Thiết kế
Khi lần đầu nhìn vào, ấn tượng đầu tiên về Nokia X là thiết kế khá vuông vắn, có thể liên tưởng ngay đến dòng Asha giá rẻ, đặc biệt là những góc vát khá cứng cùng phím Home là dấu “<” đặc trưng.
Với kích thước 115,5 x 63 x 10,4 mm và nặng 129 gram, Nokia X khá cứng cáp và cầm khá chắc tay. Đặc biệt, máy còn đặc trưng với chiếc nắp lưng ốp khá dày, cứng cáp bao bọc toàn bộ máy (trừ màn hình) rất khít và chặt, không có cảm giác bị xê dịch. Đây cũng chính là bộ phận “tạo” nên màu sắc trẻ trung cho máy với 6 màu lựa chọn bao gồm đen, trắng, xanh dương, xanh lá, vàng và đỏ bởi phần thân máy hoàn toàn màu đen.
Nhìn tổng quát, phần trước máy là phím Home điều hướng độc nhất, phía trên là loa thoại và logo Nokia. Trong khi đó, cạnh trái không có gì, cạnh phải là phím nguồn cùng phím tăng giảm âm lượng, phần đỉnh máy được trang bị jack cắm tai nghe 3,5 mm hơi lệch về phía trái.
Mặt sau máy vẫn là vị trí đặt camera phía trên và loa ngoài phía dưới. Khi lột phần vỏ phía sau, mặt trong là 2 khe cắm SIM, 1 khe cắm thẻ microSD ở giữa và nơi đặt pin.
Nhìn toàn phần, máy có thiết kế khá cứng cáp, bắt mắt và tạo thiện cảm cho người dùng, thích hợp với giới trẻ. Tuy nhiên, vẫn chưa có sự sáng tạo nhiều do đi theo lối mòn của dòng Asha.
Màn hình và giao diện
Được trang bị màn hình IPS 4 inch độ phân giải 800 x 480 pixel mật độ điểm ảnh 233 ppi, máy có chất lượng hiển thị màu sắc khá tốt, rõ nét nhưng có phần hơi tối (có thể do nền phía sau màu đen tạo cảm giác này).
Tuy nhiên, ấn tượng nhất của máy vẫn là giao diện Nokia X Software Platform được Nokia tùy biến trên nền Android 4.1.2 Jelly Bean tạo cảm giác giống như đang “lướt” trên Windows Phone. Các icon ứng dụng được “dời” ra ngoài màn hình này và đã được bố trí theo dạng thư mục theo từng hàng và có màu sắc khác nhau khá dễ phân biệt. Ngoài ra, các ô icon này có thể thay đổi kích thước giống như nền tảng của Microsoft.
Bên cạnh đó, giao diện này đã được Nokia chia thành 2 phần rõ rệt với 1 phần là giao diện mặc định. Khi thao tác “lật trang” sẽ có một giao diện khác mà ở đây, mọi “lịch sử hoạt động” đều được lưu lại. Điều này sẽ giúp người dùng truy cập nhanh hơn ứng dụng mình cần thay vì phải “bước” từng bước vào (sẽ nói rõ hơn trong phần tính năng).
Nhìn chung, máy có giao diện khá tiện lợi và có chút mới mẻ. Với những ai đã từng sử dụng Windows phone, việc làm quen sẽ dễ dàng nhưng với những Android Fan hay iFan, việc thao tác có thể lạ lẫm hơn.
Tính năng
Trở lại với tính năng mà “trang 2” của giao diện Nokia X Software Platform mang lại. Đây là tính năng mang tên Fastlane với ưu điểm khá thú vị khi cho phép người dùng truy cập những ứng dụng mà trước đó mình đã thao tác. Ví dụ: Sau khi chụp ảnh xong, ta không cần phải vào thư viện mà có thể nhấn phím Home hơn 1 giây để về màn hình chính (nếu nhanh hơn, chức năng của nó chỉ quay lại 1 bước tương tự nút Back), sau đó thao tác lật qua trang sẽ thấy hình ảnh mình chụp và có thể xem nó 1 cách bình thường. Tính năng này áp dụng cho tất cả các ứng dụng trên Nokia X.
Nếu như người dùng không thích Fastlane, Nokia X vẫn sẽ cung cấp thanh thông báo phía trên cho phép tắt/bật/truy cập nhanh một số tính năng giống như smartphone Android khác như Wi-Fi, Bluetooth, cấu hình máy,…
Mặc dù chạy Android nhưng hầu hết dịch vụ của Google như Maps hay Gmail đều bị loại bỏ, kể cả cửa hàng Google Play cũng bị Nokia “lược bớt”. Thay vào đó, hãng tích hợp ứng dụng của chính hãng và Microsoft như HERE Maps, Skype, Outlook hay OneDrive.
Bên cạnh đó, Nokia X vẫn được trang bị máy ảnh độ phân giải 3 Mpx với tiêu cự cố định, zoom 4x, autofocus,… Thử nghiệm khả năng chụp ảnh của máy cho thấy, chất lượng hình ảnh là khá tốt, đủ để xem trên điện thoại và tung lên mạng xã hội.
Máy vẫn có mặt đầy đủ các kết nối Wi-Fi, Bluetooth,… cho kết nối dữ liệu. Ngoài ra, khả năng quản lí thông tin cá nhân, quản lí cuộc gọi, mã hóa dữ liệu,… là những tính năng đáng chú ý có mặt trên Nokia X.
Hiệu năng
Với cấu hình hỗ trợ bao gồm VXL lõi kép Qualcomm Snapdragon S4 tốc độ 1 GHz và RAM 512 MB, tốc độ lướt trên máy được đánh giá ở mức “trung bình khá” bởi đôi khi vẫn xảy ra tình trạng giật, lag và độ trễ khi chạm vào ứng dụng không gần như lập tức. Thử nghiệm ban đầu cho thấy, khi truy cập vào các ứng dụng, ban đầu vẫn độ trễ “kha khá” nhưng khi “vào trong” được, tình trạng này gần như giảm hẳn.
Với nguồn pin dung lượng 1500 mAh, Nokia X có thể hoạt động khá lâu, cao hơn so với những smartphone cùng dung lượng pin hiện nay với 13,3 giờ thoại 2G, 10,5 giờ thoại 3G, phát nhạc tối đa 26 giờ, vào mạng tối đa 4,5 giờ, chạy video tối đa 4,5 giờ, truy cập mạng Wi-Fi 4,7 giờ và thời gian chờ lên tới 28 ngày.
Bình luận