Ranh giới mờ nhạt giữa mobile và máy tính đang làm dấy lên vấn đề về an ninh

Mặc dù một số người đã cài đặt mật khẩu để bảo vệ điện thoại nhưng vẫn chưa đủ “mạnh” để ngăn chặn những kẻ gian chiếm dụng các dữ liệu quan trọng trong máy.

Ngày càng nhiều người dùng di động đăng ký sử dụng các dịch vụ nội dung để kết nối Internet. Vì thế, nguy cơ bị tấn công bảo mật càng trở nên dễ dàng hơn, các nhà phân tích chắc chắn như thế.

Khảo sát của công ty bảo mật Credant cho thấy 24% người được hỏi cho biết họ đã lưu mã PIN và mật khẩu trong điện thoại; 16% cho hay các thông tin về tài khoản ngân hàng đều nằm trong máy cầm tay; và 11% lưu các số an sinh và thông tin liên quan đến thuế trong mobile; và 10% “bạo gan” ghi thông tin thẻ tín dụng trong đó.

Theo khảo sát của công ty bảo mật, cứ 10 người thì có 6 người đặt password để cấm người khác truy cập vào điện thoại, nhưng vẫn còn nhiều lỗ hổng dễ bị khai thác. Dù đã có mật khẩu bảo vệ, 80% người dùng vẫn có nguy cơ bị ăn cắp thông tin cá nhân.

Điều đáng nói là gần như tất cả mọi người, 99%, đều sử dụng điện thoại vì mục đích công việc, trong khi đó, 26% người dùng đã bị giám đốc lên tiếng cảnh báo không nên “dựa” vào mobile để giải quyết công việc.

“Nếu bạn đã lưu các thông tin nhạy cảm trong điện thoại thì việc quan trọng nhất là phải cài đặt mật khẩu cực kỳ an toàn, tốt nhất là nên dùng mật khẩu thật “mạnh”, không nên dùng một từ đơn giản hay là một từ trong từ điển, dễ đoán”, Graham Cluley, cố vấn công nghệ của Sophos, khuyên. Ngoài ra, theo ông này, người dùng cũng nên mã hóa dữ liệu lưu trong điện thoại.

Các chuyên gia an ninh đang lo ngại vì hacker ngày càng tinh vi, chúng dễ dàng lấy cắp các thông tin mật của doanh nghiệp thông qua các smartphone “hớ hênh”.

Theo các nhà phân tích, nhiệm vụ của người dùng là phải cảnh giác với các vấn đề bảo mật. Việc yêu cầu các nhà sản xuất điện thoại phải bổ sung thêm một “tầng” an ninh nữa là không đúng đắn bởi điện thoại không có nhiệm vụ lưu trữ thông tin quan trọng.

(Theo Dân trí/DailyTech)



Bình luận

  • TTCN (0)