VNNIC đã sẵn sàng triển khai IPv6 tại Việt Nam

Có 4 phương án phân phối lại không gian địa chỉ IPv4 nhằm đối phó với tình trạng nguồn địa chỉ IPv4 đang dần dần cạn kiệt.

Tại Hội nghị các Trung tâm Internet khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang diễn ra tại Manila (Philippin) với sự tham gia của đoàn Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, một số thành viên thuộc Trung tâm Internet châu Á – Thái Bình Dương (APNIC) đề xuất không gian địa chỉ IPv4 nên được phân phối lại theo hướng chia sẻ nguồn tài nguyên này giữa các thành viên của cơ quan đăng ký khu vực (RIR) nhằm đối phó với tình trạng nguồn địa chỉ IPv4 đang dần dần cạn kiệt.

Tuy nhiên các phương án này vẫn đang được các bên tham dự hội nghị tranh luận và chưa có kết quả thống nhất nào được đưa ra.

Theo tiết lộ của APNIC “những cuộc tranh luận nóng bỏng” xung quanh 4 đề  xuất này sẽ tập trung vào phương án làm thế nào để các thành viên có thể dễ dàng chia sẻ nguồn tài  nguyên này với nhau.

Cho đến nay, việc chia sẻ nguồn tài nguyên IPv4 vẫn chỉ được phép diễn ra trong một số trường hợp đặc biệt ví dụ như sáp nhập hoặc một doanh nghiệp, tổ chức nào đó bị thâu tóm.

Trao đổi với ICTnews về vấn đề này, ông Trần Minh Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho biết, đoàn đại biểu của VNNIC đang tham dự hội nghị tại Manila và sẽ có kết quả cụ thể của hội nghị trong vài ngày tới. Cũng theo tiết lộ của ông Tân, hiện tại VNNIC đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng lưới và sẵn sàng triển khai, đấu nối IPv6 cho tất cả các nhà cung cấp dịch vụ hay khách hàng tại Việt Nam. Dự kiến, lộ trình triển khai IPv6 tại Việt Nam sẽ được thống nhất tại phiên họp đầu tiên của Ban công tác về IPv6 do Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng chủ trì vào khoảng giữa tháng 3/2009.

Paul Wilson, Tổng giám đốc APNIC cho rằng bất chấp việc một số quốc gia đã và đang chuyển đổi sang IPv6, nguồn tài nguyên IPv4 sẽ vẫn tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong nhiều năm nữa. "Nhu cầu của các khách hàng, các mạng lưới đối với IPv4 sẽ vẫn còn rất cao ngay cả khi nguồn tài nguyên này đã cạn kiệt”, ông Paul Wilson phát biểu tại Hội nghị, "Đây là một nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của các cộng động Internet khi cho rằng nguồn không gian IPv4 còn lại cần phải được phân phối lại một cách công bằng hơn theo nhu cầu và khả năng sử dụng của các khu vực trên toàn cầu. Tuy nhiên, cũng cần phải xác định rằng khi một cộng đồng Internet nào đó đồng ý chia sẻ nguồn tài nguyên của họ, họ cần phải thu được những lợi ích đáng kể”, Paul Wilson nói.

Ông Tổng giám đốc APNIC cũng tiết lộ rằng các thành viên của khu vực đã cùng nhất trí rằng việc chuyển giao, trao đổi một phần nguồn tài nguyên này sẽ trở nên rất cần thiết, đặc biệt là khi nguồn không gian tự do đã cạn kiệt. “Một số thành viên trong cộng đồng Internet khu vực cho rằng những quan niệm sai lầm về nguồn tài nguyên IPv4 , những sự quản lý yếu kém sẽ cản trở khá nhiều đến sự phát triển của các nền kinh tế. Điều này cũng có thể là nguyên nhân của sự đầu cơ nhằm trục lợi hay khiến cho các hoạt động của cơ sở dữ liệu tại APNIC thiếu chính xác hoặc thậm chí là làm gián đoạn sự hoạt động của mạng Internet trong khu vực”, ông Wilson nói.

Trước đây và cả trong hội nghị này, APNIC vẫn liên tục cảnh báo các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) của các quốc gia thành viên về nguy cơ cạn kiệt nguồn địa chỉ IPv4 trong một tương lai không xa.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới việc IPv4 có thể cạn kiệt nhanh hơn hiện nay đó là các nước có xu hướng xin nhiều địa chỉ lên và tích trữ; Tình hình thuê bao Internet băng rộng như ADSL bùng nổ, kết nối Internet qua truyền hình cáp..., những dạng thức kết nối đòi hỏi tỉ lệ 1IP/1 người sử dụng; Rồi yêu cầu xin cấp địa chỉ IPv4 cho dịch vụ di động (3G) đã xuất hiện...

Theo ICTnews



Bình luận

  • TTCN (0)