Việc đăng và chia sẻ ảnh trên Internet đã trở nên phổ biến, nhưng thế giới online quá rộng lớn và mọi người không thể biết bức ảnh của họ "lưu lạc" đi những đâu, được người khác copy lại để dùng vào mục đích gì.
Tuần này, người sử dụng Facebook xôn xao về việc một nhân vật tự xưng là Tom Steinbach, đứng cạnh chiếc Ferrari và khoe kiếm 20.000 USD/tháng nhờ tham gia "một chương trình quảng cáo của Google" mà "không cần làm gì cả".
Đây thực chất là vụ lừa đảo nhằm moi thông tin thẻ tín dụng của khoảng 175 triệu thành viên mạng xã hội nổi tiếng nhất thế giới. Lập tức cộng đồng mạng đã săn tìm và phát hiện nhân vật này tên thật là Gary Marshall, chuyên gia phân tích tài chính 25 tuổi sống ở New York (Mỹ).
"Tôi thật sự chẳng biết nghĩ gì nữa", Marshall sửng sốt và cảm thấy xấu hổ khi tấm hình của anh bị kẻ xấu đem ra làm ảnh minh họa cho vụ lừa tiền trực tuyến.
Marshall cho biết, khi cùng bạn gái đi du lịch châu Âu năm 2007, anh đã chụp ảnh bên một chiếc Ferrari ở Monaco và chú thích đùa rằng "đây là xe của tôi" khi đăng trên Google Picasa.
Marshall nghĩ rằng khi anh truy cập bằng tài khoản Google để đăng ảnh, chúng sẽ không hiện ra trên công cụ tìm kiếm mà không để ý chế độ mặc định của Picasa Web Albums là public (công khai).
Sự cố trên chỉ là một trong vô vàn tai nạn khi chia sẻ ảnh trên web mà chủ nhân của chúng không hề hay biết (Marshall cũng chỉ biết khi được báo chí nhắc đến). Những bức ảnh tưởng chừng vô hại như hình cô gái chụp với người yêu có thể bị lấy làm ảnh minh họa cho dịch vụ mai mối. Chân dung "tự sướng" (chụp bản thân trong tư thế sexy và đăng lên mạng) có thể bị phát tán trên trang web khiêu dâm. Một khuôn mặt bình thường cũng bị chỉnh sửa, tô vẽ qua Photoshop thành những thứ quái dị và chủ nhân thực sự của nó nếu phát hiện ra chỉ biết khóc vì không thể "thu hồi" hình ảnh trên tất cả các trang.
(Theo Vnexpress)
Bình luận