Lại một nỗi khổ khác dành cho “thượng đế” của truyền hình cáp... Chiếm 80% trong gần 200 phản hồi đầy bức xúc của bạn đọc Tuổi Trẻ về truyền hình cáp những ngày qua là việc cắt kênh truyền hình hết sức bất hợp lý của nhà đài. Có kênh lúc có lúc không, có kênh bị cắt bỏ hoàn toàn… Ngoài những lý do kỹ thuật thì đang hé lộ một câu chuyện tiền tỉ phía sau việc cắt kênh này.
Đầu tháng 2-2009, ông Trần Văn Hải (nhà ở đường Lê Văn Việt, Q.9, TP.HCM) tình cờ xem được một tập của bộ phim Hong Kong trên kênh THVL1 (đài Vĩnh Long), tình tiết bộ phim buộc ông tò mò muốn xem tiếp những tập sau. Song đến ngày 18-2, đúng giờ phát tập phim tiếp theo thì tín hiệu đài Vĩnh Long bị mất, ông Hải cứ nghĩ đài phát bị trục trặc gì đó nên gián đoạn tạm thời. Sau đó, cứ mỗi 15 phút ông bật trở lại nhưng vẫn là những sọc màu, qua hôm sau vẫn không có sóng. Ông điện thoại lên SCTV chi nhánh quận 9, quận 12. Cả hai nơi các nhân viên trực đều trả lời rất thản nhiên là đài Vĩnh Long bị cắt.
Thích thì cắt!
Tương tự ông Hải, khách hàng Nguyễn Văn Dương trong ngày 19-2 thấy kênh THVL1 bất ngờ mất tín hiệu và hiện lên màn hình những sọc màu đỏ, xanh... Đến ngày 20-2 thì thấy trên màn hình hiện lên dòng thông báo: “Kể từ ngày 19-2-2009, kênh THVL1 sẽ được phát sóng trên hệ thống cáp SCTV kỹ thuật số… SCTV trân trọng cảm ơn quý khách hàng” mà không hề có thông báo việc khắc phục kênh THVL1 trên hệ thống cáp analog của SCTV.
Cắt kênh do tín hiệu quá kém
* Ông Lê Đức Hùng, giám đốc HTVC:
“Trước mắt chúng tôi xin nhận lỗi đã không thông báo kỹ cho người dùng về sự thay đổi vị trí các kênh. Nhưng về nguyên tắc, chúng tôi có kênh HTVC+ để thông báo về việc thay đổi ít nhất một tuần. Tuy nhiên, không phải bất kỳ người dùng nào cũng xem HTVC+ nên không biết thông báo của chúng tôi dẫn đến những phàn nàn là đúng. Những thay đổi của chúng tôi sắp tới (nếu có) sẽ được thông báo rộng rãi hơn để tất cả người dùng đều được biết. Tình trạng cắt kênh đột xuất như đài Vĩnh Long hôm 19-2 là do sự cố tín hiệu quá kém”.
* Ông Phan Quang Tuấn, phó giám đốc kỹ thuật SCTV:
“Chúng tôi vẫn chưa nhận được phản ảnh nào của người dùng về việc không thông báo thay đổi vị trí kênh từ các đơn vị của mình. Thực tế chúng tôi đều có thông báo khi có thay đổi kênh. Như kênh Vĩnh Long hôm 19-2 là do trục trặc về kỹ thuật nên bị gián đoạn. Kênh Fashion TV thường bị cắt vào khoảng 23g vì khoảng thời gian này trên kênh thường phát những chương trình không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người VN”.
Quá bực bội, ông Dương gọi lên trung tâm SCTV tại quận 11 (TP.HCM) thì được nhân viên trực báo là “chuẩn bị cắt kênh THVL1 trên hệ thống analog, nếu anh muốn xem thì chuyển qua kỹ thuật số và SCTV có quyền thay đổi kênh chương trình mà không cần phải thông báo cho khách hàng”. Ông Trần Văn Hải bức xúc: “Tôi thật sự tức giận vì họ quá coi thường. Tôi đòi gặp lãnh đạo công ty để nghe một lời giải thích và xin lỗi, nhưng cô nhân viên cho biết các sếp đều… đi công tác”. Vĩnh Long không phải là đài duy nhất bị SCTV “hô biến” một thời gian, chị Phương Thảo (nhà ở đường Trần Não, Q.2, TP.HCM) kể: “Lúc đầu họ thông báo trên SCTV có hơn 70 kênh nhưng đếm lại đâu có đủ. Các kênh Arirang, VH1, CNBC, Channel New ASIA bỗng nhiên mất hoàn toàn, rồi lần lượt đến các kênh CCTV9, BIBI, OPT1, Đồng Nai 2 và gần đây nhất là THVL1.
