Các mạng di động vẫn liên tục khuyến mãi Sim trả trước ồ ạt để tranh giành thuê bao mới. Ảnh: B.M.

Vì sao khi cung cấp dịch vụ nội dung SMS cho các thuê bao di động của MobiFone càng nhiều, doanh thu của các nhà cung cấp dịch vụ nội dung lại càng bị âm? Câu trả lời nằm ở công thức tính tỉ lệ chia sẻ khuyến mãi rất vô lý và mang tính áp đặt mà nhà mạng này "ép" các CP phải chia sẻ doanh thu theo.

Như VietNamNet đã đề cập về việc các nhà cung cấp dịch vụ nội dung, còn gọi là CP (Content Provider) khiếu nại tình trạng các mạng di động (Telco) như MobiFone và Viettel áp đặt những hình thức chia sẻ chi phí khuyến mại bất hợp lý, khiến doanh thu của CP bị thiệt hại nghiêm trọng.

Để lý giải cụ thể về nguyên nhân dẫn tới tình trạng một số CP phải chịu mức chi phí chia sẻ khuyến mãi trả cho Telco cao hơn cả doanh thu mà CP được hưởng do cung cấp dịch vụ nội dung, PV VietNamNet đã tìm hiểu về công thức tính chi phí chia sẻ khuyến mại mà mạng MobiFone áp dụng khiến các CP đều phản ứng và khiếu nại vì bất hợp lý.

Chia sẻ chi phí hay đùn đẩy gánh nặng khuyến mãi?

Về bản chất, việc chia sẻ chi phí khuyến mãi dựa trên tinh thần các CP cùng chia sẻ với nhà mạng để kích cầu người tiêu dùng. Telco và CP cùng bỏ sản phẩm, dịch vụ của mình để cho khách hàng dùng thử, khuyến khích khách hàng mua thêm sản phẩm. Telco bỏ sóng trống, còn CP góp nội dung miễn phí. Như vậy, hiển nhiên doanh thu của CP sẽ luôn lớn hơn 0 và sẽ cùng tăng lên trong các chương trình khuyến mại thành công của Telco.

Tuy nhiên, công thức tính tỉ lệ chia sẻ khuyến mãi mà MobiFone đưa ra cho các CP lại không phù hợp theo tinh thần hợp tác này. Cụ thể, công thức được tính như sau:

Ci=∑CPKM x DTCPi/TDT

Trong đó:

- Ci: Chi phí khuyến mại mà MobiFone phân bổ cho đối tác cung cấp nội dung CPi cùng chịu

- CPKM: Chi phí khuyến mại của MobiFone cho mỗi loại khách hàng trong tháng (như tặng cước cho thuê bao trả sau, nhân đôi tài khoản khi nạp tiền thuê bao trả trước đang hoạt động, tặng trên 300% cước cho thuê bao trả trước hoà mạng mới)

- DTCPi: Doanh thu dịch vụ nội dung của CPi được hưởng tương ứng với từng loại khách hàng trong tháng

- TDT: Tổng doanh thu của MobiFone trong tháng

Theo công thức tính này, chẳng hạn giá bán Sim trả trước hoà mạng mới là 50.000đ, tài khoản sau khi hoà mạng có 180.000đ, thì chi phí khuyến mại được MobiFone tính là 180.000 - 50.000 = 130.000đ, còn tổng doanh thu khi bán Sim mới này là 50.000đ. Khi thuê bao mới này gửi 1 SMS sử dụng dịch vụ nội dung của một CP với giá 15.000đ, thì chi phí khuyến mại mà CP phải chịu cho 1 tin nhắn này là: 130.000*15.000/50.000 = 39.000đ.

Kể cả khi CP thu được nguyên 15.000đ cước dịch vụ nội dung của SMS này (nhưng trên thực tế còn bị trừ chi phí đường truyền) thì doanh thu của CP được hưởng vẫn chỉ là 15.000 - 39.000 = -24.000đ.

Như vậy, mỗi khi thuê bao trả trước hoà mạng mới sử dụng dịch vụ nội dung SMS giá 15.000đ, thì CP cung cấp dịch vụ sẽ không những không thu được đồng nào, mà còn phải trả thêm cho MobiFone 24.000đ.

