Tháng 7/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập cục CNTT thuộc Bộ GD-ĐT thay cho Trung tâm Tin học trước đây. Mô hình Cục CNTT được cho là có nhiều thuận lợi hơn cho việc triển khai ứng dụng CNTT so với mô hình trung tâm.

Tân Cục trưởng Cục CNTT Quách Tuấn Ngọc trao đổi với PV PCWorld VN.

- Thời gian qua, tại Bộ GD-ĐT, việc ứng dụng CNTT có những khó khăn gì, thưa ông?

- Ông Quách Tuấn Ngọc: Khó kăn thì rất nhiều. Không riêng tại Bộ GD-ĐT mà các bộ khác cũng chung cảnh ngộ. Một trong số các vướng mắc đó là tình trạng thiếu đầu mối quản lý thống nhất nên cản trở việc triển khai CNTT ở các bộ, ngành. Chẳng hạn, việc triển khai Đề án 112 trong ngành giáo dục suốt 3 năm đầu tiên do Văn phòng Bộ đảm nhận, đến cuối năm 2005 mới bàn giao lại cho Trung tâm Tin học.

Tuy Trung tâm Tin học trước đây đã có nhiều ứng dụng CNTT phục vụ ngành giáo dục, được dư luận đánh giá cao như: website mạng giáo dục, tổ chức hội thảo qua mạng trên quy mô lớn, xử lý dữ liệu các kỳ thi để đánh giá kết quả, các phần mềm quản lý giáo dục, cổng giáo dục điện tử E-Learning, diễn đàn giáo dục, thư viện giáo trình, cổng thông tin thi và tuyển sinh... nhưng nhìn chung vẫn loanh quanh trong “sân” của bộ.

Nói nôm na là Trung tâm Tin học giống như người “múa gậy trong bị”, vướng víu lắm. Có nhiều việc muốn làm nhưng nhiều khi phải “nhịn”, nhịn nói, nhịn làm. Chẳng hạn việc ứng dụng CNTT trong quản lý tại các trường học nói chung, hiện mỗi trường triển khai theo một kiểu, mỗi dự án đều đầu tư tiền tấn để làm cùng một việc, rồi nhận được sản phẩm là những viên gạch được đúc nhiều khuôn khác nhau và không thể ghép lại để có được một hệ thống thống nhất.

Nay “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, giới lãnh đạo cũng đã nhìn nhận đúng về vai trò của thông tin - truyền thông, rồi một loạt các văn bản luật, nghị định về CNTT ra đời. Đặc biệt, Nghị định 64 quy định các bộ phải có một đơn vị chuyên trách duy nhất. Đây là niềm mơ ước của anh em làm CNTT ở tất cả các bộ. Đồng thời cũng là dịp để khẳng định vai trò cốt lõi của thông tin - liên lạc trong Chính phủ, cải cách hành chính, dịch vụ hành chính công phục vụ dân...

- Vậy ông ấp ủ và dự định sẽ thực hiện điều gì trong thời gian tới?

- Dự định thì có nhiều nhưng tôi vẫn hơi tiếc vì quyết định ký vào cuối tháng 7 nên chúng tôi chưa kịp làm kế hoạch cho năm 2008 (đến ngày 30/7 là hết hạn gửi kế hoạch năm sau). Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cố gắng hết sức làm theo hướng dẫn của bộ BCVT.

Theo hướng dẫn của Chính phủ và Nghị định 64, Cục sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT cho quản lý nhà nước, hành chính điện tử, phục vụ công tác điều hành của lãnh đạo, đồng thời triển khai các dịch vụ hành chính công. 9 quy trình “một dấu một cửa” (đã được đưa trên website của bộ GD-ĐT) sẽ được chuyển sang giao dịch trực tuyến online. Cục cũng sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển nguồn nhân lực CNTT như: quản lý về đào tạo CNTT của các trường, các sở. Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng quy hoạch nguồn nhân lực CNTT. Cục cũng dự thảo, đệ trình lãnh đạo bộ ban hành văn bản để thúc đẩy việc triển khai các kế hoạch trên.

- Trong buổi gặp gỡ với Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm ngày 14/2/2006, ông là người đưa ra ý kiến cho rằng, mô hình cấp Cục là phù hợp nhất đối với các tổ chức phụ trách về tin học trong các bộ, ngành. Ông có thể cho biết lý do vì sao?

- Những năm gần đây, cả thế giới trong đó có Việt Nam đã quen với thuật ngữ ICT (Information and Communication Technology). ICT được dịch ra tiếng Việt là CNTT và truyền thông. Tuy nhiên một điều thú vị là thuật ngữ ICT từng được dùng ở Việt Nam cách đây hơn 60 năm và đã có hẳn một cơ quan quản lý độc lập về lĩnh vực này. Bằng chứng là năm 1946, Bác Hồ ký quyết định thành lập Cục Thông tin – Liên lạc, bổ nhiệm ông Hoàng Đạo Thúy làm Cục trưởng. Có thể nói, ngay từ đầu Chính phủ đã dùng mô hình quản lý ICT đầu tiên ở Việt Nam là cấp cục và đến nay vẫn còn ý nghĩa. Trên thực tế, tại các đơn vị quản lý và triển khai ICT ở một số bộ ngành, nơi nào ICT là yếu tố sống còn và cốt tử từ hàng chục năm nay thì nơi đó thành lập cục: như Bộ Tài chính, Ngân hàng, Hải quan, Công an, Quân đội, Cơ yếu.

Điều khác biệt duy nhất ở chỗ công nghệ ngày xưa là điện tử và sóng vô tuyến, còn nay là mạng máy tính. Điều thú vị khác là trong chiến tranh, sĩ quan thông tin và liên lạc là người luôn ở ngay cạnh tướng chỉ huy, kể cả lúc ngủ qua đêm ở hầm chỉ huy. Nói thế để thấy Information (thông tin) và Communication (liên lạc) được coi trọng từ thuở xa xưa chứ không phải đợi đến bây giờ. Tôi xin nhấn mạnh thêm Communication dịch chuẩn nhất là liên lạc, là trao đổi thông tin, chứ không phải là truyền thông (broadcasting).

Bên cạnh đó, các trung tâm tin học hiện nay đều là đơn vị sự nghiệp, nghĩa là chủ yếu làm “dịch vụ công nghệ”, hỗ trợ công tác tin học hóa trong phạm vi cơ quan bộ là chính, không đủ chức năng để thúc đẩy ứng dụng CNTT trên qui mô cả ngành. Mô hình cấp cục với chức năng vừa tham mưu, vừa chỉ đạo, vừa có đơn vị sự nghiệp trực thuộc để triển khai sẽ giúp cho việc chỉ huy và triển khai CNTT đủ rộng, đủ sâu. Chính phủ yêu cầu mỗi cơ quan chỉ có một đơn vị chuyên trách CNTT làm đầu mối nên sẽ khắc phục tình trạng chồng chéo trong quản lý, triển khai CNTT như hiện nay. Cái được lớn nhất trong mô hình mới là những người làm CNTT được quyền chủ động từ việc đề xuất chính sách, lên kế hoạch đến việc triển khai thực hiện các chính sách và kế hoạch đó. Vậy tại sao ta không áp dụng mô hình quản lí và triển khai đã từng tồn tại này.

- Xin cảm ơn ông.

(Theo PC World VN) 

Bình luận

  • TTCN (0)