hưởng đến sức khỏe vì “xem tivi cũng nói sóng này có tác hại, sách học trẻ con cũng nói, báo đài cũng nói có tác hại. Có thể dẫn đến các bệnh vô sinh, ung thư, trọc đầu... Mà nói chung con người ta cũng có thể dẫn đến bất kỳ bệnh nào từ cái cột này(!?)".
Khi được hỏi là sách nào, báo đài nào nói vậy thì không ai nhớ được là xem cái thông tin “có hại” đó ở đâu. Hỏi nếu có những tài liệu khoa học, văn bản của cơ quan khoa học, y tế của Nhà nước giải thích cái này không có hại thì bà con mình thế nào, bà con vẫn khăng khăng: “Kệ! Chúng tôi vẫn cứ ở đây đến khi nào cái trạm này được di dời đi xa dân”. Nơi mà mọi người muốn chuyển trạm BTS này đến là “ra ngoài đồng hay vào sân ủy ban xã thì tùy”.
Cứ thế, cuộc chiến “chống lắp cột BTS” của người dân thôn Phi Liệt kéo dài hàng tháng trời. Mỗi khi có công nhân hoặc bất cứ động tĩnh gì liên quan đến cây cột này là người dân lại bỏ cả đồng áng, công việc, trẻ con bỏ học để chạy về lo giữ không cho xây. Toàn bộ quá trình làm việc đều không để lại văn bản làm việc, không ký giấy tờ gì hết.
Hết cách hay lòng vòng nước đôi?
Trước hiện trạng tại thôn Phi Liệt, phóng viên VietNamNet tìm đến UBND xã Liên Nghĩa để tìm hiểu và được ông Nguyễn Ngọc Thắng tiếp với cương vị Chủ tịch UBND xã Liên Nghĩa (ông Thắng đã kiên quyết từ chối xưng tên đầy đủ - PV).
Tại đây, ông Thắng cho biết về cơ bản trạm BTS do công ty CP Hòa Phát dự kiến xây dựng trên địa phương có đầy đủ giấy tờ thủ tục do pháp luật quy định, từ các cơ quan quản lỹ về mặt kỹ thuật là Sở TT-TT tỉnh Hưng Yên cho đến cơ quan quản lý hành chính các cấp từ tỉnh Hưng Yên đến huyện Văn Giang chỉ đạo về xã. Trong thời gian doanh nghiệp về địa phương xây dựng trạm, chính quyền xã cũng “hết sức tạo điều kiện” bằng cách tổ chức 1 buổi họp dân với doanh nghiệp để tuyên truyền, gửi tài liệu giải thích đến nhà dân trong thôn. Khi có vụ việc, xã cử một Phó Chủ tịch là ông Lý Xuân Minh để chuyên trách xử lý.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân thì UBND xã đã tổ chức nhiều cuộc họp chứ không phải một lần trên. Trong những lần họp không có đại diện doanh nghiệp thì hoàn toàn không có phổ biến, giải thích thêm cho bà con về tác động của cột BTS đối với sức khỏe. Mặt khác, Chủ tịch và Phó Chủ tịch đều khẳng định với người dân rằng: Nếu dân không đồng ý cho xây thì thì xã cũng không cho.
Và như vậy, cả chính quyền xã Liên Nghĩa và người dân thôn Phi Liệt cùng tạo ra một mớ bòng bong để ngăn chặn việc xây dựng cột phát sóng BTS tại đây: Chính quyền xã tuy "hết sức tạo điều kiện" nhưng kiên quyết không ký xác nhận cho miếng đất nhà ông Bồi không có tranh chấp để hoàn thành hợp đồng giữa ông Bồi với công ty Hòa Phát mặc dù miếng đất gần 200 mét vuông nhà ông đã được cấp sổ đỏ, không có mua bán, tranh chấp gì với ai và việc xây dựng này đã có công văn chỉ đạo từ UBND huyện Văn Giang chuyển xuống địa phương.
Nhưng lý do để Chủ tịch UBND xã Liên Nghĩa không xác nhận vì "đang có người dân tụ tập phản đối việc xây dựng này".
Trong khi đó, tại hiện trường, người dân lại lấy cớ "về ở đâu có chính quyền đó, xã cũng không xác nhận tức là xã cũng không cho làm, và chúng tôi phản đối là đúng". "Chả thấy xã phát thanh phổ biến, chúng tôi cứ tự tìm hiểu thấy có hại thì chúng tôi phản đối", cụ Túc, người dân tham gia phản đối, nói.
Né tránh trả lời về giải pháp tháo gỡ câu chuyện "quả trứng, con gà" quanh chiếc trạm BTS, người đứng đầu UBND xã Liên Nghĩa kiên quyết: "Chúng tôi đã giải thích và dân không hiểu thì cũng hết cách".
Theo VietnamNet
Bình luận
Tội nghiệp anh kỹ thuật phải leo lên lắp trạm nhỉ... Nông thôn mà cứ đồn là "sóng điện từ gây vô sinh" thì coi như xong ...
đúng là bó tay thật