"Đánh tráo" khái niệm tổng doanh thu

Theo công thức tính này, khái niệm tổng doanh thu được MobiFone định nghĩa là số tiền thực tế mạng di động này thu về được từ việc bán thẻ cào và Sim hoà mạng, thu cước thuê bao trả sau... và đối với thuê bao trả trước, tổng doanh thu này còn thấp hơn cả con số chi phí khuyến mại.

Chỉ cần đảo phép nhân và phép chia trong công thức trên thành Ci = (CPKM/TDT) x DTCPi, có thể thấy bất cứ khi nào chi phí khuyến mại của MobiFone lớn hơn tổng doanh thu thực tế thu về (CPKM/TDT > 100%), thì mức chia sẻ khuyến mại mà CP phải chịu đều sẽ lớn hơn mức doanh thu mà CP được hưởng.

Trong cách định nghĩa tổng doanh thu này, MobiFone mặc nhiên coi doanh thu thực tế của mình hoàn toàn là tiền thật, nhưng lại áp công thức tính chi phí khuyến mại cho CP bằng con số CPKM (là tiền ảo do MobiFone tự "tạo ra" để kích cầu tiêu dùng) và bắt CP phải trả lại cho mạng này bằng tiền thật bằng cách trừ vào doanh thu thực của CP.

Ảnh
Doanh thu một CP được hưởng từ thuê bao trả trước của MobiFone còn thấp hơp cả chi phí chia sẻ khuyến mãi phải trả lại (vòng tròn đỏ), lý do vì MobiFone tính mức tổng doanh thu thấp hơn mức chi phí khuyến mại. Ảnh: B.M.

Để dễ hiểu hơn, có thể hình dung khi bán ra chiếc Sim mới với giá 50.000đ nhưng tài khoản thuê bao có tới 180.000đ, bản chất là MobiFone đã "phát hành" số tiền vào tài khoản thuê bao lớn hơn giá trị tiền mặt là 180/50 = 360%, hay trong tổng giá trị tài khoản trả trước hoà mạng mới chỉ có 50/180 = 27,78% là tiền thật, còn 130/180 = 72,22% còn lại là tiền khuyến mại hay tiền ảo.

Với hình thức tính chi phí chia sẻ khuyến mại được MobiFone áp dụng (không dùng hình thức chia hai tài khoản), thì mỗi khi thuê bao trả trước hoà mạng mới gửi 1 SMS sử dụng dịch vụ nội dung giá 15.000đ, nếu đúng ra, CP vẫn phải được hưởng lợi nhuận thật bằng 27,78% của tổng doanh thu trước khi trừ chi phí chia sẻ khuyến mại, chứ không phải là một con số âm như theo cách định nghĩa tổng doanh thu của MobiFone.

Do đó, với trường hợp thuê bao trả trước hoà mạng mới gửi 1 SMS sử dụng dịch vụ nội dung giá 15.000đ nói trên, công thức tính chi phí chia sẻ khuyến mại đúng sẽ phải là 130.000*15.000/180.000 = 10.833đ, và CP vẫn còn được hưởng lợi nhuận là 15.000 - 10.833 = 4.167đ.

Cách tính tổng doanh thu là 180.000 mới phù hợp với tinh thần hợp tác kích cầu người tiêu dùng, MobiFone khuyến mãi tiền vào tài khoản thuê bao, và tỉ lệ tiền khuyến mại chiếm 72,22%. Do đó, khi CP thu lợi nhuận từ dịch vụ tin nhắn, sẽ chỉ phải bớt lại 72,22% để chia sẻ chi phí khuyến mại mà MobiFone đã tặng cho khách hàng, chứ không phải bớt lại tới 260% như cách tính mà mạng di động này đang áp đặt cho các CP.

Với tỉ lệ thuê bao trả trước so với trả sau trên các mạng di động thường chiếm khoảng 80%. Trong nhóm đối tượng sử dụng dịch vụ nội dung SMS thì tỉ lệ thuê bao trả trước còn cao hơn vì thường là giới trẻ, rất linh hoạt trong việc tận dụng các chương trình khuyến mãi, tặng cước của nhà mạng để sử dụng các dịch vụ nội dung trên di động. Do đó, khi các CP bị âm doanh thu vì cung cấp dịch vụ cho các thuê bao trả trước thì lợi nhuận kinh doanh dịch vụ SMS chẳng còn là bao, và trong nhiều trường hợp chắc chắn bị lỗ.

