Chính thức có mặt cho người dùng Việt vào tháng 5, Zenfone 4 đang là cái tên gây chú ý nhất trong những ngày qua đối với nhiều người bởi cấu hình mạnh mẽ, hiệu suất cao trong tầm giá chỉ 2 triệu đồng.
Thiết kế
Nhìn toàn cảnh chiếc Zenfone 4, có thể nói sự vuông vức, các góc bo tròn nhẹ cho người dùng cảm giác khá thiện cảm “ngay từ cái nhìn đầu tiên”. Đồng thời, mặt trước máy cũng đã được được Asus bố cục khá hài hòa, lấy màn hình làm trọng tâm, đi kèm phía dưới là phần vân với các đường tròn đồng tâm sáng làm cho thiết bị trở nên thu hút. Phần viền và các chỗ nối cũng được thiết kế khá khít, không tạo cảm giác của một smartphone giá rẻ. Tuy nhiên, phần mặt kính màn hình còn dễ dàng để lại mồ hôi và dấu vân tay nếu sử dụng lâu, tạo cho màn hình cảm giác loang lổ rất khó chịu.
Nằm trong kích thước 124,4 x 61,4 x 11,2 mm và trọng lượng 115 gram, cộng thêm phần mặt sau hơi vòm và tạo cạnh nhẹ, cảm giác lần đầu tiên cầm máy khá tốt, chất liệu vỏ nhựa ở mặt sau cho cảm giác êm ái và cứng cáp rất chắc tay, không như các phiên bản giá rẻ khác. Tuy nhiên, dính bám vân tay vẫn xuất hiện trên lớp vỏ này.
Về bố cục, mặt trước vẫn là nơi đặt màn hình 4 inch, phía trên là loa nghe kèm camera trước và logo Asus, phía dưới là cụm phím điều hướng được thiết kế bằng cảm ứng. Riêng cụm phím này có thiết kế khá gần với màn hình, do đó nếu không cẩn thận thao tác, bạn có thể chạm vào nó bất cứ lúc nào. Ở cạnh bên phải, người dùng cũng dễ dàng bắt gặp cụm phím vật lí với các đường tròn đồng tâm sáng bóng nổi bật.
Riêng phần mặt sau vẫn là nơi đặt camera chính, logo Asus và loa ngoài. Khi mở chiếc vỏ máy, bên trong là viên pin khá dài, gần như chiếm ¾ diện tích. Chúng ta cũng có thể thấy rõ 2 khe SIM phần cạnh bên cùng khe cắm thẻ nhớ ở phần gần camera chính.
Nhìn chung, máy có thiết kế khá tốt so với các thiết bị cùng phân khúc nhưng chưa thể coi là đột phá.
Màn hình và giao diện
Với việc có mặt của màn hình hiển thị TFT kích thước 4 inch, khi bật máy lên, cảm giác ban đầu cho thấy là màn hình khá sáng. Tuy nhiên, đây chính là “tất cả” ưu điểm của nó bởi với độ phân giải 480 x 800 pixel và mật độ điểm ảnh 233 ppi, trên màn hình vẫn cho thấy răng cưa nếu nhìn kĩ. Đồng thời, màu sắc mặc định của chiếc màn hình này cũng không được trung thực mà có phần hơi nhạt. Tuy nhiên, có vẻ như Asus cũng đã “nhận thức” được điều này khi bổ sung thêm tính năng tùy chọn Splendid cho phép điều chỉnh màu sắc theo ý thích.
Cùng với đó, trải nghiệm cho thấy, độ tương phản của máy cũng không cao, độ mở góc nhìn thấp. Với khả năng hiển thị ngoài trời, dù tăng độ sáng tới mức tối đa nhưng nếu không để ý kĩ hoặc không nghiêng máy, vẫn không thể nhìn thấy hình ảnh.
Trên Zenfone 4, Asus đã trang bị cho máy HĐH Android 4.3 Jelly Bean trên nền Zen UI. Đây là giao diện người dùng được hãng điện tử Trung Quốc thiết kế theo phong cách đơn giản, màu sắc, “phẳng” hơn và dễ sử dụng hơn. Cảm giác trải nghiệm cho thấy nó cũng khá thân thiện và không mất nhiều thời gian để làm quen.
Nhìn chung, màn hình Zenfone 4 vẫn chỉ ở mức bình thường so với tầm giá nhưng bù lại, giao diện trên máy khá đẹp.