Tiếp theo không biết sẽ là gì nữa đây? Họ muốn là cắt, muốn lại cho lên, giống bố thí cho người nghèo quá, trong khi chúng tôi vẫn phải đóng tiền hằng tháng đều đặn”. Không chỉ có SCTV mà HTVC cũng thường xuyên cắt kênh đột ngột. Theo ghi nhận của nhiều khách hàng, sáng 26-2 kênh THVL1 vẫn đang phát trên mạng này nhưng đến chiều thì bấm vào kênh THVL1 lại thấy kênh VTV4.
Muốn phát, nộp 10 tỉ đồng!
Về nguyên nhân cắt kênh Vĩnh Long của hai nhà đài HTVC và SCTV, ông Lê Quang Nguyên - giám đốc Đài PT-TH Vĩnh Long - cho biết SCTV và HTVC có mời các đài tỉnh lên gặp mặt để nộp phí đường truyền, nhưng mỗi tỉnh có một giá khác nhau theo những tiêu chí rất không rõ ràng.
Riêng với Vĩnh Long, lúc đầu cả hai nhà đài đều đòi thu đến 10 tỉ đồng/năm, nhưng sau đó SCTV giảm bớt hơn 50%. “Lúc đó tôi không đồng ý nên SCTV và HTVC cùng quyết định cắt kênh Vĩnh Long để cảnh cáo, vì vậy mới có chuyện không có kênh Vĩnh Long từ 0g ngày 19-2. Sau đó họ cho phát lại vì khán giả phản ảnh nhiều quá” - ông Nguyên chia sẻ.
Qua tìm hiểu, phóng viên Tuổi Trẻ được biết khoảng tháng 10-2008, HTVC có gửi thông báo đến các đài truyền hình tỉnh muốn được lên sóng truyền hình cáp của HTVC phải nộp phí truyền dẫn hằng năm từ 1-10 tỉ đồng/năm. Mục đích của phí này nhằm bù vào “chi phí khấu hao tài sản cố định, quản lý, vận hành, lương, đào tạo, marketing và chăm sóc khách hàng” của HTVC nhằm duy trì hoạt động của truyền hình cáp cũng như lượng thuê bao ngày càng tăng.
Tuy nhiên, mức chi phí có thể giảm tùy thuộc doanh thu kênh thấp hay đài có mối quan hệ với HTV trong nhiều năm qua. Vì vậy mới có những đài nộp khoảng 1 - 1,5 tỉ đồng, nhưng cũng có những đài phải nộp đúng 10 tỉ đồng, như Đài PT-TH Vĩnh Long là một ví dụ. Ông Nguyên cho biết: “Hiện giờ chúng tôi như ngồi trên đống lửa. Một bên là áp lực từ khán giả của đài Vĩnh Long, một bên là số tiền quá lớn từ nhà đài ở TP.HCM, nếu không ôm tiền lên chung chi đủ thì kênh Vĩnh Long sẽ không bao giờ được phát nữa”.
Không ai chịu nổi!
Ông Võ Văn Cầm, giám đốc Đài PT-TH Bà Rịa - Vũng Tàu, cho hay: “Cuối năm rồi HTV mới đặt ra vấn đề thu chi phí. Chúng tôi cũng nhận báo giá và đã trình lên tỉnh chờ hướng giải quyết. Tuy nhiên, tôi thấy có một nghịch lý là họ bỏ tiền đi mua bản quyền các chương trình nước ngoài, trong khi chương trình do chính các đài tỉnh sản xuất muốn lên sóng lại phải đi trả tiền cho họ. Họ lấy sản phẩm do đài tỉnh làm ra để kinh doanh, trong khi các đài tỉnh lại phải trả tiền phí cho họ để được phát sóng!”.
Một lãnh đạo về hưu của một đài PT-TH tỉnh cho biết: “Ngày trước khi mới thành lập, để có được nhiều kênh thì họ gửi công văn xin đưa sóng của mình vào gói kênh của họ rất đàng hoàng. Còn khi đã nhiều kênh, nhiều khán giả, họ cắt mà không hề nói với mình tiếng nào. Bây giờ HTVC và SCTV bắt tay nhau yêu cầu các đài tỉnh phải nộp tiền phí hằng năm cả tỉ đồng”. Ông Cầm nhận xét: “Tất nhiên HTVC và SCTV thu tiền để bù đắp phần nào chi phí đường truyền cũng đúng thôi, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận, nhưng thu ở mức nào cho hợp lý chứ cao quá thì không ai chịu nổi. Với lại ngày xưa khi cần người ta đến xin mình giúp khá dễ dàng và tình cảm, nhưng bây giờ lại đặt vấn đề rất khó xử”.
(Theo Tuổi trẻ)
Bình luận
Thì ra kênh của 1 đÀi truyền hình ở tỉnh muốn phát miễn phí trên hệ thống cable thì phải trả phí cho truyền hình cable. Vậy mà cứ tưởng phải ngược lại chứ.
Trời đất, đài tỉnh muốn phát phải đóng tiền, đúng là chuyện chỉ có ở VN