Không chấp nhận thì... "nhịn"!

Tuy công thức tính chi phí chia sẻ khuyến mãi bất hợp lý như vậy, nhưng vào cuối tháng 12/2008, khi MobiFone tuyên bố áp dụng hình thức ăn chia lợi nhuận này trong các biên bản đối soát sản lượng SMS và phân chia doanh thu của các tháng 10,11,12/2008, các CP cũng không có cơ hội nào để đàm phán, trao đổi hay kiến nghị sửa lại cách tính cho phù hợp.

Nếu CP nào thấy cách tính bất hợp lý, nhất định từ chối ký vào biên bản đối soát sản lượng SMS thì đồng nghĩa với việc sẽ bị "treo" nguồn doanh thu chính từ MobiFone của 3 tháng cuối năm 2008, đồng thời các tháng sau đó cũng không triển khai đối soát sản lượng SMS được vì MobiFone lấy lý do các tháng trước chưa giải quyết xong.

Nhiều CP có quy mô nhỏ, nguồn vốn có hạn nên dù biết bị MobiFone "xử ép" nhưng nếu không chấp nhận thì không có doanh thu để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động, nên đành "ngậm bồ hòn làm ngọt", chấp nhận thà bị bớt còn hơn không được lấy tiền.

Một số CP lớn hơn như VNNPlus, VMG, nhờ kinh doanh đa lĩnh vực nội dung số nên vẫn đủ khả  năng duy trì hoạt động, nhưng cũng chịu áp lực rất nhiều do bị "giam" doanh thu từ MobiFone tới vài ba tháng liên tiếp, trong khi vẫn phải trang trải các chi phí nhân công, thuê mặt bằng trụ sở, tái đầu tư vào mua bản quyền nội dung, truyền thông quảng cáo dịch vụ trên các báo, đài.

Ảnh
Các chương trình khuyến mãi Sim mới liên tục được tung ra (khiến đại lý không kịp dán chữ vào giá tiền mà phải dùng bút dạ cho linh hoạt), nhà mạng phát triển thêm nhiều thuê bao mới, nhưng doanh nghiệp nội dung SMS thì lỗ nặng. Ảnh B.M.

Trao đổi với VietNamNet, một số CP (không muốn nêu tên) cho biết hiện các công ty này đều đang rơi vào cảnh phải vay thêm vốn ngân hàng để duy trì hoạt động vì vẫn phải thanh toán các chi phí quảng cáo trên truyền hình, báo đài. Từ tháng 10/2008, các công ty này cũng chưa được MobiFone thanh toán doanh thu SMS. Có CP cho biết đã phải mang cả sổ đỏ nhà riêng ra thế chấp để vay ngân hàng. Tuy nhiên các CP này không chấp nhận phương án tính tỉ lệ chia sẻ khuyến mại bất hợp lý của MobiFone đưa ra vì không muốn tạo ra một tiền lệ xấu trong quan hệ phân chia lợi nhuận gây bất lợi cho các CP nói chung.

Được sự uỷ quyền của hơn 20 doanh nghiệp CP, đầu tháng 2/2009, CLB các doanh nghiệp Game và CP đã gửi công văn tới Công ty Thông tin di động VMS, đơn vị chủ quản mạng MobiFone để đề nghị thu xếp cuộc họp giải quyết vướng mắc về chính sách chia sẻ khuyến mại. Sau khi nhận được công văn của CLB các CP, công ty VMS đã có công văn trả lời số 94/KH-DK cho biết sẽ báo cáo cấp lãnh đạo để xem xét đề nghị của các doanh nghiệp CP.

Tuy nhiên, đã hơn 1 tháng trôi qua nhưng cách tính chia sẻ chi phí khuyến mại của MobiFone vẫn không thay đổi, và những CP nào không chấp nhận cách tính này đều vẫn đang bị "giam" doanh thu từ quý IV năm 2008

Bình Minh (VietnamNet)



Bình luận

  • TTCN (0)