Các dịch vụ thoại qua giao thức Internet được nhận định là rất có tương lai khi công nghệ băng rộng trở nên phổ cập. Ảnh: Thái Khang.

Điện thoại qua giao thức Internet có cước siêu rẻ, thậm chí miễn phí qua Wi-Fi, WiMax, đã khiến một số nhà khai thác viễn thông lo ngại. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, đây chỉ là những dịch vụ bổ sung cho các nhu cầu sử dụng khác nhau và những dịch vụ thoại qua giao thức Internet vẫn còn rất nhiều hạn chế nên chưa thể đe dọa đến các nhà khai thác viễn thông.

Mối đe dọa tới gần?

Mặc dù đã được cấp phép cung cấp một số dịch vụ viễn thông, song FPT Telecom chưa đủ tiềm lực để xếp mình vào danh sách các công ty viễn thông, mà vẫn chỉ được biết đến như một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP). Ở cái thế “chả có gì mà mất”, FPT Telecom đã tiến sang một công nghệ khác mà giới phân tích cho rằng sẽ là mối lo ngại cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, đó là công nghệ SIP. Trả lời Báo BĐVN, bà Chu Thanh Hà, Phó giám đốc FPT Telecom cho biết hiện công ty này đang thử nghiệm mạng SIP (nhưng chưa có kết quả gì!). SIP (Session Initiation Protocol -Giao thức khởi tạo phiên) là một giao thức tín hiệu điện thoại IP dùng để thiết lập, sửa đổi và kết thúc các cuộc gọi điện thoại VoIP. Chuẩn này có khả năng thiết lập và truyền tín hiệu các cuộc gọi trong mạng Internet, tương tác theo thời gian thực, có thể xử lý thông tin trong cấu trúc mạng phức tạp mà mỗi phiên có thể là một cuộc gọi điện thoại 2 chiều, một thông báo các tin nhắn...

Giới chuyên môn nhận định, SIP sẽ có vị trí vững vàng trong công nghệ không dây và mạng di động thế hệ thứ ba (3G). Cisco và nhiều hãng sản xuất thiết bị tổng đài IP đang đưa SIP vào phần cứng, còn Skype, Yahoo, Microsoft… cũng đã tích hợp SIP trong hệ thống tin nhắn nhanh của họ. Phía FPT Telecom cũng thông tin rằng với mạng SIP kết hợp với dịch vụ Internet Wi-Fi đang được lắp miễn phí ở nhiều nơi thì những người dùng máy tính xách tay, điện thoại di động có thể gọi điện thoại miễn phí được. Những dòng máy ĐTDĐ sử dụng HĐH Symbian9, Windows Mobile 2003/2005 ngoài sử dụng dịch vụ thoại của các nhà cung cấp viễn thông còn có thể kết nối được với SIP để “alô” qua Internet với giá rẻ, thậm chí miễn phí. Trong khi đó, FPT đang mở rộng mạng Wi-Fi tại nhiều trung tâm lớn ở Hà Nội và TP. HCM.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông của VNPT còn cho rằng, không chỉ có công nghệ SIP đe dọa đến các dịch vụ truyền thống, mà khi Việt Nam cấp phép WiMAX sẽ có hàng loạt các dịch vụ gọi điện thoại miễn phí trên mạng băng rộng này như Skype chẳng hạn. Với ưu thế truyền dẫn Internet băng rộng và có tính năng di động, chắc chắn sẽ có hàng loạt các dịch vụ qua giao thức Internet sẽ được cung cấp trên nền mạng này. Lúc đó, các thiết bị hỗ trợ WiMAX di động sẽ được người sử dụng có thể sẽ lựa chọn các dịch vụ qua giao thức Internet nhiều hơn vì việc kết nối băng thông rộng sẽ đem lại dịch vụ chất lượng tốt hơn và có khả năng di động nên sẽ khắc phục được nhiều nhược điểm của dịch vụ này hiện nay.

Mới đây, hãng Nokia đã tung ra dòng máy Nokia N800 hỗ trợ WiMAX và có thể thực hiện điện thoại Skype. Giới phân tích cho rằng, hiện thị trường VoIP còn nhỏ, thế nhưng đây vẫn sẽ là mối đe dọa trong tương lai. Chẳng hạn, nếu như dùng Skype, khách hàng sẽ có thể sẽ bỏ điện thoại cố định hay di động mà cần cài đặt phần mềm Skype vào máy tính, mua một cái micro và tai nghe, thế là có thể dễ dàng biến PC thành điện thoại và mới đây công nghệ này đã được tích hợp tất cả trong chiếc điện thoại.

Các nhà khai thác viễn thông nói gì?

Tỏ ra khá lạc quan về tính cạnh tranh của mạng di động GSM, ông Phan Hữu Châu, Trưởng phòng Kỹ thuật của Vinaphone cho biết, với các công nghệ thoại mới trên giao thức Internet như SIP sẽ bổ sung cho các dịch vụ mà khách hàng tùy theo nhu cầu để sử dụng chứ không thể đe dọa đối với dịch vụ di động hiện nay. Trong khi đó các dịch vụ này còn nhiều nhược điểm và phạm vi sử dụng còn hạn chế. Ông Phan Hữu Châu còn cho rằng, trong tương lai, các nhà khai thác viễn thông sẽ tiến lên mạng băng rộng. Lúc đó tỷ lệ thoại trên mạng băng rộng nhỏ, thậm chí các nhà khai thác viễn thông có thể cho miễn phí thoại mà chỉ tính tiền dịch vụ phi thoại.

Khác với ý kiến của phía Vinaphone, ông Hoàng Sơn, Phó giám đốc Viettel Telecom cho rằng, những dịch vụ thoại miễn phí qua giao thức Internet có thể đe dọa đến các nhà khai thác viễn thông. Tuy nhiên, mối đe dọa như thế nào còn phụ thuộc vào chính sách quản lý. "Ở những nước phát triển có vùng phủ Wi-Fi miễn phí, người sử dụng có thể sử dụng miễn phí các dịch vụ thoại qua giao thức Internet. Nhưng ở Việt Nam vùng phủ sóng Wi-Fi hẹp và các nhà khai thác viễn thông đang trong quá trình đầu tư mạng lưới nên việc triển khai miễn phí các dịch vụ thoại qua giao thức Internet một cách rộng rãi vẫn là câu chuyện xa", ông Hoàng Sơn nói.

(theo ICTnews) 



Bình luận

  • TTCN (0)