Định nghĩa một chiếc smartphone không khó nhưng đưa phân biệt nó lại không hề dễ. Quan điểm của các nhà chuyên môn cũng đang khá “vênh” nhau.
Quan điểm “vênh” nhau
Cho đến nay, hầu hết mọi người trong chúng ta đều “ngầm hiểu” với nhau rằng một chiếc smartphone là chiếc điện thoại di động có thêm các khả năng tương tự như một chiếc PDA ngoài khả năng nghe – gọi thông thường. Đó là khái niệm mà hầu hết người tiêu dùng đang tự đặt ra trong khi các nhà chuyên môn trong lĩnh vực viễn thông di động lại có khái niệm khá khác biệt.
Điều này được thể hiện khá rõ nét trong sự khác biệt về cách phân loại chiếc điện thoại Rumor2 do hãng LG sản xuất vừa chính thức được nhà mạng Sprint Nextel (Mỹ) bán ra thị trường hôm 15/3 vừa qua. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta cứ liên tục gọi đó là một chiếc smartphone nhưng các nhà chuyên môn lại một mực khẳng định chiếc LG Rumor2 không thể là smartphone mặc dù nó vẫn có khả năng duyệt web, truy cập email và được trang bị cả một bàn phím thực tiêu chuẩn dạng QWERTY. Trong khi đó những mẫu khác như iPhone, BlackBerry hay Nokia series N và E thì vẫn được gọi là smartphone – ít nhất là theo quan điểm của các chuyên gia của Gartner hay IDC, những hãng nghiên cứu thị trường lớn nhất thế giới trong lĩnh vực viễn thông nói riêng và cả thế giới công nghệ nói chung.
Hiệp hội các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ di động Hoa Kỳ (CTIA) lại có một khái niệm khác mang tính cởi mở hơn. CTIA coi những chiếc “điện thoại di động có khả năng truyền tải dữ liệu và một bàn phím thực chuẩn QWERTY” là điển hình chung nhất của một chiếc smartphone và nếu xét theo tiêu chuẩn này, chiếc LG Rumor2 “thừa sức” được xếp vào hàng ngũ của những chiếc điện thoại thông minh. Tuy vậy, chính người phát ngôn của CTIA cũng thừa nhận rằng khái niệm của họ vẫn mang tính “chung chung” bởi cho đến nay ngành công nghiệp di động thế giới vẫn chưa đưa ra được một quy chuẩn thực sự nào cho chủng loại thiết bị này.
Hãng nghiên cứu thị trường IDC mới đây cũng đã tiến hành một cuộc khảo sát quan điểm của 4 nhà phân tích thị trường và của đông đảo người dùng cuối về vấn đề này. Theo quan điểm của nhóm này, từ smartphone chủ yếu được sử dụng để nói về những sự thay đổi về mặt tính năng của thiết bị viễn thông di động kể từ năm 2000 khi hãng sản xuất điện thoại Palm Inc. bắt đầu tung ra thị trường những mẫu máy có thêm chức năng của một thiết bị hỗ trợ cá nhân kỹ thuật số ngoài khả năng nghe – gọi thông thường. Với người dùng cuối, cuộc khảo sát của IDC cho thấy họ còn có một hệ thống quan điểm “bao la” hơn nữa. Với một số người, smartphone đơn giản là một chiếc di động có thể truy cập Internet không dây còn với một số người khác, đó phải là một thiết bị có khả năng nhắn tin, gửi email thông qua màn hình cảm ứng hoặc một bàn phím thực tiêu chuẩn. “Khi bạn hỏi mọi người thế nào là một chiếc smartphone, chắc chắn bạn sẽ nhận được một núi những câu trả lời khác nhau”, Ramon Llamas của hãng IDC phát biểu.
