Đánh lô đề là hình thức cờ bạc đã bị luật pháp Việt Nam cấm từ lâu nhưng các dịch vụ quảng bá phương pháp "soi cầu" qua tin nhắn điện thoại di động ngày càng ngang nhiên "đổ bộ" vào thiết bị số cá nhân.
Đang tập trung làm việc, anh Hưng, Trưởng ban của một tờ báo lớn ở Hà Nội, phát cáu vì phải giở tin nhắn đến ra xem với những nội dung không bao giờ quan tâm: "Phương pháp soi cầu mới và hiệu quả nhất! Hôm qua chính xác 100%. Lô đề tiếp tục tận hưởng chiến thắng? Soạn tin ABS gửi 8514". Anh Hưng cho biết cứ cách ngày lại nhận được tin loại này, chưa kể có ngày nhận vài ba tin.
Không chỉ đầu số này, hiện có rất nhiều dịch vụ cung cấp đoán lô đề gửi tin nhắn spam quảng cáo người dùng gửi yêu cầu đến các đầu số khác nhau, ví dụ "Từ trường quay 1A Tăng Bạt Hổ, mỗi ngày đưa ra 1 cặp LÔ khả năng xuất hiện 99%. Để đăng ký nhận số, soạn X2 MB gửi 8758".
Dù chưa bao giờ dùng dịch vụ xem lô đề, khi gọi đến nhân viên chăm sóc khách hàng của Công ty Cổ phần Truyền thông ABC, anh Hưng nhận được câu trả lời: "Do anh từng nhắn tin đến số 8758 để yêu cầu dịch vụ nên mới có tin nhắn quảng bá này gửi tới máy của anh. Nếu không muốn nhận nữa thì chúng tôi đưa vào danh sách hạn chế".
Bà Đàm Ngọc Mai, Trưởng nhóm Chăm sóc khách hàng của công ty Cổ phần Vietnamnet Tiên Phong phụ trách đầu số 8x14, cho rằng việc quảng bá cho lô đề không vi phạm pháp luật. "Nếu lô đề vi phạm pháp luật thì sao nhà nước lại có hình thức quay xổ số", bà Mai biện minh.
Trao đổi với VnExpress.net, luật sư Phạm Thanh Bình, Phó giám đốc Công ty Luật Hồng Hà tại Hà Nội, cho biết, hiện nay chưa có văn bản pháp lý nào quy định về việc quảng cáo lô đề. "Tuy nhiên, trong một cuộc họp mới đây, Bộ Công an và Bộ Thông tin Truyền thông đã đề cập đến vấn đề này và sẽ phối hợp ra văn bản quy định", ông Bình nói. "Quan điểm của tôi là hành vi đó có thể được phân loại vào hành vi xúi giục, khuyến khích người khác đánh bạc và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật".
Trong đầu năm nay, các loại tin nhắn nhảm nhí, thiếu căn cứ khoa học, câu khách vẫn xuất hiện tràn lan. Trong một lúc "thất thần" vì cãi vã với người yêu, chị Hà, một sinh viên cao học Ngoại ngữ, đã nhắn tin khi nhận được SMS quảng cáo: "Muốn biết bạn và người ấy có hợp nhau, soạn tin..., gửi về số...". Lúc "tỉnh" ra, chị mới biết là mình dại vì chỉ mỗi hai cái tên thì không thể nói được gì. "Trên đời này, thiếu gì tên trùng nhau, nhất là tên phổ biến như mình", chị Hà thở dài.
Trong năm qua, Bộ Thông tin Truyền thông đã ban hành Nghị định chống thư rác; còn Thông tư 12 hướng dẫn một số điểm trong Nghị định này cũng đi vào hiệu lực từ ngày 9/2/2009. Theo đó, nhà cung cấp dịch vụ mạng viễn thông và nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo bằng tin nhắn phải có mã số quản lý do Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính VNCERT cấp. Mỗi tin nhắn spam phải có tiêu đề dạng QC [mã số quản lý]; cuối mỗi tin nhắn phải có chức năng từ chối tin nhắn/tiếp tục nhận tin và khi người dùng sử dụng chức năng từ chối tin nhắn để nhắn lại thì họ không bị mất chi phí.
Tuy nhiên, đến nay, điểm "tiến bộ" nhất trong các tin nhắn quảng cáo chỉ là chữ QC ở đầu. Hầu hết tin nhắn loại này vẫn được gửi đi từ số máy cá nhân, chủ yếu là SIM trả trước, dùng một lần rồi bỏ hoặc các dịch vụ nhắn SMS trên mạng Internet. Những bên muốn quảng cáo thường dùng phần mềm và modem GSM gắn SIM khuyến mại để gửi đi hàng trăm, hàng nghìn tin nhắn đến các thuê bao di động. Tất nhiên, khi nhắn lại hay gọi lại thì số máy nhắn tin đó không trả lời, khiến người dùng phải gọi đến số chăm sóc khách hàng của họ để yêu cầu không nhận dịch vụ. "Các nỗ lực chống spam phải được tiến hành đồng bộ mới có kết quả", ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc VNCERT, cho biết. "Tôi hy vọng đến khi quy định quản lý chặt chẽ thuê bao trả trước được thực hiện mạnh mẽ vào tháng 6 tới đây, tình hình sẽ khả quan hơn".
(Theo Vnexpress)
Bình luận
Các Sim thuộc loại 0123, 0126 ..v.v... hay bị dính mấy kiểu quảng cáo đó, mà mấy đầu số trước kia thì k0 bị. Có thể là danh sách số điện thoại được mấy ông quảng cáo móc nối với các đại lý viễn thông.
Chả biết ai sẽ là người bảo vệ quyền lợi người sd nữa.