Cuộc chiến không gian mạng lại có dấu hiệu khơi mào. Ngày 29/3, tờ New York Times (NYT) của Mỹ cho biết các nhà nghiên cứu ở Trung tâm nghiên cứu quốc tế Munk của Đại học Toronto (Canada) đã phát hiện một mạng gián điệp máy tính có trụ sở tại Trung Quốc chuyên thâm nhập và đánh cắp tài liệu từ hàng trăm văn phòng chính phủ và tư nhân khắp thế giới.
NYT dẫn nguồn báo cáo của Trung tâm Munk cho thấy trong không đầy hai năm qua, mạng lưới trên, được gọi tên nghiệp vụ là GhostNet, đã xâm nhập ít nhất 1.295 máy tính ở 103 quốc gia, bao gồm nhiều máy thuộc các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế, đại sứ quán, bộ ngoại giao và văn phòng các chính phủ. Những chuyên gia truyền thông Canada nói GhostNet được kiểm soát bởi các máy tính phần lớn đặt ở Trung Quốc, tập trung nhiều vào chính phủ các nước Nam Á và Đông Nam Á.
Mạng gián điệp vừa được Trung tâm Munk báo cáo cho tới giờ là vụ lớn nhất được công khai xét trên khía cạnh các quốc gia bị ảnh hưởng. Báo cáo mang tên "Theo dõi GhostNet: điều tra một mạng vi tính gián điệp" khẳng định các nhà nghiên cứu chưa tìm thấy bằng chứng về việc các văn phòng của Chính phủ Mỹ bị xâm nhập, nhưng một máy tính của NATO bị mạng gián điệp này theo dõi trong nửa ngày.
Theo BBC, danh sách bị xâm nhập có thể còn bao gồm bộ ngoại giao các nước Iran, Bangladesh, Latvia, Indonesia, Philippines, Brunei, Barbados và Bhutan. Các hệ thống bị xâm nhập cũng được phát hiện tại đại sứ quán các nước Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Romania, Cyprus, Malta, Thái Lan, Bồ Đào Nha, Đức, Pakistan và vùng lãnh thổ Đài Loan.
Các nhà nghiên cứu ở Toronto nói với NYT rằng họ đã thông báo với các cơ quan có trách nhiệm về mạng gián điệp máy tính nói trên, và cũng cho rằng hiện hệ thống pháp luật về không gian ảo vẫn còn thiếu nhiều chuẩn mực cơ bản. NYT đã liên hệ với Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) nhưng cơ quan này từ chối bình luận.
Trung tâm Munk cũng cho rằng tuy các máy tính chỉ huy được đặt ở Trung Quốc nhưng không thể kết luận là chính quyền Bắc Kinh có liên quan. NYT nói đây có thể là công việc của một tổ chức phi chính phủ, vì lợi nhuận hoặc do các cá nhân ở Trung Quốc tự gọi là "những hacker yêu nước" tiến hành. "Chúng ta phải thận trọng về việc này, do mọi việc còn chưa rõ ràng" - phó giáo sư Ronald J. Deibert, một thành viên của nhóm nghiên cứu tại Munk, bình luận.
Một người phát ngôn của Cơ quan lãnh sự Trung Quốc tại New York đã lên tiếng phủ nhận những ý kiến cho rằng Trung Quốc có liên quan: "Những câu chuyện này thật cũ kỹ và vô nghĩa. Chính phủ Trung Quốc phản đối và cấm nghiêm ngặt bất cứ loại hình tội phạm máy tính nào".
Các nhà nghiên cứu của Munk sẽ công bố những phát hiện của họ trên ấn bản online Information Warfare Monitor. Cơ chế hoạt động của GhostNet được giải thích là những người dùng máy tính khi vào các trang mạng sẽ vô tình cài một phần mềm xâm nhập máy của mình khiến các hacker có thể kiểm soát máy và gửi đi những thông tin mật. Trong trường hợp này, BBC cho biết thậm chí phần mềm còn cho phép các hacker có khả năng sử dụng các phương tiện ghi hình và ghi âm để theo dõi căn phòng mà máy tính được đặt.
(theo Tuổi Trẻ online)
Bình luận