Tính năng – Camera
Trên Zenfone 4, Asus đã trang bị cho máy cảm biến 5 “chấm” khá mạnh mẽ cũng như hỗ trợ thêm những phần mềm chụp/chỉnh sửa/tạo hiệu ứng cho hình ảnh đáng giá. Trải nghiệm ban đầu thấy rằng, những hình ảnh chụp ban ngày của máy rất đẹp mắt, màu sắc trung thực, độ nét cao,… và theo so sánh, chất lượng của nó hơn hẳn những cái tên tầm 2 triệu đồng khác khác hiện nay như Nokia X, Samsung Galaxy Y, Sony Xperia E hay LG Optimus L4 II.
Không chỉ chụp ảnh thông thường, Zenfone 4 còn hỗ trợ chụp HDR, panorama, ảnh động (gif),… từng xuất hiện trên nhiều thiết bị tầm trung. Chất lượng nhận định cũng chỉ ở mức bình thường.
Một điểm yếu của camera Zenfone 4 là khả năng chụp đêm không được tốt, hình ảnh bị nhiễu khá nhiều, có thể một phần do không có đèn Flash. Tuy nhiên, điều này vẫn có thể chấp nhận được bởi với giá dưới 2 triệu đồng, ta không thể đòi hỏi nhiều hơn từ Asus.
Bên cạnh camera sau, máy cũng có thêm camera trước 0,3 Mpx chủ yếu là cho videocall do chất lượng ảnh chụp thấp, nếu không phải nói là quá tệ.
Ngoài khả năng chụp ảnh, nhờ sự có mặt của HĐH Android 4.3 Jelly Bean, Zenfone 4 vẫn hỗ trợ đầy đủ các ứng dụng tải về từ Google Play Store, đồng thời tích hợp sẵn các phần mềm chuyên dụng như lịch, báo thức,…. Tất nhiên, khả năng kết nối Internet như Wi-Fi, 3G,… cho lướt web, MXH, chơi game Mobile Online,… vẫn được tích hợp sẵn.
Hiệu năng và pin
Đây chính là điểm nhấn được khá nhiều trang công nghệ ca ngợi và thực tế trải nghiệm cũng phần nào chứng minh điều đó.
Theo đó, với cấu hình tốt hơn so với các đối thủ hiện nay bao gồm VXL lõi kép Atom Z250 tốc độ 1,2 GHz của Intel, RAM 1 GB, GPU PowerVR SGX 544MP, bộ nhớ trong 8 GB có thể mở rộng,… khả năng xử lí của máy rất mạnh mẽ với tốc độ khá cao, mang lại trải nghiệm mượt mà cho người dùng khi lướt, chạm. Thử nghiệm cho thấy, tốc độ mở ứng dụng khá nhanh và gần như không có độ trễ.
Đặc biệt, có vẻ như Zenfone 4 khá ưu ái cho tựa game Asphalt 8 khi đây là trò chơi khá nặng nhưng vẫn hoạt động cực kì mượt mà với các hiệu ứng hết sức chân thật, điều này không có mặt ở các smartphone khác.
Tuy nhiên, nếu sử dụng các ứng dụng nặng lâu, tình trạng giật, lag cũng đôi khi xảy ra. Khi thoát ứng dụng nặng, thậm chí độ trễ máy trở thành “nỗi ám ảnh” khi phản hồi rất lâu sau thao tác. Ngoài ra, máy cũng nóng lên đôi chút khi bị gặp phải những vấn đề vừa nêu trên.
Thế nhưng, với các thao tác bình thường như lên MXH, chơi game đơn giản cũng như đọc báo, xem phim, máy tỏ ra làm việc tốt không thua gì một smartphone tầm trung hiện nay.
Nếu như cấu hình máy là điểm nhấn thì viên pin lại là nỗi thất vọng. Với dung lượng chỉ 1200 mAh, máy chỉ hỗ trợ nghe gọi, nhắn tin bình thường tầm 1 ngày (không kể đêm), còn nếu chơi các tựa game nặng nói trên, thậm chí máy chủ “trụ” được hơn 1 giờ đồng hồ. Mặc du Asus đã cố ý tặng thêm một viên pin đi kèm nhưng vẫn không giải quyết được nhiều vấn đề, lại tạo thêm sự “rườm rà” mỗi khi thay đi thay lại viên pin khá khó chịu.
Bình luận