Vẫn chưa có câu trả lời cuối
Năm 2002, IDC đã quy tụ tất cả về một khái niệm chung: điện thoại di động để tránh nhầm lẫn với khái niệm mà hãng phần mềm Microsoft thường dùng để ám chỉ những thiết bị di động cầm tay nhắm đến đối tượng khách hàng doanh nghiệp. Đến năm 2006, IDC một lần nữa thay đổi bằng một định nghĩa cụ thể hơn: smartphone là điện thoại di động hoạt động trên nền tảng của một hệ điều hành di động “cao cấp”.
Ngày này, qua vài lần cập nhật, IDC đã có một khái niệm xem ra chính xác hơn cả: “smartphone là một tập hợp con của điện thoại di động, được tích hợp thêm những tính năng cao cấp, hoạt động trên một hệ điều hành như Android, BlackBerry, Linux, Mac OS X, Palm, Symbian, hay Windows Mobile cho phép các ứng dụng (phần mềm) do một bên thứ 3 phát triển có thể hoạt động trên đó. Những tính năng cao cấp bao gồm: khả năng quản lý thông tin cá nhân, các tính năng đa phương tiện, trò chơi điện tử, ứng dụng văn phòng…
Ngoài ra, các chuyên gia của IDC còn nhấn mạnh đến khả năng chạy các ứng dụng của bên thứ 3 một cách độc lập với dịch vụ của nhà cung cấp mạng viễn thông và đồng thời chiếc smartphone đó còn phải có khả năng hoạt động đa nhiệm (tức cho phép nhiều ứng dụng cùng hoạt động trong một số thời điểm).
Trong khi đó, hãng nghiên cứu thị trường Gartner lại có quan điểm khắt khe hơn rất nhiều. Theo các chuyên gia của Gartner, ngoài việc có hệ điều hành, có những tính năng cao cấp, một chiếc smartphone còn phải có màn hình rộng hơn, chip xử lý mạnh hơn, dung lượng bộ nhớ cao hơn và thời lượng pin cũng phải lâu hơn bình thường. Với Gartner, việc có hay không có màn hình cảm ứng hoặc bàn phím tiêu chuẩn QWERTY không ảnh hưởng đến việc định nghĩa chiếc điện thoại thông minh.
(Theo ICTnews/ComputerWorld, PC World)
Bình luận
Làm thế nào phân biệt rõ ràng PDA Phone và Smartphone?
PDA Phone là khái niệm chỉ các máy PDA thêm tính năng thoại, còn smartphone thì tính năng thoại là chính (OS cho phép cài ứng dụng là phụ). Nhưng giờ 2 khái niệm này hội tụ, đồng nhất rồi... đều là smartphone
Nếu còn nhớ PDA của HP, Asus... ngày xưa, thì những dòng sau có thêm tính năng thoại nên những dòng đó gọi là PDA phone (để còn vênh mặt với những dòng PDA khác). Mấy tay sản xuất điện thoại cũng thế, nhiều cái "phone" rồi thì mình phải làm "smartphone" mới bán được nhiều hơn. Hai khái niệm này vô tình trùng nhau mà không biết.
Cũng như có người nói notebook khác laptop ở chỗ nó nhẹ hơn (dựa vào tên: để trên đùi thì là laptop, còn đã là "notebook" thì phải gọn nhẹ), nhưng giờ đa số dùng chung rồi. Chỉ có những "máy tính để đùi" nặng 4-5 kg thì không gọi là notebook thôi. Sắp tới thì khái niệm notebook (nhất là ultraportable) với netbook chắc cũng hợp nhất, vì các CPU Atom với ULV sẽ ngày càng mạnh hơn.
Xem ra chỉ mới hơn chục năm mà chúng ta chứng kiến khá nhiều rồi. Có một sản phẩm không ra đời nổi, đó là Internet PC (hay đại loại thế, không nhớ nữa) đã làm tốn nhiều giấy mực vào những năm 98-99, là PC giá rẻ không có ổ cứng và nhiều thiết bị khác, chủ yếu để truy cập net.