Kiến trúc của NGN

Đến cuối 2008, VNPT, Viettel và EVN Telecom cơ bản sẽ xây dựng xong mạng viễn thông thế hệ mới (NGN), hỗ trợ đắc lực cho nâng cao chất lượng, giảm giá dịch vụ.

Ông Trần Mạnh Hùng, ủy viên HĐQT Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) phân tích, nếu xét dưới giá trị kinh tế, mạng NGN giúp nhà khai thác mạng giảm chi phí khai thác lớn. Với mạng thế hệ cũ, mỗi dịch vụ là một hệ thống, như hệ thống điện thoại, hệ thống truyền số liệu, hệ thống Internet; nhưng với mạng NGN tất cả các dịch vụ này đều chạy trên nền một hệ thống nên giảm đáng kể chi phí khai thác và dẫn đến có thể giảm giá thành dịch vụ và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Hơn nữa, xu hướng trên thế giới hiện nay cũng đang chuyển đổi từ mạng thế hệ cũ sang mạng thế hệ mới này. Như vậy, những nhà cung cấp thiết bị cũng sẽ không cung cấp thiết bị cho mạng thế hệ cũ cũng như không bảo trì, bảo dưỡng cho mạng này. Như vậy, nếu tiếp tục sử dụng khai thác mạng thế hệ cũ khi có hỏng hóc thiết bị sẽ không có thiết bị thay thế. Trong khi đó, mạng thế hệ cũ hiện nay giá thiết bị rẻ, nhưng chi phí khai thác của mạng thế hệ cũ cao hơn rất nhiều lần so với mạng thế hệ mới.

VNPT hoàn thành xây dựng NGN vào cuối năm 2008

Trên cơ sở đó, VNPT đã lựa chọn xây dựng mạng thế hệ mới NGN. Ông Trần Mạnh Hùng cho rằng, mô hình kinh doanh trên mạng NGN sẽ kích thích các dịch vụ nội dung phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới và có thể xã hội hoá việc cung cấp dịch vụ này mà VNPT chỉ đóng vai trò là người cung cấp dịch vụ truyền dẫn. Hiện VNPT đang cung cấp các dịch vụ tiên tiến trên nền mạng NGN (như MegaWAN, IP Centrex...) cho các tổ chức, doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Bộ Tài chính, hàng không, ngân hàng...

Ảnh
Fixed SMS, một dịch vụ mới nhất trên nền mạng NGN vừa được VNPT cung cấp ra thị trường. Ảnh: T.K.

Ông Bùi Thiện Minh, Phó tổng giám đốc VNPT cho biết, hiện VNPT đã triển khai xong mạng NGN ở một phần mạng đường trục và đã đưa vào khai thác. Dự kiến đến cuối năm 2008, chậm nhất là đầu năm 2009, VNPT sẽ hoàn thành xây dựng mạng NGN. Tổng vốn đầu tư cho mạng NGN rất lớn, khoảng 1 tỷ USD. Sau khi xây dựng xong mạng NGN, VNPT sẽ sẵn sàng cung cấp tất cả các dịch vụ băng rộng với chất lượng dịch vụ có tiêu chuẩn quốc tế. Đây sẽ là lợi thế của VNPT khi mà xu hướng các dịch vụ băng rộng sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

EVN Telecom, Viettel và FPT Telecom: Đi thẳng vào NGN

Ông Hoàng Văn Nhuần, Phó giám đốc EVN Telecom cho biết, hiện EVN đã đầu tư hệ thống NGN và dự kiến đưa vào khai thác vào cuối 2007. Hiện EVN đang tiến hành đấu thầu mạng NGN này. Ông Nhuần cho biết EVN Telecom sẽ tiến thẳng vào công nghệ NGN với dung lượng giai đoạn đầu khoảng 150 000 thuê bao điện thoại cố định. Vốn đầu tư cho giai đoạn này là gần 1 000 tỷ đồng. Trên mạng NGN này, EVN Telecom sẽ phát triển nhiều dịch vụ băng thông rộng để cung cấp cho khách hàng. Ông Hoàng Sơn, Phó giám đốc Viettel Telecom cho biết, công ty này sẽ tập trung tiến hành NGN hóa mạng di động trước. Hiện Viettel Telecom mới đầu tư và đang lắp đặt thiết bị đáp ứng cho khoảng 10 triệu thuê bao di động. Ông Hoàng Sơn phân tích, việc đưa công nghệ NGN hóa mạng di động sẽ tối ưu được đường truyền và hiệu năng cho việc quản lý mạng và chất lượng thoại sẽ tốt hơn. Bên cạnh đó, NGN cho mạng di động sẽ thuận tiện cho việc triển khai các dịch vụ giá trị gia tăng đã sẵn sàng khi Viettel Mobile tiến lên 3G.

Cùng với các "đại gia" trên, ông Trương Đình Anh, Giám đốc FPT Telecom cho biết, FPT Telecom sẽ cung cấp dịch vụ điện thoại cố định trên nền công nghệ mới là mạng NGN và tổng đài Softswitch, đặc biệt có thể cung cấp cho mỗi khách hàng 2 số điện thoại độc lập trên cùng một đường dây. Với công nghệ này, khách hàng của FPT Telecom sẽ được hưởng gói dịch vụ "Triple Play - 3 trong một" gồm: Internet băng rộng, điện thoại cố định, truyền hình IP - một hình thức được các chuyên gia đánh giá là sẽ hiệu quả và rẻ hơn rất nhiều so với mua lẻ từng dịch vụ. Để tạo thuận lợi cho người sử dụng, FPT Telecom sẽ cho phép khách hàng thanh toán tất cả các dịch vụ trên cùng một hóa đơn cước.

NGN đang là xu hướng của các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam, nhằm cung cấp các dịch vụ chất lượng cao với giá thành hạ để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Trong đó, VNPT đang là doanh nghiệp dẫn dầu trong việc NGN hóa mạng lưới viễn thông. Đây cũng là thế mạnh của VNPT trong việc cung cấp các dịch vụ băng rộng trong tương lai.

(theo ICTnews) 




Bình luận

  • TTCN (0)